Xung đột tại vùng Trung Cận Đông leo thang sau khi Israel ám sát Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah hôm 28/09/2024. RFI tổng hợp những câu hỏi về lực lượng Hồi giáo Shia tại Liban. Hezbollah được thành lập như thế nào, đóng vai trò gì ở Liban, bị tác động như thế nào khi rơi vào cảnh « rắn mất đầu » ?
Đăng ngày: 01/10/2024
Hezbollah được thành lập như thế nào ?
Hezbollah trong tiếng Ả Rập có nghĩa là « đảng của Thượng Đế », ra đời trong cuộc nội chiến ở Liban, sau cuộc tấn công chiếm đóng Liban của Israel vào năm 1982.
Theo nhà nghiên cứu Mireille Rebeiz, trong bài phân tích trên The Conversation, về mặt chính thức, phong trào này ra đời vào năm 1985, công bố bản tuyên ngôn hoạt động, nêu rõ các mục tiêu, « tự nhận là một phong trào kháng chiến của người Hồi giáo Shia ». Bản tuyên ngôn đưa ra một kế hoạch làm cách mạng ở Liban, “noi theo” cách mạng Iran 1989, để lập ra Nhà nước Hồi giáo ở Liban. Trong văn bản này, Hezbollah tuyên bố « trung thành » với Lãnh tụ tối cao của Cách mạng Iran, Ruhollah Musavi Khomeini, đồng thời tuyên thệ chống lại cuộc chiếm đóng của Israel tại Liban và các vùng lãnh thổ Palestine.
Nội chiến tại Liban chấm dứt vào năm 1991, sau khi hiệp định “Taif” được ký kết vào năm 1989. Thỏa thuận hòa bình kêu gọi các nhóm vũ trang giải giáp vũ khí, nhưng Hezbollah là nhóm vũ trang duy nhất được duy trì “nhánh” quân sự, được coi như là “một nhóm kháng chiến”, chống lại việc chiếm đóng của Israel ở miền nam Liban.
Hiện, nhánh quân sự của Hezbollah mạnh hơn Lực lượng vũ trang của Liban và không có lực lượng chính trị nào có thể sánh ngang, theo nhận định từ Lina Khatib, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Chathamhouse.
Hezbollah đã tạo dựng ảnh hưởng ở Liban như thế nào ?
Theo thỏa thuận hòa bình, các phe đối đầu chấp thuận rằng một “tiến trình chính trị và dân chủ là giải pháp duy nhất cho Liban”. Chính vì vậy, vào năm 1992, Hezbollah đã phát triển một nhánh chính trị, dấn thân vào chính trường Liban, tham gia vào các cuộc bầu cử quốc gia, giành được 12 trong 128 ghế tại Quốc Hội.
Kể từ đó, nhiều đảng phái chính trị tại Liban đã liên minh với Hezbollah. Mặc dù không hoàn toàn có cùng lập trường với Hezbollah hoặc có liên kết với Iran, nhưng các đảng này đều cam kết chống lại Israel. Các chiến binh của Hezbollah là lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ này.
Có mặt trong Quốc Hội và liên minh với nhiều đảng khác, Hezbollah đã có thể kiểm soát Liban, phủ quyết các quyết định không phù hợp hoặc không thúc đẩy lợi ích của phong trào. Điều này thể hiện rõ trong việc Liban thường xuyên trong tình trạng “rắn mất đầu”, vắng bóng tổng thống từ năm 2005. Chủ tịch Quốc Hội Liban, ông Nabih Berri, là người Hồi giáo Shia và được biết rất trung thành với Hezbollah, đã từ chối triệu tập Quốc Hội để bầu tổng thống, trừ khi người được bổ nhiệm được Hezbollah và đồng minh chấp thuận.
Ngoài nhánh chính trị và quân sự, Hezbollah cũng cung cấp nhiều dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và an ninh cho cộng đồng người Hồi giáo Shia, vốn phải chịu nhiều phân biệt đối xử tại Liban. Đây là điều mà chính phủ của Liban, thường bị tố cáo tham ô, không làm được.
Theo Lina Khatib, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Chathamhouse, Hezbollah đã khai thác những điểm yếu của chế độ Liban, để tạo dựng ảnh hưởng không chỉ trong chính phủ Liban, với nhiều bộ trưởng ủng hộ, mà cả trong lĩnh vực dân sự, hay kinh tế, hay truyền thông, liên kết với các công ty Nhà nước.
Không phải là đảng cầm quyền, không đại diện cho Nhà nước Liban, nhưng Hezbollah lại thâu tóm quyền lực, mà không để Liban phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế. Hezhollah có quyền lực thực sự trong chính phủ nhưng lại không phải giải quyết nhu cầu của người dân, nên không bị chỉ trích trực tiếp.
Tại sao lại coi Hezbollah là lực lượng được Iran yểm trợ ?
Lòng trung thành đối với Iran không chỉ được nêu trong các bản tuyên ngôn hành động của Hezbollah, ủng hộ phong trào Hồi giáo Shia do Teheran lãnh đạo. Về hỗ trợ quân sự và tài chính từ Iran, vào năm 2016, ông Nasrallah đã xác nhận rằng « ngân sách của Hezbollah, đồ ăn, thức uống, vũ khí, tên lửa đều đến từ Cộng Hòa Hồi Giáo Iran ». Thêm vào đó, với sự yểm trợ từ Iran, Hezbollah đã có thể mở rộng mạng lưới hoạt động phi pháp trong khu vực, như rửa tiền, buôn thuốc phiện…
Hezbollah có được người dân Liban tín nhiệm ?
