Cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraina đã hơn hai năm rưỡi. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Matxcơva không thể tiếp tục chiến tranh nếu không có hậu thuẫn của Bắc Kinh. Phương Tây liên tục kêu gọi Trung Quốc ngừng bán cho Nga hàng ‘‘lưỡng dụng’’, có thể dùng cho quân sự. Tuy nhiên hợp tác không dừng ở đó. Đầu tháng 9/2024, lần đầu tiên Washington cáo buộc Bắc Kinh hậu thuẫn quân sự trực tiếp. Một số chuyên gia cho rằng Trung – Nga đang hướng đến một liên minh quân sự không chính thức.
Đăng ngày: 20/09/2024
Ngày 10/09/2024, trong một cuộc trao đổi với báo giới, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, Kurt Campbell, đã cáo buộc Trung Quốc trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho Nga ‘‘ở quy mô lớn’’ để giúp Nga tiếp tục cuộc chiến chống Ukraina. Nhân vật số hai của bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh đây không phải là các hàng hóa ”lưỡng dụng” (như các linh kiện điện tử), mà là các phương tiện ‘‘trực tiếp phục vụ cho cỗ máy chiến tranh của Nga’’. Tuyên bố được ông Kurt Campbell đưa ra sau cuộc họp với các đồng nhiệm trong Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, theo nhật báo Anh Financial Times.
Lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Bắc Kinh trực tiếp hỗ trợ Matxcơva vũ khí
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ cũng cho biết là để đổi lại các viện trợ quân sự trực tiếp của Trung Quốc, Nga đã bắt đầu trao cho Bắc Kinh nhiều công nghệ quân sự tân tiến liên quan đến tàu ngầm, tên lửa và một số lĩnh vực khác. Ông Kurt Campbell nói rõ là phía Mỹ ‘‘đã ghi nhận những nỗ lực phối hợp ở cấp cao nhất của chính quyền hai bên nhằm che giấu một số yếu tố trong hợp tác gây lo ngại này’’. Sự thay đổi nói trên của Nga là rất đáng chú ý, bởi theo thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, trước đây Nga vốn rất lưỡng lự trong việc cung cấp các công nghệ như vậy, còn giờ đây ngược lại đã có một chủ trương mạnh mẽ trong việc này.
Mục tiêu của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ khi nêu bật vấn đề hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga đánh đổi lấy các công nghệ vũ trang tân tiến của Matxcơva tại Bruxelles là nhằm đánh động trước hết châu Âu về ‘‘tác động rất lớn của việc này đối với tiềm lực quân sự của Trung Quốc và lực lượng Trung Quốc triển khai tại vùng phía tây Thái Bình Dương’’. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet, chuyên về Trung Quốc và chính trị châu Á, trong một bài phân tích trên trang mạng Asialyst, đặc biệt chú ý đến việc thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ đã sử dụng cụm từ ‘‘fundamental alignment’’ (tạm dịch là ‘‘hướng đến quan hệ liên minh sâu sắc’’) để nói về quan hệ Trung – Nga hiện tại, thay vì chỉ là ‘‘một liên minh chiến thuật’’.
Công nghệ tàu ngầm Nga giúp Trung Quốc đối đầu với Mỹ ở Thái Bình Dương
Theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, cho đến nay Bắc Kinh khăng khăng bác bỏ mọi hỗ trợ giúp Nga tiến hành xâm lăng Ukraina, chưa nói đến hỗ trợ quân sự trực tiếp, và Trung Quốc liên tục khẳng định là ‘‘hoàn toàn trung lập’’ trong xung đột Nga-Ukraina, thậm chí còn đề nghị đóng vai trò trung gian cho các thương lượng giữa Matxcơva và Kiev tìm giải pháp hòa bình. Trên thực tế, Bắc Kinh là bên được hưởng ‘‘những khoản lợi khổng lồ’’ từ cuộc chiến này, cụ thể như mua được dầu khí của Nga với giá rất rẻ. Chiến tranh càng kéo dài, Trung Quốc càng được lợi.
Nhà báo Pierre-Antoine Donnet nhấn mạnh là tuyên bố chưa từng có của một quan chức cao cấp Mỹ về hợp tác quân sự Trung – Nga ngày càng mật thiết nói trên cho thấy điều này không chỉ làm ‘‘thay đổi tương quan lực lượng tại Ukraina, mà cả trên phạm vi toàn cầu, theo một số chuyên gia quân sự’’.
