Ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng vừa được trả tự do, trở về nhà vào rạng sáng 21/9/2024.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966 tại Sài Gòn, bị bắt giữ vào tháng 5/2009. Vào đầu năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù giam với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, sinh năm 1972 tại Hà Nội, bị khởi tố vào tháng 6/2023 và bị kết án ba năm tù giam với tội danh trốn thuế vào tháng 9 cùng năm.
Việc trả tự do cho ông Thức và bà Hồng được chính quyền Việt Nam thực hiện ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã lên đường đi Mỹ vào sáng 21/9 để dự các sự kiện của Liên Hợp Quốc, tham gia một số hoạt động tại Mỹ và thăm cấp nhà nước tới Cuba. Chuyến công tác kéo dài đến ngày 27/9.
Trang Facebook của ông Thức do gia đình quản lý đăng một thông điệp mới vào ngày 21/9:
“Tôi không lật đổ chính quyền gì cả, tôi chỉ chống cường quyền và tôi sẽ còn chống cho đến khi nào còn thấy nó.”
‘Sẽ tiếp tục đấu tranh’
Gia đình ông Thức nói với BBC Tiếng Việt vào sáng 21/9 rằng tinh thần ông rất tốt, tuy có sụt ký nhiều.
“Anh Thức xuống sân bay lúc 12 giờ đêm 20/9, tức rạng sáng 21/9. Sau đó công an đưa anh về phường thẩm vấn tới bốn tiếng đồng hồ, gia đình ra đón mà không gặp. Tới 5 giờ sáng mới đón được anh,” ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, nói với BBC Tiếng Việt sáng 21/9.
“Sáng 20/9, công an địa phương báo cho vợ anh Thức là anh Thức sắp về, rồi chiều họ gọi nữa, nói cả nhà chuẩn bị. Lúc đó gia đình mới chắc chắn anh sắp về.”
“Gia đình cũng bất ngờ. Dù đã biết là anh sẽ được về sớm. Vì hôm gia đình đi thăm có được phía trại giam nói thông tin là anh sẽ về sớm nhưng không biết cụ thể ngày nào.”
Ra đón ông Thức, ngoài gia đình còn có luật sư Lê Công Định và ông Lê Thăng Long, cựu đồng nghiệp của ông Thức và từng bị xét xử trong cùng một vụ án với ông Thức.
Cả ba đều bị kết án trong một phiên tòa năm 2010 với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Còn một người nữa cùng bị xét xử trong phiên tòa này là kỹ sư tin học Nguyễn Tiến Trung hiện đang tị nạn tại Đức.
“Vui quá! Đón được anh Thức về rồi trên đường các anh ghé ăn tô hủ tiếu Nam Vang,” ông Tân nói với BBC và cho biết thêm rằng gia đình hiện đang rất hân hoan, hạnh phúc, đặc biệt là việc cha của ông Thức hiện đã già yếu nhưng vẫn còn đợi được tới ngày con trai được trả tự do.
Ông Tân chia sẻ thêm rằng gia đình “sẽ còn đấu tranh nữa vì họ [chính quyền] chưa làm đúng”.
“Anh Thức vẫn còn chịu án quản chế tới năm năm. Như vậy là sai. Vì anh Thức không có tội.”
“Anh Thức luôn thượng tôn pháp luật, nhân quyền, buộc họ phải làm đúng.”
“Gia đình luôn tin tưởng vào con đường đấu tranh của anh Thức, con đường công lý đang sáng lên và đang được thực hiện thành công.”
“Trong một đời người thì 16 năm trời là khủng khiếp lắm, nhưng giá trị mà tôi nghĩ là anh Thức làm chưa ai làm được, anh đấu tranh vì công lý thì đó là cái giá xứng đáng.”
Như vậy, đối với bản án 16 năm thì ông Thức đã ở tù 15 năm 4 tháng (kể cả tạm giam), ông được trả tự do sớm 8 tháng.
Qua việc ông Thức được trả tự do, ông Tân nói rằng ông “mong những tù nhân lương tâm hiện vẫn đang trong tù sẽ có thêm hi vọng, sức mạnh, con đường, lý lẽ, niềm tin để tiếp tục đấu tranh”.
“Từ lúc đi tù tới giờ anh Thức không có nhận tội.”
“Anh ổn, ở trong tù ý chí của anh rất mạnh, nên không bị suy sụp. Dù anh có bị sụt ký nhiều.”
Cũng theo ông Tân, việc ông Thức được trả tự do vào thời điểm này có lẽ “có liên quan” tới chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.
Không nhận tội
Bản án tù giam 16 năm của ông Trần Huỳnh Duy Thức thu hút sự chú ý của Việt Nam và quốc tế trong nhiều năm qua.
Trước khi bị bắt, ông Thức là một doanh nhân thành đạt và một người đấu tranh dân chủ nổi tiếng.
Tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ông Thức sau đó thành lập công ty tin học cùng với ông Lê Thăng Long và được ghi nhận là người có công đưa internet tốc độ cao vào Việt Nam, sau đó tiến ra quốc tế với công nghệ gọi điện thoại giá rẻ ra nước ngoài tại thị trường Mỹ và Singapore.
Bên cạnh đó, cùng với ông Long, ông Thức lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn vào năm 2005 để nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Năm 2008, ông lập hai blog Change We Need và Trần Đông Chấn với các bài viết và bình luận về kinh tế, chính trị, xã hội và lãnh đạo Việt Nam.
Ông chính thức bị chính quyền Việt Nam bắt vào tháng 5/2009 với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Tong quá trình thụ án, ông Trần Huỳnh Duy Thức luôn từ chối nhận tội để được xem xét giảm án.
Ông cũng tuyệt thực nhiều lần để phản đối chế độ hà khắc của trại giam.
Ông Thức luôn kiên định lập trường của mình là không ra nước ngoài tị nạn, không nhận tội để được xem xét giảm án. Ông Thức luôn khẳng định ông “không có tội để phải nhận tội”.
Liên Hợp Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế thời gian qua đã nhiều lần lên án bản án dành cho ông Thức, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông vô điều kiện.
Anh hùng khí hậu
Rạng sáng ngày 21/9, nhà báo Mai Phan Lợi, người từng bị án tù 48 tháng cũng với tội danh trốn thuế, chia sẻ thông tin bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do.
BBC đã liên hệ với gia đình bà Hồng và một số người có mối quan hệ với bà Hồng trong sáng 21/9 nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bà Hồng là người sáng lập tổ chức CHANGE hoạt động trong lĩnh vực vận động chính sách về môi trường, khí hậu.
Bà bị khởi tố vào tháng 6/2023 và, vào tháng 9 cùng năm, bị kết án ba năm tù giam với tội danh trốn thuế.
Việc bắt giữ bà Hồng đã bị Mỹ, một số nước phương Tây và các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án.
Trước khi bị bắt, bà Hồng từng được đưa vào danh sách “Anh hùng Khí hậu” của Liên Hợp Quốc. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực và từng nhận học bổng Quỹ Obama tại Đại học Columbia của Mỹ.
Đại học Columbia là nơi ông Tô Lâm sẽ có cuộc tọa đàm vào ngày 23/9/2024.
Bà Minh Hồng cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes bình chọn.
Trên tài khoản Twitter, vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chia sẻ bài viết giới thiệu về bà Hồng từ website Obama.org của Quỹ Obama, tổ chức đã cấp học bổng cho bà Hồng.
Ông Obama viết:
“Những nhà lãnh đạo như Hong Hoang, người đã huy động một phong trào do người trẻ dẫn dắt để tạo lập một thế giới xanh hơn sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên tới Nam Cực.”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC năm 2019, bà Hồng từng chia sẻ:
“Tôi là nhà hoạt động môi trường, thích lôi kéo giới trẻ vì tôi tin vào tương lai lãnh đạo của các bạn. Tôi là một người lạc quan, tin vào lòng tốt của con người và sức mạnh cộng đồng trong việc thay đổi xã hội.”
Bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ sáu tại Việt Nam bị bỏ tù trong vòng hai năm qua, chủ yếu với tội danh “trốn thuế”.
Dư luận từng hi vọng bà Hồng được trả tự do nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9/2023. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt thời điểm đó, ông Phil Robertson, cựu Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định rằng bà Hồng chính xác là “kiểu nhà hoạt động môi trường sáng tạo và lão luyện trên trường quốc tế, khiến các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lo lắng”.
Giám đốc một tổ chức NGO thời điểm nói trên chia sẻ với BBC với điều kiện giấu tên rằng luật thuế Việt Nam rất “mù mờ”.
Vị này nói rằng luôn luôn có những hoạt động phát sinh mà cán bộ thuế có thể khép ngay tổ chức NGO vào tội trốn thuế vì đã sử dụng nguồn tiền tài trợ “sai mục đích”.
Các điều khoản quy định về thuế lại mù mờ khiến nhiều NGO không rõ mình được xếp vào loại hình thuế nào và ngay cả khi liên lạc với cơ quan thuế để hỏi thì cũng nhận được hướng dẫn chung chung.
Việc này càng dễ dàng đẩy các nhà quản lý NGO vào vòng lao lý.