Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang ở giai đoạn nước rút, kết quả bầu cử còn nhiều điều chưa thể dự đoán được, nhưng đảng Dân Chủ Mỹ dường như đang đẩy nhanh viện trợ quốc phòng cho Đài Loan trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực cả về chính trị và quân sự đối với Đài Bắc, liên tục điều tàu chiến và phi cơ quân sự đến quanh đảo Đài Loan.
Đăng ngày: 02/10/2024
Theo thông cáo của Nhà Trắng hôm 29/09/2029, tổng thống Joe Biden trong cùng ngày đã phê chuẩn gói viện trợ trị giá hơn 500 triệu đô la để hỗ trợ quốc phòng cho Đài Bắc. Nguyên thủ Mỹ đã yêu cầu ngoại trưởng Antony Blinken chuyển giao các thiết bị quốc phòng và cung cấp các dịch vụ, khóa đào tạo có tổng trị giá 567 triệu đô la cho Đài Loan.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai 30/09 về khoản viện trợ mới của Mỹ cho Đài Bắc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lâm Kiếm (Lin Jian), đã kêu gọi Washington « chấm dứt việc trang bị vũ khí cho Đài Loan, dưới bất kỳ hình thức nào », bởi vì « đấu tranh cho độc lập của Đài Loan là một ngõ cụt ». Lâm Kiếm cảnh báo : « Nếu Mỹ vẫn cứ muốn dùng đến vũ khí để ủng hộ những người đấu tranh đòi độc lập, thì điều này sẽ phản tác dụng » và Washington « sẽ phải gánh chịu hậu quả ».
Rõ ràng khoản viện trợ 567 triệu đô la lần này cao hơn nhiều so với 345 triệu đô la đã được thông qua hồi tháng 07/2023. Thực ra thì gói hỗ trợ quân sự 567 triệu đô la là một phần khoản viện trợ hơn 8 tỷ đô la mà Quốc Hội Mỹ đã thông qua hồi tháng 04/2024 để giúp Đài Loan đối phó với quân đội Trung Quốc, cả về phương diện quân sự, thông qua đầu tư vào tàu ngầm, và về mặt kinh tế để cạnh tranh với các dự án lớn của Trung Quốc đầu tư vào các nước đang phát triển.
Từ trước đến nay, Mỹ vẫn trang bị vũ khí cho Đài Loan nhưng Đài Bắc phải chi tiền. Nhưng theo một đạo luật được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi cuối năm 2022, chính quyền Washington được phép viện trợ quốc phòng cho Đài Bắc. Dù Nhà Trắng không cung cấp chi tiết cụ thể về khoản viện trợ quốc phòng lần này, nhưng theo Marc Julienne, giám đốc ban châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), với RFI Pháp ngữ ngày 30/09 thì « đó có thể là máy bay chiến đấu hoặc các linh kiện, phụ tùng để bảo trì chiến đấu cơ. Nhưng cũng có hệ thống phòng không » cho eo biển Đài Loan. Tầm quan trọng của các hệ thống phòng không này đã được trông thấy rõ trong chiến tranh Ukraina.
Trong nội bộ chính quyền Đài Loan đang có cuộc thảo luận về vấn đề phòng thủ nhằm ngăn chặn hoặc đối đầu với một cuộc xâm lược giả định của quân đội Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là nên đầu tư vào các thiết bị nhẹ, không quá đắt, có thể được sản xuất hàng loạt hay là đầu tư vào các chương trình trang bị vũ khí hạng nặng và tốn kém hơn ? Về câu hỏi này, cũng theo RFI Pháp ngữ, giáo sư về ngoại giao Hoàng Quế Bá (Huang Kwei-bo), thuộc Đại học Chính trị Quốc gia (Chengchi) ở Đài Bắc, cho là hai hướng đầu tư này bổ sung cho nhau.
Cựu phó thư ký Quốc Dân Đảng nhận định : « Đài Loan rất cần tên lửa địa đối không, xe bọc thép … Để có thể ngăn chặn quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo, chính phủ Mỹ cố gắng tăng cường sức mạnh phòng thủ cho Đài Loan với nhiều hệ thống vũ khí tầm ngắn, thế nhưng nhiều người thì cho rằng Đài Loan cần đa dạng hóa đội máy bay và tàu ngầm ». Theo nhân vật này, các bên phải thảo luận lại về nhu cầu của hòn đảo. Quốc Dân Đảng đã không còn nắm quyền lãnh đạo Đài Loan từ năm 2016, nhưng có nhiều người trong đảng này ủng hộ việc Đài Bắc mua thiết bị quốc phòng hạng nặng.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan đang chờ đợt chuyển giao xe tăng M1A2T Abrams đầu tiên và đã triển khai chương trình tàu ngầm. Tuy nhiên, theo giải thích của nhà nghiên cứu Marc Julienne, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), do những diễn tiến hình hình trên các chiến trường, « Mỹ đang gây áp lực để Đài Loan ưu tiên các chương trình rẻ tiền, dễ sản xuất hàng loạt, nhằm vô hiệu hóa một cuộc tấn công có nguy cơ xảy ra ».
Dẫu các loại vũ khí đó là gì thì khoản được viện trợ quốc phòng lần này được công bố trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là đến giai đoạn có thể nảy sinh bất ổn quanh mối quan hệ giữa Đài Bắc và Washington. Giám đốc khu vực châu Á của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định : « Chắc chắn có một sự cấp bách về việc cấp khoản viện trợ quan trọng này trước khi có thể có sự thay đổi tại Nhà Trắng », ý nói nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống.
Giáo sư Hoàng Quế Bá, Đại học Chính trị Quốc gia (Chengchi) ở Đài Bắc thì lưu ý là những bình luận của ứng viên tổng thống Donald Trump với Bloomberg Businessweek hồi tháng 7 đủ để cảnh báo Đài Loan : « Họ đã lấy đi 100% ngành công nghiệp chíp bán dẫn của chúng ta. Tôi nghĩ Đài Loan nên trả tiền cho hệ thống phòng thủ của mình ». Theo ông, nếu ứng viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa đắc cử tổng thống Mỹ thì sẽ đẩy Đài Loan vào tình trạng bất ổn. « Nếu ông ấy thắng, mọi chuyện sẽ khó lường. Có thể Mỹ sẽ ủng hộ Đài Loan nhiều hơn, có thể sẽ giảm hỗ trợ để cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh. Không ai biết sẽ ra sao ».
Nhưng lựa chọn thứ hai, theo chuyên gia Marc Julienne, sẽ cắt đứt với chính sách của Mỹ về Trung Quốc trong những năm gần đây. Marc Julienne nhắc lại : « Có sự đồng thuận khá lớn giữa đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong việc xem Trung Quốc là đối thủ số một Mỹ cần có chính sách cứng rắn để đối phó. Nhìn chung, điều đó có nghĩa là ủng hộ Đài Loan chống lại Trung Quốc ».