Miến Điện: Đề xuất đình chiến của tập đoàn quân sự bị phe nổi dậy bác bỏ

Chỉ vài giờ sau khi bất ngờ đề nghị các nhóm vũ trang – nổi dậy đình chiến để bắt đầu các cuộc thương lượng nhằm chấm dứt nội chiến và sau khi bị hai nhóm nổi dậy chính từ chối, tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miền Điện hôm 27/09/2024 đã tiến hành hai vụ oanh kích nhắm vào một thành phố do phe đối lập kiểm soát.

Đăng ngày: 28/09/2024

Members of the Karen National Liberation Army and People’s Defense Force examine two arrested soldiers after they captured an army outpost, in the southern part of Myawaddy township in Kayin state, My
Lực lượng nổi dậy Karen và Lực lượng Phòng vệ Dân sự (PDF) bắt giữ tù binh, bang Kayin. Ảnh chụp ngày 11/03/2024. AP

Thùy Dương

Hai lực lượng bác bỏ đàm phán là Liên minh Dân chủ Dân tộc Miến Điện (MNDAA), chiếm lĩnh Lashio, bang Shan ở miền bắc, và Lực lượng Phòng vệ của Nhân Dân (PDF), tức lực lượng vũ trang của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, gồm nhiều thành viên của chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi, giới quân sự đảo chính lật đổ.

Thành phố bị tập đoàn quân sự Miến Điện oanh kích là Lashio, bang Shan. Một người dân thành phố Lashio, xin giấu tên để bảo đảm an toàn của bản thân, kể với hãng tin Pháp AFP là « có 2 vụ nổ » và họ nghe nói rằng có 5 người chết, nhiều người bị thương. Một nhà ngoại giao làm việc tại Rangoun, cũng xin ẩn danh, thì cho rằng không có gì cho thấy đôi bên hướng tới « một đối thoại nghiêm túc ».

Trả lời AFP, lực lượng nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen, hoạt động tại vùng biên giới Thái Lan, khẳng định là thương lượng chỉ có thể nếu quân đội đứng ngoài chính trị, chấp nhận Hiến Pháp mới và nhận trách nhiệm về « các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại », điều mà các nhà phân tích chỉ ra rằng rất khó được tập đoàn quân sự chấp thuận. Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà dân tộc học Bénédicte Brac de la Perrière, chuyên gia về Miến Điện, thuộc Trung Tâm Đông Nam Á (CASE), Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS), giải thích thêm :

« Có một số chuyện mới xảy ra gần đây, nhất là những nỗ lực của tập đoàn quân sự để giành lại một số thành phố quan trọng mà họ xem là lằn ranh đỏ trong việc duy trì quyền lực ở mức tối thiểu đối với các vùng lãnh thổ của Miến Điện. Trên thực địa, họ lâm vào thế yếu. Ngoài ra, còn có các trận lũ lụt, tập đoàn quân sự không thể xử lý được tình huống này và họ đã đành phải đề nghị quốc tế cứu trợ.

Thế nên, tập đoàn quân sự đã cố gắng đề xuất một điều gì đó có thể thúc đẩy các phe nổi dậy chấm dứt giao tranh. Nhưng trên thực tế, không bên nào ngừng chiến cả. Mục đích của các lực lượng nổi dậy là buộc quân đội Miến Điện từ bỏ quyền lực và không can dự vào chính trị nữa. Đó là mục đích của tất cả các lực lượng nổi dậy. Nếu có một điểm mà tất cả các phe nổi dậy đều nhất trí với nhau, thì đó chính là điểm này ».

Cũng theo giới phân tích, đề xuất đình chiến của tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện còn là một cử chỉ thể hiện thiện chí với Bắc Kinh – một đồng minh quan trọng của các tướng lĩnh cầm quyền ở Miến Điện, với rất nhiều dự án quan trọng ở nước này trong khuôn khổ Sáng Kiến Những Con Đường Tơ Lụa Mới. Hôm qua, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên liên quan ngưng chiến và đàm phán.

Bài Liên Quan

Leave a Comment