7 giờ trước
Cựu Thủ tướng Hun Sen tuyên bố Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào. Đây là một bước đi gây bối rối cho Việt Nam khi mới chỉ gần một tháng trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến hợp tác này.
Ông Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet đã tuyên bố Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) từ ngày thứ Sáu 20/9, theo báo Khmer Times hôm nay 21/9.
Trong thời gian qua, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa và chống Việt Nam ở Campuchia, vốn âm ỉ từ lâu, đã bùng lên liên quan đến Tam giác Phát triển này. Lực lượng đối lập không ngừng lặp lại cáo buộc rằng Campuchia nhượng đất cho Việt Nam khi tham gia CLV-DTA.
Campuchia tuyên bố rút khỏi khuôn khổ hợp tác này chỉ gần một tháng sau khi Việt Nam nhấn mạnh đến đến ý nghĩa chiến lược của CLV-DTA, giữa lúc làn sóng phản đối tại Campuchia đang dâng lên.
“Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đã đóng góp cho việc phát triển kinh tế-thương mại, giao lưu nhân dân giữa ba nước, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân của ba nước, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực này,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/8.
“Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Campuchia và Lào tổ chức tốt hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay tại Campuchia.”
‘Phải dập lửa hoàn toàn’
Tuyên bố rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được công bố trên trang Facebook chính thức của ông Hun Sen, hiện là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia và sau đó được đăng tải lại trên báo Khmer Times, một tờ báo thân chính phủ.
Ông Hun Sen nói rằng CLV-DTA trong 25 năm qua đã mang lại nhiều thành tựu phát triển cho các tỉnh của Campuchia gồm Kratié, Stung Treng, Mondulkiri và Ratanakkiri.
Tuy nhiên, ông Hun Sen cáo buộc:
“Những kẻ cực đoan đã sử dụng tam giác phát triển này làm công cụ chính trị để vu khống và công kích chính phủ bằng cách liên tục nói dối người dân và khiến người dân bị nhầm lẫn.”
Ông Hun Sen cũng nhắc lại cáo buộc của phe đối lập rằng chính phủ đã nhượng đất bốn tỉnh ở miền đông bắc cho nước ngoài.
“Gần đây, họ đã dùng luận điệu này để kích động và kêu gọi người dân tham gia triển khai Kế hoạch 18 tháng 8 nhằm gây bất ổn cho xã hội,” ông Hun Sen cáo buộc.
Ông Hun Sen nói rằng mặc dù Kế hoạch 18 tháng 8 đã bị dập tan, nhưng cách làm việc của ông là “không ngồi dập khói, mà phải dập lửa hoàn toàn”.
“Xét quan ngại của nhân dân về lãnh thổ và sự cần thiết phải tước vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan, ngăn chặn chúng sử dụng CLV-DTA để tiếp tục lừa dối nhân dân, tôi, với tư cách chủ tịch đảng (Đảng Nhân dân Campuchia), và Thủ tướng Hun Manet cùng các lãnh đạo khác đã quyết định Campuchia sẽ hoàn tất việc tham gia vào Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) từ ngày 20/9.”
Thông điệp của ông Hun Sen nhấn mạnh đến việc tước vũ khí khỏi tay lực lượng đối lập, tức là khiến họ không còn cớ để công kích chính phủ của ông.
“Những kẻ cực đoan có thể tuyên bố đã đạt được yêu sách này; tuy nhiên, chúng sẽ mất một vũ khí quan trọng nhất được dùng để chống lại Chính phủ Hoàng gia,” ông tuyên bố trên Facebook.
Ngày thứ Sáu 20/9, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea đã gửi một lá thư để thông báo cho Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn về quyết định rút khỏi CLV-DTA.
Bức thư có đoạn:
“Sau khi xem xét cẩn trọng và đánh giá về bước tiến của chúng ta, chúng tôi kết luận rằng khuôn khổ hợp tác đã đạt được các mục tiêu đề ra.”
“Tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng mỗi nước đều hoàn toàn có khả năng tiếp tục và đảm bảo sự phát triển ấy một cách độc lập theo góc độ của mình.”
Lá thư cũng nhấn mạnh khuôn khổ hợp tác này đã mang lại “lợi ích vô cùng tô lớn” cho các nước tham gia.
