Thứ Tư, 25 Tháng Chín 2024
Theo thông tin trên trang Bách khoa Baidu (Trung Quốc), từ khi thành lập vào tháng 6/2014 đến tháng 10/2020, Văn phòng Phụ trách hồi hương những kẻ bỏ trốn và thu hồi tài sản của Nhóm Điều phối Chống Tham nhũng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã truy bắt tổng cộng 8.363 kẻ bỏ trốn từ hơn 120 quốc gia và khu vực, đồng thời thu hồi 20,84 tỷ nhân dân tệ (CNY, hơn 71 nghìn tỷ VNĐ) tiền bị đánh cắp.
Tuy nhiên, tung tích của một kẻ bỏ trốn vẫn còn là ẩn số, ông ta là Cao Nghiêm – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Tổng giám đốc Công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc, quan chức cấp cao nhất đã trốn ra nước ngoài từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949) cho đến nay.
Thông tin công khai cho thấy Cao Nghiêm sinh ra ở Cát Lâm, vùng Đông Bắc Trung Quốc, vào năm 1942. Ông ta trở thành Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam vào tháng 6/1995, sau đó là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Điện lực Trung Quốc vào tháng 8/1997, giữ chức Tổng giám đốc Công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc vào tháng 3/1998. Đến tháng 9/2002, Cao Nghiêm, khi đó 60 tuổi, đã trốn ra nước ngoài.
Nếu Cao Nghiêm còn sống thì năm nay cũng sẽ là năm thứ 22 ông ta “cao chạy xa bay”.
Tờ “Lan Châu Buổi tối” của Trung Quốc vào tháng 1/2014 đã đăng một bài báo về vụ tham nhũng của Cao Nghiêm.
Bài báo viết rằng, Vân Nam là tỉnh có ngành công nghiệp thuốc lá phát triển nhất Trung Quốc. Năm 1996, một người họ Hàn – tổng giám đốc của một công ty Hồng Kông – đã kiếm được số tiền 9,6 triệu đô la Hồng Kông (HKD, 30,1 tỷ VNĐ) chỉ bằng một câu nói của Cao Nghiêm rằng: “Nhờ Chử Thời Kiện lo việc kinh doanh thuốc lá của ông Hàn.” (Chử Thời Kiện là Chủ tịch Tập đoàn Hồng Tháp chuyên kinh doanh thuốc lá, được mệnh danh là “Vua thuốc lá” của Trung Quốc).
Sau đó, Hàn đã mang 20.000 USD (491 triệu VNĐ) biếu Cao Nghiêm và ban đầu bị ông ta từ chối. Nhưng rồi cho rằng số tiền do doanh nhân bên ngoài Trung Quốc Đại lục đưa có vẻ an toàn hơn nên Cao Nghiêm đã nhận lấy.
Sau khi Chử Thời Kiện bị bắt, Cao Nghiêm tiếp tục duy trì mối quan hệ với lãnh đạo mới của Tập đoàn Hồng Tháp, và sai thư ký tới mua 7.500 thùng thuốc lá và bán sang Hồng Kông. Cao Nghiêm đã nhận được 1,8 triệu HKD (5,6 tỷ VNĐ) từ thương vụ này.
Lập “hành cung” ở Thượng Hải để hưởng lạc cùng người tình
Không lâu sau khi Cao Nghiêm nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, ông ta đã quen được Dương San – một nữ MC truyền hình – trong một bữa tiệc.
Ngày hôm đó, được người khác giới thiệu, Dương San đã đến gặp Cao Nghiêm. Cao Nghiêm vốn quen nhìn phụ nữ vùng Đông Bắc Trung Quốc, khi đối mặt với một cô gái miền Nam xinh đẹp như vậy, mắt ông ta chợt sáng lên.
Từ ánh mắt của Cao Nghiêm, Dương San biết rằng vị bí thư tỉnh ủy đã bị vẻ đẹp của cô hút hồn. Vì vậy, trong bữa tiệc đó, Dương Sơn liên tục nâng chén, cố gắng quyến rũ Cao Nghiêm.
Chẳng mấy chốc, Cao Nghiêm đã lọt vào “lưới tình” của Dương San.
Cao Nghiêm đã chăm lo cho Dương San suốt mấy năm ở Vân Nam và họ thực sự rất tình cảm. Rồi Cao Nghiêm bất ngờ được điều động đến Bắc Kinh, trở thành Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Điện lực Trung Quốc. Ông ta cảm thấy rất hoang mang, không thể tập trung vào công việc. Để tránh bị giám sát, Cao Nghiêm đã lập một “hành cung” ở Thượng Hải để hưởng lạc cùng với Dương San.
Từ năm 1999 đến năm 2001, Cao Nghiêm đã nhiều lần đến Thượng Hải để “chữa bệnh”, yêu cầu các công ty con dưới quyền của mình thuê phòng trong các khách sạn cao cấp với giá lên tới 10.000 CNY/ngày (34 triệu VNĐ), tổng chi phí hơn 840.000 CNY (2,9 tỷ VNĐ).
Từ năm 2001, Cao Nghiêm cũng sở hữu một biệt thự cao cấp ở Thượng Hải có diện tích 558 m2 với giá trị 6,5 triệu CNY (22,2 tỷ VNĐ) mà một công ty con đã chi hơn 3 triệu CNY (10,2 tỷ VNĐ) để cải tạo cũng như chịu chi phí quản lý. Đồng thời, Cao Nghiêm cũng bỏ ra 2,93 triệu CNY (10 tỷ VNĐ) tiền bất chính để mua một căn hộ sang trọng ở Thượng Hải nhằm tạo ra một tổ ấm tiện nghi cho hai người chung sống.
Có nhà thì cũng phải có ô tô. Cao Nghiêm liên tiếp cung cấp 4 chiếc xe sang cho Dương San sử dụng ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Ngoài ra, Cao Nghiêm còn cho Dương San một lượng lớn CNY và ngoại tệ, riêng tài khoản ngoại tệ của Dương San ở Hồng Kông đã có 100.000 USD (2,5 tỷ VNĐ) nhận từ Cao Nghiêm.
Điều hành công việc từ xa, người thân được nâng đỡ
Bài báo trên tờ “Lan Châu Buổi tối” tiết lộ rằng, vào tháng 4/1998, Cao Nghiêm được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc. Ở chức vụ này, Cao Nghiêm lấy lý do dưỡng bệnh để thường trú trong “hành cung” ở Thượng Hải, dùng điện thoại để điều hành công việc của Công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc từ xa.
Cao Nghiêm thường chỉ đạo mọi việc qua thư ký riêng Hoàng Vũ, sau đó Hoàng Vũ sẽ phân bổ nhiệm vụ cho đội ngũ lãnh đạo của Công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc. Kết quả là một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra: phó tổng giám đốc và các ủy viên đảng ủy của công ty điện lực rất khó gặp trực tiếp Cao Nghiêm để báo cáo công việc.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc nghiêm cấm con cái của cán bộ lãnh đạo can thiệp vào công việc kinh doanh nhưng Cao Nghiêm vẫn làm ngơ. Con trai của Cao Nghiêm là Cao Tân Nguyên bắt đầu can thiệp vào các dự án phát triển hệ thống điện. Trong ngành điện Trung Quốc, ai chủ trương giao dự án kỹ thuật cho con trai Cao Nghiêm thì sẽ được thăng tiến mạnh mẽ, còn những người không muốn giao dự án cho Cao Tân Nguyên hoặc đưa ra những nhận xét tiêu cực sau lưng thì sẽ bị thuyên chuyển công tác hoặc cách chức.
Trong vòng 4 năm, Cao Tân Nguyên đã nhận các dự án trong hệ thống điện Trung Quốc cho bên thứ ba với kinh phí gần 300 triệu CNY (1.023 tỷ VNĐ); có những dự án mà riêng Cao Tân Nguyên đã nhận được tổng cộng 10,8 triệu CNY (36.8 tỷ VNĐ) và 50.000 USD (1,2 tỷ VNĐ) từ bên trúng thầu. Em trai, em gái, con rể, cậu, em họ và một số bạn bè của Cao Nghiêm đã thực hiện tổng cộng 18 dự án kỹ thuật trong hệ thống điện quốc gia Trung Quốc, với tổng kinh phí hơn 500 triệu CNY (1.704 tỷ VNĐ).
Tung tích của Cao Nghiêm vẫn là điều bí ẩn
Cao Nghiêm trốn ra nước ngoài thành công vào tháng 9/2002 mà không ai biết ông ta đã dùng biện pháp nào.
Sau đó, cơ quan điều tra Trung Quốc phát hiện số tiền HKD và USD được Cao Nghiêm chuyển nhượng và cất giấu tương đương hơn 5 triệu CNY (17 tỷ VNĐ).
Ngày 26/11/2003, Cao Nghiêm bị khai trừ đảng và cách chức vì vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật.
Mặc dù Cao Nghiêm được đồn đoán là xin tị nạn ở nhiều quốc gia, trong đó có Canada, Mỹ và Australia, nhưng không ai biết chính xác ông ta đã trốn đi đâu trong một thời gian dài.
Năm 2002, tờ Sydney Morning Herald (Australia) đưa tin, Cao Nghiêm có thể đang ở Australia. Ngoài ra, con trai Cao Tân Nguyên của ông ta cũng đã sang Australia từ lâu và có tài sản ở nước này. Sau đó, tờ New York Times (Mỹ) cũng đưa tin tương tự.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Australia tại Bắc Kinh vào thời điểm đó cho biết, họ không có thông tin xác nhận Cao Nghiêm đã tới Australia.
Một nhà quan sát lâu năm về hoạt động chống tham nhũng ở nước ngoài của Trung Quốc và một phóng viên gốc Hoa trong một cơ quan truyền thông nổi tiếng của Australia cho biết, bất cứ khi nào nhắc đến việc truy bắt những kẻ bỏ trốn ra nước ngoài của Trung Quốc, cái tên đầu tiên mà phía Australia nhắc đến là Cao Nghiêm. Không chỉ người dân Trung Quốc hết sức chú ý đến việc truy bắt Cao Nghiêm, mà giới truyền thông khắp Australia cũng rất quan tâm, ai cũng hy vọng có thể tìm ra tung tích của quan tham này đầu tiên.
“Nhưng có quá nhiều giả thuyết được đưa ra. Càng điều tra, tôi càng cảm thấy mình đang bị mắc kẹt trong một sự việc với ‘hiệu ứng Rashomon’ không thể giải quyết được”, nhà quan sát nói; và cho biết thêm, nếu Cao Nghiêm còn sống thì bây giờ ông ta đã 82 tuổi, thời gian dành cho những người truy bắt sẽ ngày càng ít đi. (Hiệu ứng Rashomon diễn tả một tình huống mà mỗi người đưa ra những nhận định rất khác nhau nhưng đều có thể đúng về cùng một sự việc).
“Cao Nghiêm, người đang ở nước ngoài, có thể đã thay đổi danh tính mới để sống một cuộc sống tự do, thậm chí có thể đã phẫu thuật thẩm mỹ”, phóng viên gốc Hoa nói trên cho biết, điều này sẽ làm tăng độ khó của việc truy bắt lên rất nhiều. “Theo đánh giá toàn diện có được từ việc tham khảo ý kiến của những người từ nhiều cơ quan chính thức của Australia, không bên nào có thông tin chính xác.”
“Nếu Cao Nghiêm thực sự ở Australia, có lẽ cơ quan tình báo biết tung tích của ông ta nhưng sẽ không công bố cho công chúng”, vị phóng viên nhận định.
Một số người còn suy đoán rằng, cuộc sống ở nước ngoài của Cao Nghiêm có thể không hề an nhàn. Bởi theo lệnh truy nã của Trung Quốc, quan tham này đã mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng nặng khi bỏ trốn ở tuổi 60. Khi bệnh phát tác, ông ta khó ngồi, đứng dậy và nằm xuống. Thoái hóa cột sống thắt lưng là một căn bệnh khó chữa, Cao Nghiêm, đã ngoài 80 tuổi, nếu còn sống cũng không thể vận động thoải mái.