- Hưng Mai – 28 tháng 9, 2024
Sách Giáo Khoa đắt đỏ và phải mua hàng năm là gánh nặng không nhỏ cho giới phụ huynh Việt Nam (Báo SGGP)
Mới đây, vụ án cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Nguyễn Đức Thái bị đề nghị truy tố vì nhận hối lộ 24,9 tỷ đồng để nâng đỡ doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa (SGK) đã phơi bày một góc khuất nhức nhối của ngành giáo dục: tham nhũng. Hành vi của ông Thái không chỉ bóp nghẹt sự cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “đưa hối lộ” thao túng thị trường SGK mà còn gián tiếp móc túi người dân, giáng một đòn mạnh vào sự nghiệp trồng người – vốn được coi là nền tảng cho sự phát triển của đất nước.
Tham nhũng – căn bệnh trầm kha gặm nhấm tương lai
Thông tin ông Thái bị đề nghị truy tố nhận được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh và giới chức trong ngành giáo dục. Nhưng ẩn sau sự đồng tình ấy là nỗi xót xa, bởi vụ việc này thêm một lần nữa khẳng định một thực trạng đáng buồn: tham nhũng đã và đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội, từ xây dựng cơ bản đến giáo dục – lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu, nơi ươm mầm cho thế hệ tương lai.
Tham nhũng như bao lâu nay luôn là căn bệnh trầm kha, đã và đang ăn mòn nền kinh tế đất nước và niềm tin ở người dân. Ở đâu có sự bao che, lỏng lẻo trong quản lý, ở đó tham nhũng có cơ hội sinh sôi nảy nở. Ngành xuất bản, đặc biệt là lĩnh vực SGK, với đặc thù độc quyền và tác động trực tiếp đến hàng triệu học sinh, càng trở thành “miếng mồi béo bở” cho những kẻ tha hóa, bất chấp đạo đức, sẵn sàng “ăn trên xương máu” của người dân.
Việc nhận hối lộ để nâng giá thành sản phẩm, móc nối với doanh nghiệp “tay trong” để trục lợi đã trở thành chiêu trò quen thuộc của những kẻ tham lam. Tình trạng này không chỉ hoành hành ở ngành xuất bản mà còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là các dự án xây dựng trường học – nơi mà lẽ ra phải được ưu tiên trong việc quản lý ngân sách.
Thực tế cho thấy, nhiều công trình trường học đã bị rút ruột, ngân sách thất thoát có thể lên đến 30-50%.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khẳng định có sự tồn tại của “lợi ích nhóm” trong vụ án đấu thầu cung cấp giấy in SGK tại NXB Giáo dục. Điều này cho thấy tham nhũng không phải là hành vi đơn lẻ mà là hệ quả của cả một hệ thống quản lý yếu kém, thiếu cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả, tạo điều kiện cho những “con sâu” đục khoét, làm mục ruỗng cả một nền móng.
Nỗi đau oằn vai người dân và tương lai mịt mờ của giáo dục
Năm này qua năm khác, SGK liên tục tăng giá khiến biết bao phụ huynh phải kêu trời. NXB Giáo dục, với vị thế độc quyền trong biên tập, in ấn và phát hành SGK, lại không hề minh bạch trong khâu định giá, khiến người dân không khỏi nghi ngờ về sự khuất tất, móc nối để trục lợi. Mỗi năm học mới, hàng triệu phụ huynh lại phải oằn mình gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ, trong khi chất lượng SGK chưa thực sự tương xứng.
Chưa dừng lại ở đó, ngoài chi phí SGK, phụ huynh còn phải đối mặt với hàng loạt khoản thu khác mà nhà trường đưa ra đầu năm học. Từ quần áo đồng phục, học phẩm, bảo hiểm y tế, đến các loại quỹ lớp, quỹ trường, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất,… tất cả gộp lại trở thành một gánh nặng khổng lồ đè lên vai các bậc cha mẹ. Đối với những gia đình công nhân, người lao động có thu nhập thấp, việc trang trải chi phí cho con em ăn học trở thành một cuộc chiến cam go, vắt kiệt sức lực và túi tiền. Có những nơi, tổng chi phí đầu năm học lên đến hàng chục triệu đồng – một con số quá sức chịu đựng đối với nhiều gia đình.
Trong năm 2022, những lùm xùm về độc quyền SGK đã gây bức xúc trong dư luận và thanh tra đã phải vào cuộc. Kết luận thanh tra năm đó đã chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm, “lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và NXB Giáo dục, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của phụ huynh và học sinh khi mỗi năm con em người dân Cộng sản Việt Nam phải mua SGK bắt buộc với mức giá đắt đỏ. Điều này đặt ra câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm của những người đứng đầu ngành trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Và rồi, sau đó thêm một câu hỏi khác lại hiện ra: liệu những người dân – nạn nhân trực tiếp của nạn tham nhũng, có được bồi thường thỏa đáng? Câu trả lời, đáng buồn thay, lại là một sự im lặng đến đáng sợ. Dư luận có thể kêu ca, báo chí có thể lên án, nhưng rồi mọi chuyện cũng sẽ chìm vào quên lãng. Bởi lẽ, ở Việt Nam, việc đòi lại công bằng cho người dân dường như là một điều xa xỉ. Quan chức tham nhũng, người dân chịu thiệt, nhà nước thất thoát – đó là một vòng luẩn quẩn dường như đã trở thành “đặc sản” của xã hội.
Ngay cả khi có ý muốn bồi thường, thì lấy đâu ra tiền mà bồi thường? Làm sao để truy thu những khoản tiền đã “chảy” vào túi riêng của những kẻ tham lam? Và giả sử có thể truy thu được, thì liệu có đủ để bù đắp cho những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu?
Câu trả lời, chắc chắn là không. Bởi lẽ, ngoài chi phí SGK bị đội giá, người dân còn phải gánh chịu thêm biết bao nhiêu khoản phí khác – từ tiền xây dựng trường lớp, đến quần áo đồng phục, học phẩm, quỹ lớp… Gánh nặng cứ chồng chất lên vai người dân, trong khi những kẻ gây ra tất cả lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Giáo dục – nơi ươm mầm hay nơi chôn vùi hy vọng?
Vụ việc tham nhũng của cựu giám đốc NXB Giáo dục là một minh chứng đau lòng cho sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo. Giáo dục là công việc của cả một dân tộc, khi một đứa trẻ đến trường là cả một xã hội đang dồn tâm sức, hy vọng vào thế hệ tương lai. Dối trá trong giáo dục đồng nghĩa với việc dối trá cả dân tộc, gieo rắc mầm mống của sự suy thoái. Mỗi đồng tiền đổ vào giáo dục đều là mồ hôi nước mắt, là sự chắt chiu, hy sinh của biết bao gia đình, từ những người giàu có đến những người lao động nghèo khó, tất cả đều mong muốn con em mình được học hành, được phát triển. Tham nhũng trong giáo dục chính là hành vi cướp đi cơ hội học tập của trẻ em, chà đạp lên hy vọng của cả dân tộc.
Nhà nước nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề tham nhũng trong giáo dục thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Giáo dục là nền tảng, là quốc sách hàng đầu, tương lai của đất nước nằm trong tay những thế hệ học sinh hôm nay. Nhưng liệu rằng, với một nền giáo dục đầy rẫy bất cập, với những con “sâu mọt” tham lam, vô cảm vẫn đang nhởn nhơ, thì tương lai ấy sẽ ra sao? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ, và có lẽ, chúng ta sẽ phải chờ đợi rất lâu, rất lâu nữa mới có thể tìm thấy câu trả lời.