Tình hình Campuchia thế nào?
Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Những nghi kỵ, đặc biệt về mặt lãnh thổ, thường được giới dân tộc chủ nghĩa xếp đầu nghị trình.
Ở Campuchia từng có niềm tin rằng quốc gia này đã để mất Kampuchea Krom (tức Kampuchea Hạ) và đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc hiện nay) vào tay Việt Nam trong quá khứ.
Chủ nghĩa dân tộc Campuchia cùng với quá khứ thân Việt Nam của Hun Sen đã dẫn tới sự chống đối từ các phe phái đối lập, dẫn đầu là ông Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập đã bị chính quyền giải tán.
Từ nhiều năm qua, ông Sam Rainsy đã dẫn dắt các hoạt động chống Việt Nam và chính quyền Hun Sen, giương cao khẩu hiệu cáo buộc Việt Nam cướp đất Campuchia.
Ông Rainsy thường xuyên cáo buộc chính phủ Campuchia đã nhượng đất cho Việt Nam, cho phép người nhập cư Việt Nam sinh sống trái phép.
Trong những tháng gần đây, chủ đề này lại được xới lên với các cuộc biểu tình phản đối CLV-DTA.
Hồi tháng 8, các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra ở một số nước ngoài Campuchia như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Vanna Hay, lãnh đạo Phong trào Giải cứu Quốc gia Campuchia (Cambodia National Rescue Movement) tại Nhật Bản, nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 22/8:
“Bốn tỉnh của chúng tôi đã có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào rồi và nếu chính phủ không tha hóa một cách hệ thống, thay vào đó có một chính phủ tốt dẫn dắt đất nước, chúng tôi có thể biến những nguồn tài nguyên thiên nhiên đó thành tiền để có thể tự phát triển bốn tỉnh đó mà không cần phải tham gia vào CLV-DTA.”
“Đối với tôi, ông Hun Sen không đang phục vụ cho lợi ích của người dân Campuchia và quốc gia, mà phục vụ các lợi ích nước ngoài,” ông Vanna Hay nhấn mạnh.
Theo Khmer Times, ngày 18/8, phe đối lập ở nước ngoài bị cáo buộc đã kích động người dân biểu tình ở thủ đô Phnom Penh, kêu gọi chính phủ Campuchia rút khỏi CLV-DTA.
Hàng chục người bị cáo buộc lên kế hoạch biểu tình tại Phnom Penh đã bị bắt giữ. Truyền thông thân chính phủ nói rằng mục tiêu kích động biểu tình là để lật đổ chính phủ, tương tự những gì đã xảy ra tại Bangladesh.
Một số người bị bắt giữ đã được thả ra sau “khi được cải tạo”, còn những người bị coi là chủ mưu đã bị truy tố.
Ông Kimkong Heng, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm Phát triển Campuchia (Cambodia Development Center), vào ngày 21/8 nhận định với BBC News Tiếng Việt:
“Vẫn còn tâm lý chống Việt Nam hằn sâu ở Campuchia liên quan đến lịch sử Campuchia và Việt Nam, cũng như cách mà chính phủ Campuchia xử lý những vấn đề liên quan đến Việt Nam và vấn đề người Việt Nam di cư qua Campuchia.”
“Có hai diễn ngôn mang tính đối chọi nhau về Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Chính phủ và những người ủng hộ cố gắng cho thấy sự ủng hộ, tuyên bố Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam sẽ giúp các tỉnh của Campuchia phát triển, trong khi nhóm khác thì lo lắng và cảnh báo Campuchia sẽ bị mất bốn tỉnh vào tay Việt Nam trong tương lai.”
“Họ đã kêu gọi chính phủ cân nhắc lại Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Vấn đề này một lần nữa làm bùng lên tâm lý dân tộc và chống Việt Nam ở Campuchia”.
Chính phủ Campuchia cũng tiến hành các biện pháp phổ biến thông tin cho người dân.
Đầu tháng 9, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã triển khai sáng kiến đưa hàng trăm người dân đến tham quan vùng biên giới ở đông bắc Campuchia.
Những chuyến đi miễn phí này được tổ chức với mục đích xua tan quan ngại của người dân liên quan đến Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Theo Khmer Times ngày 3/9, chính phủ lên kế hoạch cứ mỗi thứ Bảy tính từ ngày 7/9 cho đến cuối năm nay, sẽ tổ chức cho người dân đi đến các tỉnh biên giới như Tboung Khmum, Kratié và Mondulkiri để “giải độc thông tin”. Mỗi chuyến đi có khoảng 200 người tham gia.
Theo kế hoạch này, Campuchia cho thấy họ vẫn có ý định kiên trì phổ biến thông tin cho nhân dân về CLV-DTA.
Do đó, quyết định rút lui là một bước đi đột ngột và Campuchia có thể đã có lựa chọn khác để phát triển kinh tế cho các tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.
Tam giác Phát triển là gì?
Ra đời theo đề xuất vào năm 1999 của ông Hun Sen, lúc bấy giờ là thủ tướng Campuchia, Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam là một khu vực gồm 13 tỉnh thuộc 3 nước láng giềng:
- Campuchia (đông bắc): Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié;
- Lào (miền nam): Attapeu, Salavan, Sekong và Champasak;
- Việt Nam (Tây Nguyên): Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.
Ban đầu Tam giác Phát triển chỉ gồm 10 tỉnh nhưng đến năm 2009, ba nước đã đồng ý bổ sung Bình Phước (Việt Nam), Kratié (Campuchia) và Champasak (Lào) vào khuôn khổ hợp tác này.
Các tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri không có đường bộ kết nối với nhau nên phải phụ thuộc vào Việt Nam.
Xét về điện, các tỉnh Mondulkiri, Ratanakkiri, Kratié cần điện từ Việt Nam, trong khi tỉnh Stung Treng dựa vào nguồn điện từ Lào.
Trước đây, 4 tỉnh này nhiều lần nhận được dịch vụ y tế từ Lào và Việt Nam.
Có thể thấy, CLV-DTA là sáng kiến của ông Hun Sen. Giờ đây, chính ông lại chủ động đơn phương rút Campuchia khỏi khuôn khổ hợp tác này. Điều đó cho thấy hai khả năng, một là ông bị buộc phải thực hiện bước đi này để hóa giải sự chống đối trong nước. Hai là ông Hun Sen có thể có những tính toán khác mà ông thấy có lợi hơn. Hoặc cũng có thể là cả hai.
Dù bất cứ lý do nào thì quyết định của Campuchia hẳn không phải là điều mà Việt Nam mong muốn.
Tóm tắt lịch sử Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam
Năm 1999
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra sáng kiến thành lập khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ nhất tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Năm 2002
Ba nước cam kết ưu tiên triển khai hợp tác trong khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế tại cuộc họp cấp cao lần thứ hai tại TP HCM.
Năm 2004
Ba nước khẳng định lại Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam là khu vực hết sức quan trọng tại cuộc họp cấp cao lần thứ 3 tại thành phố Siem Reap (Campuchia).
Tháng 11/2004
Ba nước thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và ký Tuyên bố Viêng Chăn về xây dựng Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Tháng 12/2005
Hội nghị cấp cao giữa các nước khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam với Nhật Bản lần thứ 2 được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia).
Tháng 12/2006
Ba nước cam kết tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trong khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tại Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức tại thành phố Đà Lạt.
Tháng 11/2008
Ba nước đưa ra các hướng ưu tiên để phát triển khu vực Tam giác Phát triển tại Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển lần thứ 5 được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Tháng 10/2010
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển lần thứ 6 được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).
Tháng 3/2013
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 7 được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).
Tháng 11/2014
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển lần thứ 8 được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Tháng 11/2016
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển lần thứ 9 được tổ chức tại thành phố Siem Reap (Campuchia).
Ngày 19/12/2017
Hội nghị cấp cao SOM (cấp thứ trưởng) Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam diễn ra tại tỉnh Bình Phước.
Tháng 3/2018
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội.
Ngày 26/2 đến 1/3/2024
Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 13 khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam diễn ra tại tỉnh Attapeu (Lào).
Ngày 22/8/2024
Việt Nam khẳng định khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.
Ngày 20/9/2024
Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam