Đăng ngày: 21/09/2024
Trong làng nhạc Anh-Mỹ, Carole King người đã từng gợi hứng cho nhac pham “Oh Carol”, là một trong những tác giả lẫy lừng nhất thế kỷ XX, với gần 120 ca khúc ăn khách trên thị trường quốc tế. Trong số những tác phẩm đầu đời, có giai điệu “Will You Love Me Tomorrow”, đôi khi còn có tựa là “Will You Still Love Me Tomorrow”, do Carole King đồng sáng tác cùng với chồng là tác giả Gerry Goffin.
Bản nhạc “Will You Still Love Me Tomorrow” được nhóm The Shirelles gồm 4 thành viên ghi âm và phát hành vào năm 1960. Đây là lần đầu tiên, một bài hát của một ban nhạc nữ da đen giành lấy vị trí quán quân trên bảng xếp hạng thị trường Hoa Kỳ, hạng tư tại vương quốc Anh, hạng 3 tại New Zealand. Phiên bản của nhóm The Shirelles từng được tạp chí Rolling Stone xếp vào hạng 126 trong số 500 bài hát hay nhất mọi thời đại, còn tạp chí Billboard xếp bài hát này ở hạng 3 trong số các ban nhạc nữ xuất sắc nhất.
được được được Kể từ đó, nó đã được thu âm bởi nhiều nghệ sĩ trong nhiều năm, bao gồm cả phiên bản năm 1971 của đồng tác gia Carole King.
Vào năm 1971, đồng tác giả bản nhạc Carole King cũng đã ghi âm một phiên bản “Will you still love me tomorrow” cho album phòng thu thứ hai của mình mang tựa đề ”Tapestry”, với phần hát bè của hai nghệ sĩ trứ danh là Joni Mitchell và James Taylor. Phiên bản của Carole King được thực hiện với nhịp điệu chậm hơn, mang âm hưởng của dòng nhạc folk rock, giúp cho album thứ nhì của Carole King thành công trên thị trường quốc tế. Trong vở nhạc kịch sáng tác cho Broadway vào năm 2013 mang tựa đề “Beautiful : The Carole King Musical”, bài hát này được trình bày nhiều lần trên sân khấu, tựa như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Không có bài hát nào khác được biểu diễn thường xuyên như vậy trong vở nhạc kịch này.
Sau khi thành công trên thị trường quốc tế đầu những năm 1960, giai điệu “Will You Still Love Me Tomorrow” tiếp tục được ghi âm trong 11 ngôn ngữ khác nhau. Trong tiếng Pháp bài này có đến 4 lời : ”Reviendras-tu encore” của ca sĩ Jocelyne, ”Longtemps, très longtemps” của Martine Valdary, ”Demain tu peux changer” của Dusty Spingfield và bản phóng tác gần sát nhất với bài hát gốc là ”M’aimeras tu demain?” của Céline Lomez.
Còn trong tiếng Việt, “Will you still love me tomorrow” cũng có nhiều lời khác nhau : phiên bản đầu tiên được nhiều nguồn ghi chép là của tác giả Khúc Lan với tựa đề “Hãy nói mãi yêu”. Phiên bản lời Việt thứ nhì là của tác giả Nguyễn Thảo, do nghệ sĩ Lê Vũ ghi âm thành nhạc phẩm ”Mai này còn yêu nhau ?”. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn nguyên tác của Carole King với một bài hát khác có cùng tựa đề “Will you still love me tomorrow”. Đây là một bản nhạc tiếng Hoa từng được tác giả Minh Tâm phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm ”Tình yêu ngày mai”.
Về phía làng nhạc Anh-Mỹ, có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi từng ghi âm lại bản nhạc này. Trong số này, phải kể đến Frankie Valli và The Four Seasons (1968), Linda Ronstadt ghi âm một phiên bản cover trên album ”Silk Purse” (1970), Laura Brannigan thu bài này cho album ”Self Control” của mình (1984). Hầu như vào cùng một thời điểm (1983), nữ danh ca Dionne Warwick triệu mời nhóm The Shirelles cùng thu âm với mình một phiên bản mới của bài này cho album “How many times can we say goodbye”. Phiên bản của nam danh ca Lobo cũng được ghi âm trên album ”Asian Moon”, phát hành vào năm 1994.
Về phần mình, Amy Winehouse cũng từng ghi âm vào năm 2004 một bản cover làm nhạc nền cho tập nhì của bộ phim ”Bridget Jones” (The Edge of Reason), bài này được phát hành thành đĩa đơn chỉ vài tuần lễ sau khi Amy Winehouse qua đời vào năm 2011, ở tuổi 27. Gần đây hơn nữa, giọng ca thần tượng Taylor Swift đã hát bài này vào năm 2021 trong phần mở đầu buổi lễ vinh danh Carole King tại Đại sảnh Danh vọng ”Rock and Roll Hall of Fame”.
Trong số hàng trăm bản phóng tác, bài ghi âm thành công nhất theo đánh giá của chính tác giả Carole King vẫn là phiên bản ”Will you still love me tomorrow” của ban nhạc huyền thoại Bee Gees. Ba thành viên trong nhóm đã ghi âm bài này cho tuyển tập tribute “Tapestry Revisited” đề cao tài nghệ sáng tác của Carole King. Sau khi thành công trong khá nhiều thể loại, từ nhạc pop, soul, funk cho đến disco, bản ghi âm này là dịp để cho
ban tam ca Bee Gees nối lại với sở trường hát nhạc folk của họ. Nhiều người chóng quên rằng trước khi chinh phục thị trường quốc tế, nhóm này chuyên hát nhạc skiffle, một thể loại nhạc folk (dân gian) của Anh thịnh hành vào những năm 1950. Có lẽ tác giả Carole King đã không sai khi cho
rằng lối hòa giọng của ba anh em nhà Gibb tạo ra một dấu ấn riêng trong cách hát không thể nhầm lẫn với ai khác. Lối hát thanh thoát nhẹ nhàng ấy tựa như lời hồi âm cho câu hỏi : Liệu mai này, chúng mình còn yêu nhau ? Không chỉ riêng ngày mai mà còn muôn đời sau, cho com tim thương hoài cho tâm hồn yêu mãi.