‘Hiếp tôi, đừng hiếp con gái tôi’ – Cuộc chiến kinh hoàng ở Sudan

nạn nhân hiếp dâm

  • Tác giả,Barbara Plett Usher
  • Vai trò,Phóng viên khu vực châu Phi, từ Omdurman
  • 7 giờ trước

Sudan đang bên bờ vực sụp đổ.

Sau 17 tháng cuộc nội chiến khốc liệt tàn phá đất nước, quân đội đã phát động một cuộc tấn công lớn vào thủ đô Khartoum, nhằm vào các khu vực nằm trong sự kiểm soát của đối thủ không đội trời chung, lực lượng bán quân sự Quân Chi viện Thần tốc (RSF).

RSF đã chiếm giữ hầu hết thủ đô Khartoum vào lúc cuộc xung đột bắt đầu, trong khi bên quân đội kiểm soát thành phố song sinh Omdurman, ngay bên kia sông Nile.

Nhưng vẫn có những nơi mà người ta có thể, và thực sự, qua lại giữa hai bên.

Vào một thời điểm như vậy, tôi đã gặp một nhóm phụ nữ đã đi bộ bốn tiếng đồng hồ đến một khu chợ trong vùng lãnh thổ do quân đội kiểm soát ở rìa thành phố Omdurman, nơi giá thực phẩm rẻ hơn.

Những người phụ nữ này đến từ Dar es Salaam, một khu vực do RSF kiểm soát.

Họ kể với tôi rằng chồng của họ không còn ra khỏi nhà nữa vì các chiến binh RSF đã đánh đập, lấy bất kỳ khoản tiền nào mà những người chồng kiếm được, hoặc giam giữ các ông chồng và yêu cầu các ông chồng này trả tiền để được thả.

“Chúng tôi chịu đựng sự gian khổ này vì chúng tôi muốn nuôi sống con cái. Chúng tôi đói, chúng tôi cần thức ăn,” một người nói.

Cảnh báo: Một số chi tiết trong bài có thể gây đau lòng.

Còn phụ nữ, tôi hỏi, họ có được an toàn hơn so với đàn ông không? Còn hiếp dâm thì sao?

Những tiếng nói lắng xuống.

Rồi một người bùng nổ.

“Thế giới ở đâu? Tại sao các người không giúp chúng tôi?” cô nói, lời cô tuôn trào trong khi nước mắt lăn dài trên gò má.

“Có rất nhiều phụ nữ ở đây đã bị xâm hại, nhưng họ không nói về điều đó. Nói ra thì cũng đâu có gì khác biệt cơ chứ?”

“Một số cô gái, RSF bắt họ nằm trên đường phố vào ban đêm,” cô nói tiếp. “Nếu họ rời khu chợ này muộn, RSF sẽ giữ họ lại trong năm hoặc sáu ngày.”

Khi cô trả lời, mẹ cô ngồi kế bên, đầu gục vào tay, khóc nức nở. Những người phụ nữ khác xung quanh cô cũng bắt đầu khóc.

“Trong thế giới của cô, nếu con cô ra ngoài, cô sẽ bỏ mặc con bé sao?” cô ấy hỏi. “Cô sẽ không đi tìm con bé sao? Nhưng hãy cho chúng tôi biết, chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không có gì trong tay, không ai quan tâm đến chúng tôi. Thế giới ở đâu? Tại sao quý vị không giúp chúng tôi!”

Điểm giao nhau giữa hai thành phố là một cánh cửa sổ bươc vào thế giới của sự tuyệt vọng và nỗi đau.

nạn nhân hiếp dâm

Những người đi qua mô tả việc phải trải qua tình trạng vô pháp vô thiên, cướp bóc và sự tàn bạo trong một cuộc xung đột mà Liên Hợp Quốc cho biết đã khiến hơn 10,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Nhưng bạo lực tình dục đã trở thành đặc điểm nổi cộm của cuộc xung đột kéo dài này, bắt đầu là cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa quân đội và RSF nhưng sau đó đã thu hút các nhóm vũ trang địa phương và chiến binh từ các nước láng giềng.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk cho biết hiếp dâm đang được sử dụng như “một vũ khí chiến tranh”.