Nga có thể thiếu hụt vũ khí và đạn dược trong cuộc chiến xâm lăng Ukraina, nhưng tiềm lực về công nghệ quân sự tân tiến của Nga về tên lửa đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân là điều Trung Quốc thèm muốn. Theo một số chuyên gia Mỹ, Quân đội Trung Quốc mới đây đã nhận được hỗ trợ từ Nga để hoàn thiện tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa Type 096, di chuyển ít gây tiếng ồn hơn, nên khó phát hiện hơn. Viện nghiên cứu về hàng hải Trung Quốc CMSI (China Maritime Studies Institute) của Mỹ dự đoán tàu ngầm Type 096 đi vào hoạt động vào cuối thập niên 2020 hoặc đầu 2030 sẽ có ‘‘nhiều tính năng công nghệ vượt trội’’ so với các đời tàu ngầm thế hệ trước.
Ngoài khả năng ‘‘tàng hình’’, tàu ngầm Type 096 – với vận tốc cao hơn, hoạt động độc lập dài hơn, được trang bị tên lửa hạt nhân liên lục địa JL3 có thể tấn công nước Mỹ – ‘‘có khả năng làm thay đổi cán cân lực lượng Trung – Mỹ tại Thái Bình Dương’’, theo chuyên gia Emma Salisbury, thuộc viện tư vấn Council on Geostrategy Anh quốc.
Nga – Trung liên tục tập trận quy mô lớn
Các cuộc tập trận lớn Nga – Trung diễn ra thường xuyên cũng được các nhà quan sát ghi nhận như một dấu hiệu cho thấy Nga – Trung siết chặt hợp tác quân sự. Ngày 12/09, hai bên tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn quy mô toàn châu lục Á – Âu mang tên Ocean 2024. Địa bàn tập trận bao gồm Thái Bình Dương, Bắc Cực, Địa Trung Hải, biển Caspi và biển Baltic. Cuộc tập trận Ocean 2024 được một số phương tiện truyền thông Mỹ mô tả như là quan trọng nhất của Nga từ khi Liên Xô tan rã.
Tham gia tập trận về phía Nga có 120 phi cơ và trực thăng, 400 tàu chiến, tàu ngầm cùng 90.000 binh sĩ, nhân viên. Trung Quốc cử ba chiến hạm và 15 phi cơ. Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày đã được mở ra tại Biển Nhật Bản. Theo thông cáo chung Nga – Trung, lý do tổ chức tập trận tại đây là nhằm ‘‘bảo vệ tốt hơn các hoạt động kinh tế ở khu vực’’, ngụ ý chống lại các đe dọa từ Mỹ và các đồng minh.
Hợp tác với Nga gia tăng khiến Trung Quốc hung hãn hơn ở Biển Đông?
Sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, được Nga hậu thuẫn về công nghệ, gây lo ngại. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet ghi nhận cùng lúc với đà hợp tác quân sự ngày càng mật thiết với Nga, Trung Quốc đang trở nên hung hãn hơn trong các tranh chấp ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền với gần 90% diện tích, yêu sách bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ trong phán quyết năm 2016.
Ngày 12/09 tại diễn đàn an ninh Hương Sơn, ở Bắc Kinh, với hơn 90 nước tham gia, trung tướng Trung Quốc Hà Lô (He Lei) đe dọa : Quân đội Trung Quốc kiên quyết đè bẹp các lực lượng ‘‘xâm phạm chủ quyền’’, bất kể của Mỹ hay nước nào.
Biến Nga thành ‘‘công cụ’’ trong cuộc chiến chống phương Tây
Việc Trung Quốc hướng đến một liên minh quân sự với Nga đang ngày càng hiện rõ là điều dường như đã ít được giới chuyên gia phương Tây tiên liệu là ghi nhận của nhà nghiên cứu Joséphine Staron, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, thuộc viện tư vấn Synopia, được nhà báo Pierre-Antoine Donnet dẫn lời.
Nhà báo Pháp cũng chú ý đến nhận định của nhà địa chính trị học Callum Fraser, thuộc viện RUSI – Royal United Services Institute, Anh Quốc. Vị chuyên gia này lưu ý nhiều hơn đến một khía cạnh khác của mối quan hệ ngày càng được coi là mang tính liên minh quân sự này. Đó là cuộc xâm lăng Ukraina của Nga không chỉ giúp Trung Quốc ‘‘khai thác những điểm yếu của kinh tế Nga’’, mà cuộc chiến tranh này còn là một cơ hội giúp Trung Quốc ‘‘làm suy yếu quyết tâm của phương Tây, làm kiệt quệ các nguồn lực của NATO. Và, xét đến cùng Putin – với giấc mơ phục thù Nga – đang biến đất nước này trở thành một công cụ cho nước láng giềng phương Đông đầy tham vọng và bất khả tín (tức Trung Quốc)’’ (bài ”Russia and China: The True Nature of their Cooperation” (Bản chất của hợp tác Nga – Trung), trang mạng Viện RUSI, ngày 07/06/2024).