Theo nhà nghiên cứu Mireille Rebeiz, tại trường Dickinson College của Hoa Kỳ, sự ủng hộ của người dân Liban thay đổi theo từng giai đoạn. Khi Israel rút quân vào năm 2000, nhiều người Liban ca ngợi Hezbollah, coi họ là đội quân giải phóng.
Trong bối cảnh nội chiến ở Syria, nhiều người Liban phản đối chế độ Syria, do các vi phạm nhân quyền ở nước này, độ tín nhiệm của Hezbollah đã suy giảm vì ủng hộ chính phủ của tổng thống Al-Assad.
Vào năm 2005, thủ tướng Liban Rafic Hariri bị ám sát. Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng cái chết của ông có liên quan đến Hezbollah và Syria. Nhiều nhà báo hay chính trị gia lên tiếng phát biểu lập trường chống Hezbollah và Syria như ông Hariri cũng đã bị ám sát. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ, phản đối Hezbollah, chống Syria trên khắp đường phố Beirut. Cuộc cách mạng “Cedar” đã buộc lực lượng Syria rời khỏi Liban, và đánh dấu sự suy giảm uy tín của Hezbollah nói chung.
Tuy nhiên, sau khi xung đột giữa Hezbollah và Israel nổ ra để ủng hộ đồng minh Hamas, một cuộc khảo sát của Arab Barometer, được Foreign Affaires trích dẫn, chỉ ra rằng Hezbollah vẫn nhận được sự ủng hộ từ những người Hồi giáo Shia, tại những vùng mà lực lượng này kiểm soát. Tuy nhiên, Hezbollah lại nhận thêm ủng hộ từ nhiều người Liban thuộc cộng đồng khác, ủng hộ cuộc chiến chống lại Israel và người dân Palestine tại những vùng chiếm đóng. Người dân Liban thuộc mọi giáo phái đều kinh hoàng trước chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. 78 % người Liban cho rằng cuộc ném bom Gaza của Israel là « hành động khủng bố » so với chỉ 11 phần trăm coi các cuộc tấn công của Hezbollah ở miền bắc Israel là « khủng bố ».
Cơ cấu tổ chức của Hezbollah hoạt động như thế nào ?
Vào đầu những năm 1980, ban lãnh đạo của Hezbollah gồm một “Hội đồng tôn giáo” – Shura Council với 7 thành viên, do Sayyid Muhammad Hussein Fadlallah làm chủ tịch và được coi là lãnh đạo tinh thần của Hezbollah.
Hội đồng này có các chi nhánh, ủy ban quản lý các vấn đề tài chính, xã hội chính trị, và quân sự…, có các văn phòng tại Beirut và thung lũng Bekaa, miền nam Liban, và cả miền đông nước này. Khi nội chiến kết thúc, hai cơ quan được bổ sung vào ban lãnh đạo : hội đồng chính trị và hội đồng điều hành.
Hội đồng Shura cũng có nhiệm vụ chọn ra lãnh đạo của Hezbollah – tổng thư ký. Vào năm 1992, sau khi Abbas al-Musawi, người đồng sáng lập của phong trào bị ám sát, Hassan Nasrallah đã đảm nhận vai trò lãnh đạo cho đến khi bỏ mạng tại Beirut trong cuộc tấn công của Israel gần đây.
Cái chết của thủ lĩnh Hassan Nasrallah tác động như thế nào đến hoạt động của Hezbollah tại Liban ?
Cái chết của tổng thư ký Hezbollah là một đòn giáng mạnh vào phong trào này, vốn đã bị suy yếu trong nhiều cuộc tấn công trước đó của Hezbollah. Israel muốn truyền tải một thông điệp rõ ràng là Nhà nước Do Thái sẽ không còn chấp nhận các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng ở biên giới phía bắc. Sáng nay, Israel đã thông báo tiến vào lãnh thổ phía nam Liban bằng đường bộ, thay vì những cuộc không kích như trước kia.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Mireille Rebeiz, Israel không chắc là đạt được mục tiêu đề ra.
Sau khi Israel ám sát Abbas al-Musawi cựu tổng thư ký của Hezbollah, thành viên của lực lượng này tỏ ra cam kết hơn với sứ mệnh chống lại Nhà nước Do Thái. Ông Nasrallah kế nhiệm Al-Musawi, đã tuyển dụng thêm thành viên, trang bị thêm nhiều vũ khí, mở rộng phạm vi hoạt động của Hezbollah ở cả bên trong và ngoài Liban.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Mireille Rebeiz cho rằng tình hình phức tạp hiện nay, nên khó có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra, thế nhưng một điều chắc chắn là bạo lực chỉ củng cố thêm quyết tâm của Hezbollah, chưa kể các liên minh quân sự nước ngoài của phong trào này, như nhóm Houthis ở Yemen và Kata’ib Hizballah ở Iraq. Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei đã đe dọa Israel và tuyên bố sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Hezbollah ở Liban.