Một phái đoàn điều tra thực tế gần đây của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận một số trường hợp hiếp dâm và các mối đe dọa hiếp dâm từ các thành viên quân đội, nhưng phát hiện rằng bạo lực tình dục quy mô lớn chủ yếu do RSF và các lực lượng dân quân đồng minh gây ra và những hành vi này vi phạm luật pháp quốc tế.

Một người phụ nữ mà BBC trao đổi cho biết người của RSF đã cưỡng hiếp cô.

Chúng tôi gặp cô ấy tại khu chợ dọc tuyến đường băng qua giữa hai thành phố, được đặt tên khéo léo là Souk al-Har – Chợ Nóng.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, khu chợ đã mở rộng khắp vùng đất cằn cỗi trên một con đường sa mạc ra khỏi thành phố Omdurman, thu hút những người nghèo nhất trong số những người nghèo bằng mức giá hàng hóa thấp.

Cuộc xung đột ở Sudan đã gây ra một thảm họa nhân đạo lớn
Chụp lại hình ảnh,Cuộc xung đột ở Sudan đã gây ra một thảm họa nhân đạo lớn

Miriam, không phải tên thật, đã trốn khỏi nhà ở Dar es Salaam để tị nạn cùng anh trai.

Bà hiện đang làm việc tại một quán trà. Nhưng vào đầu cuộc chiến, bà cho biết, hai người đàn ông có vũ trang đã đột nhập vào nhà bà và tìm cách hãm hiếp hai người con gái của bà – một cô gái 17 tuổi và một bé gái 10 tuổi.

“Tôi bảo các con đứng ra sau và tôi nói với RSF: ‘Nếu các người muốn hãm hiếp bất kỳ ai thì đó phải là tôi'”, bà nói.

“Họ đánh đập tôi và bắt tôi cởi quần áo. Trước khi tôi cởi quần áo, tôi bảo các con của mình rời đi. Các con gái tôi ôm lấy những đứa trẻ khác và nhảy qua hàng rào. Sau đó, một trong những người đàn ông đã nằm lên người tôi.”

RSF đã trả lời các nhà điều tra quốc tế rằng họ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn bạo lực tình dục và các hình thức bạo lực khác cấu thành hành vi vi phạm nhân quyền.

Nhưng các báo cáo về xâm hại tình dục được ghi nhận nhiều và liên tục và những tổn hại này có tác động lâu dài.

Các cuộc không kích và giao tranh trên đường phố đã gây ra sự tàn phá nặng nề ở Sudan
Chụp lại hình ảnh,Các cuộc không kích và giao tranh trên đường phố đã gây ra sự tàn phá nặng nề ở Sudan

Ngồi trên một chiếc ghế đẩu thấp dưới bóng cây, Fatima, không phải tên thật, kể với tôi rằng cô ấy đến Omdurman để sinh một cặp sinh đôi và dự định ở lại.

Theo lời kể của Fatima, một trong những người hàng xóm của cô, một cô gái 15 tuổi, cũng đã mang thai, sau khi cô cùng chị gái 17 tuổi bị bốn tên lính RSF hãm hiếp.

Mọi người bị đánh thức bởi tiếng la hét và chạy ra ngoài để xem chuyện gì đang xảy ra, cô nhớ lại, nhưng những tên lính có vũ trang nói với họ rằng họ sẽ bị bắn nếu không quay trở về nhà.

Sáng hôm sau, họ phát hiện hai cô gái có dấu hiệu bị xâm hại trên cơ thể, và anh trai của họ bị nhốt ở một căn phòng trong nhà.

“Trong chiến tranh, kể từ khi RSF đến, chúng tôi ngay lập tức bắt đầu nghe nói về các vụ hiếp dâm, cho đến khi chúng tôi nhìn thấy những vụ việc ngay trước mặt mình ở nhà hàng xóm của mình,” Fatima nói. “Ban đầu chúng tôi nghi ngờ [về những thông tin ấy] nhưng chúng tôi biết rằng chính RSF đã hãm hiếp các cô gái.”

Những người phụ nữ khác đang tập trung lại để bắt đầu hành trình trở về nhà, đến những khu vực do RSF kiểm soát – họ nói rằng họ quá nghèo nên không thể bắt đầu một cuộc sống mới như Miriam đã làm khi rời khỏi Dar es Salaam.

Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại với nỗi kinh hoàng ở đó chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment