26 tháng 9 2024
Vào đêm 25/9 giờ Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại New York, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi đoàn kết xây dựng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và an toàn hơn, cam kết tự do hàng hải và tôn trọng pháp luật,” Tổng thống Joe Biden phát biểu, ca ngợi những nỗ lực chung của hai quốc gia kể từ khi nâng cấp quan hệ ngoại giao trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden vào tháng 9/2023.
Ông Biden cũng nhấn mạnh đến các khoản đầu tư vào bán dẫn và chuỗi cung ứng cũng như “sự hợp tác chưa từng có về an ninh mạng” với Việt Nam, trong khi ông Tô Lâm đáp lại bằng cách ghi nhận “những đóng góp mang tính lịch sử” của ông Biden cho mối quan hệ song phương, theo Bloomberg.
Cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt địa chính trị ngày càng tăng của Việt Nam.
Ông Tô Lâm khẳng định quan hệ Việt Nam – Mỹ có nhiều nét rất đặc biệt, trong 50 năm qua, từ cựu thù trở thành đối tác, đối tác toàn diện và bây giờ đạt mức quan hệ cao nhất Đối tác Chiến lược Toàn diện, theo TTXVN.
Việt Nam thời gian qua đã nổi lên như một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ sự cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với các công ty đa quốc gia chuyển hướng đầu tư hàng tỷ đô la sang Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn cung.
Mặc dù Trung Quốc không được nhắc đến trong phát biểu của hai nhà lãnh đạo, ông Biden không hề che giấu chiến dịch của mình là tận dụng các đồng minh và đối tác trong khu vực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của nền kinh tế số hai thế giới.
Trong cuộc họp riêng, cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận rằng Việt Nam phải xoay xở trong một khu vực có các mối quan hệ phức tạp, theo nguồn tin của Bloomberg.
Việc chính quyền ông Biden từ chối yêu cầu của Việt Nam đưa nước này vào danh sách nền kinh tế thị trường hồi tháng Tám là một trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường quan trọng nhất của mình (là Mỹ) – và có thể đe dọa đến nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm lôi kéo các quốc gia rời xa Trung Quốc.
Ông Tô Lâm đã nói với các nhà đầu tư Hoa Kỳ rằng ông mong đợi sẽ sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Hai nhà lãnh đạo cũng đưa ra bức tranh kinh tế rộng hơn giữa hai nước, lưu ý đến ý định chung là tăng cường hợp tác.
Mỹ coi vấn đề tình trạng nền kinh tế thị trường của Việt Nam không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước và ông Biden khuyến khích Việt Nam tập trung nhiều hơn vào cải cách và mở cửa kinh tế.
“Nếu đạt được quy chế nền kinh tế thị trường, hoạt động thương mại sâu rộng của Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ còn dễ dàng hơn nữa,” ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, nói với Bloomberg.
Trong khi đó, Giáo sư Alexander Vuving, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, nhìn nhận rằng ông Tô Lâm đang tìm cách đánh bóng uy tín địa chính trị của mình.
Ông Tô Lâm đã có các cuộc họp với các giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn như Boeing Co. và Meta Platforms Inc., kêu gọi họ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Ông Tô Lâm cũng đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào hôm 24/9. Ông kêu gọi hỗ trợ cho các nước đang phát triển và kém phát triển, “đặc biệt là về vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và thương mại, và giảm gánh nặng nợ nần”.
Ông Tô Lâm cũng có bài phát biểu tại Đại học Columbia ở thành phố New York hôm 23/9, nơi ông trả lời một số câu hỏi từ giáo sư và sinh viên của trường và khẳng định rằng: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại.”
Giáo sư Vuving cho rằng vị cựu bộ trưởng Công an, được coi là người thực thi chính trong cuộc đàn áp chống tham nhũng toàn diện của Việt Nam, cũng là người thực dụng.
Ông Tô Lâm đã cho trả tự do nhà hoạt động khí hậu hàng đầu Hoàng Thị Minh Hồng và nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức trước chuyến công tác tại Hoa Kỳ lần này.
‘Kỷ nguyên vươn mình’
Cuộc gặp của ông Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi tín hiệu rằng chính sách cốt lõi của Việt Nam không thay đổi khi nước này tiếp tục cân bằng quan hệ với các cường quốc và mở rộng quan hệ kinh tế, Giáo sư Vuving đánh giá.
Ông Tô Lâm đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Tám trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là tổng bí thư và chủ tịch nước.
Giáo sư Vuving cho rằng: “Các nhà đầu tư thấy điều đó và sẽ tự tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam.”
Tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nói rằng Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ông Tô Lâm khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong đó coi Mỹ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược, và bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, lâu dài vì lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước.
“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, một khẩu hiệu mới được đưa ra và quảng bá dưới thời ông Tô Lâm, được báo chí Việt Nam dịch ra tiếng Anh là “an era of the nation’s rise” (trong đó từ “rise” có nghĩa là “sự vươn lên”, “cao lên”, “dâng lên).
Tổng thống Biden nói Mỹ ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng” và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, để quan hệ Mỹ-Việt Nam tiếp tục là hình mẫu cho sự hàn gắn và hợp tác kiến tạo tương lai.
Hoạt động khác tại Mỹ
Trong ngày 22/9 (giờ Mỹ), ông Tô Lâm dự buổi tọa đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt Nam – Mỹ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Mỹ như AMD, Google, Marvell, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI)…
Tại đây, ông Tô Lâm cho biết Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp, các tổ chức Mỹ đến Việt Nam để cùng phát triển các giải pháp sáng tạo, bền vững.
Ông Thayer nhận xét rằng ông Tô Lâm đã “tạo được một lịch trình tuyệt vời”.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với South China Morning Post (SCMP) rằng lãnh đạo Việt Nam rất muốn thu hút đầu tư, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghệ Mỹ.
“Việt Nam có nhiều tham vọng trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip silicon,” SCMP dẫn lời ông Abuza trong bài viết ngày 20/9.
Tuy nhiên, ông Abuza cho rằng còn tồn tại những trở ngại mà ông Lâm cần giải quyết, bao gồm nâng cao trình độ sử dụng công nghệ của lực lượng lao động, khắc phục tình trạng thiếu điện, kiềm chế tham nhũng và thúc đẩy nhanh chóng quy trình xử lý chính sách của chính phủ.
Tối 22/9 (giờ Mỹ), ông Tô Lâm đã có bài phát biểu tại tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79.
Tại đây, ông Tô Lâm nói rằng thời điểm hiện tại là “cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào kỷ nguyên phát triển mới”. Theo ông, mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất.
Vào ngày 22/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài phát biểu tại sự kiện kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ ở Hội Á châu, New York, Mỹ. Trong đó, ông nhắc đến cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với “những người bạn Mỹ” từ thuở mới hình thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi tiếp đó là một quá khứ chiến tranh và quá trình hàn gắn, tiến tới giai đoạn thắt chặt hợp tác.
Vào ngày 23/9 (buổi tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), ông Tô Lâm đã có một buổi tọa đàm tại Đại học Columbia nơi ông có phát biểu kéo dài khoảng 22 phút.
Ông đánh giá cao về đóng góp của Đại học Columbia vào việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa hai nước.
Đai học Columbia cũng là nơi nhà vận động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng từng được chọn tham gia chương trình Học giả Quỹ Obama khóa đầu tiên năm 2018. Bà Hồng là một nhà vận động chính sách môi trường nổi tiếng, từng bị bắt và lãnh án tù 3 năm vào năm 2023 và vừa được đặc xá ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.
Các chủ đề gai góc như nhân quyền, dân chủ, tự do… đã không được đề cập trong sự kiện tọa đàm này.
Ông Tô Lâm cũng tránh trả lời thẳng thắn về sự hòa giải giữa người Việt với nhau sau chiến tranh khi Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng của Đại học Columbia đặt ra câu hỏi kèm theo trích dẫn lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng ngày 30/4/1975 là sự kiện khiến “triệu người vui mà cũng có triệu người buồn”.
Ông cũng tránh cụm từ “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, thay vào đó ông nói “cuộc chiến ở Việt Nam”, “chiến tranh ở Việt Nam” khi đề cập đến cuộc chiến trong quá khứ.