Thấy gì từ vụ Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ra Thái Bình Dương ?

Ngày 25/09/2024 bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo « phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn giả » ở Thái Bình Dương. Thêm căng thẳng tại một khu vực có nhiều quốc gia khẳng định chủ quyền và Bắc Kinh, Washington cùng tìm cách mở rộng ảnh hưởng. Đợt thử nghiệm lần này có gì mới ? Tại sao Bắc Kinh lại chọn thời điểm này và thấy gì từ những tham vọng hạt nhân của Trung Quốc ?

Đăng ngày: 02/10/2024

Tên lửa Đông Phong 17 của Trung Quốc diễn hành tại Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh ngày 01/10/2019.
Tên lửa Đông Phong 17 của Trung Quốc diễn hành tại Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh ngày 01/10/2019. AP – Ng Han Guan

Thanh Hà

Tạp chí Anh The Economist hôm 27/09/2024 nhắc lại lần gần đây nhất Bắc Kinh bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM ra biển là cách nay đã 44 năm, « khi ông Tập Cận Bình mới 27 tuổi, khi mà GDP bình quân đầu nước tại Trung Quốc còn chưa đầy 200 đô la ». Trong đợt bắn thử hôm 25/09/2024, tên lửa Trung Quốc đã « khởi hành từ đảo Hải Nam », mang theo đầu đạn giả và đã « rơi xuống vùng biển cách bờ đông Trung Quốc đến gần 12.000 km, điều đó cho thấy tham vọng hạt nhân ngày càng lớn » của Bắc Kinh. 

Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa đúng vào ngày một tàu chiến Nhật Bản đi qua eo biển Đài Loan và rất có thể là trong một vài tuần nữa tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có một cuộc điện đàm trước khi ông Biden rời Nhà Trắng.

Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến hạt nhân

Theo phân tích của tình báo Mỹ, có nhiều khả năng Bắc Kinh cho bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM Đông Phong 31 với khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tên lửa đã « được đưa đến địa điểm thử nghiệm bằng đường bộ, có thể là được di chuyển bằng xe vận tải khó để vệ tinh Mỹ phát hiện ». 

Tất cả các nhà quan sát đồng loạt nhấn mạnh : hiếm khi nào Trung Quốc thử tên lửa « trong các vùng biển quốc tế ». Lần gần đây nhất là vào tháng 5/1980. Vậy thì lần này, tiến hành vụ thử nghiệm ở ngay Thái Bình Dương « vừa nhằm phô trương thanh thế về khả năng răn đe đang lớn mạnh, vừa là một lời cảnh cáo mà Trung Quốc nhắm gửi đến Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington trong khu vực ». Chuyên gia Drew Thompson học viện quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore được AP trích dẫn nhận định « Trung Quốc cảnh báo sẵn sàng sử dụng đến các loại vũ khí lợi hại nhất để răn đe các đối thủ hay để trừng phạt trong trường hợp cần thiết ».

Hé lộ thông tin về kho vũ khí nguyên tử của Bắc Kinh

Hiếm khi nào Trung Quốc để lộ thông tin về kho vũ khí hạt nhân nhưng theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ tính đến tháng 5/2023, Bắc Kinh nắm giữ 500 đầu đạn hạt nhân và « hơn một nữa trong số đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM ». Lầu Năm Góc dự báo chỉ trong 5 năm nữa, Trung Quốc sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân và « có một khối lượng ICBM tương đương với của Hoa Kỳ ».  Trang mạng của cơ quan truyền thông chuyên thu thập thông tin về kinh tế và tài chính, Business Insider, trụ sở tại New York hôm 28/09/2024 điểm qua một số tên lửa mà Trung Quốc hiện có, từ tên lửa tầm ngắn đến tầm xa và kể cả vũ khí siêu thanh.

Đầu tiên hết là tên lửa chống hạm Đông Phong 21, vốn được mệnh danh là loại « sát thủ hàng không mẫu hạm ». Đông Phong 21 thuộc dòng « tên lửa đạn đạo tầm trung, với nhiều phiên bản khác nhau và là một mối đe dọa đối với hàng không mẫu hạm cách xa bờ đến hơn 1.600 km ». Hải Quân Hoa Kỳ xem tên lửa Đông Phong Trung Quốc là những « hiểm họa đáng gờm » nhưng vẫn có thể bị chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet và F-35C Lighting « khống chế ».

Tên lửa Đông Phong có phiên bản mới hơn và lợi hại hơn là loại Đông Phong 26 với tầm bắn 3.000 km, có thể nhắm trúng các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đảo Guam. Đông Phong 26 thuộc dòng tên lửa tầm trung-xa IRBM

Siêu cường số 1 thế giới về vũ khí siêu thanh

Riêng trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh, báo Business Insider nhấn mạnh, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua, trước cả Nga và Mỹ và theo lời một chuyên gia của Hoa Kỳ, thì « Trung Quốc làm chủ công nghệ và kho vũ khí siêu thanh hiện đại nhất trên thế giới ». Trong số này có tên lửa Đông Phong 17 đã « được đưa vào hoạt động từ 2019 » và vẫn theo nguồn tin này, Bắc Kinh cần có tên lửa siêu thanh Đông Phong 17 để « ngăn ngừa khả năng Mỹ can thiệp tại khu vực châu Á –  Thái Bình Dương ». Chẳng những thế, dường như Bắc Kinh còn đang phát triển chương trình chế tạo tên lửa siêu thanh chống hạm.

Nhìn đến kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn, Trung Quốc có Đông Phong 15 có tầm bắn 900 km, đủ để nhắm tới Đài Loan. Xưa hơn một chút, trong danh sách Business Insider lập ra, còn có loại tên lửa Đông Phong 5 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, được thử nghiệm lần đầu vào tháng 5/1980 và đó là một trong những đợt bắn thử hiếm hoi Trung Quốc tiến hành ở Nam Thái Bình Dương thay vì trong vùng biển Bột Hải hay ở vùng hẻo lánh tại Tân Cương.

Trước khi khép lại danh sách về các loại tên lửa Trung Quốc đang nắm giữ, Business Insider chú ý đến loại Đông Phong 41, « tên lửa xuyên lục địa hiện đại nhất » của quân đội nước này có thế bắn trúng tới lãnh thổ Hoa Kỳ, với tầm bắn gần 15.000km. 

Trung Quốc sẽ không dừng lại khi có một khối lượng ngang hàng với Mỹ

Vậy thì kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhiều hay ít so với phần còn lại của thế giới mà chủ yếu là Nga và Mỹ ? Tạp chí Anh, The Economiste nhắc lại báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ chỉ ra rằng đến hiện Trung Quốc có « 500 đầu đạn hạt nhân nhưng số này sẽ vượt ngưỡng 1.000 vào quãng 2030 và đến năm 2035 Trung Quốc dự trù sẽ có 1.500 đầu đạn hạt nhân». Để so sánh trong lĩnh vực này, kho vũ khí của Nga có trên « 5.500 đơn vị, trong đó có hơn 4.300 sẵn sàng để sử dụng và khoảng 1.200 đầu đạn đang chờ để được phá hủy ».

Về phía Hoa Kỳ, báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra con số chính xác là Washington có 5.044 đầu đạn hạn nhân.

Trong một phát biểu hồi tháng 9/2024 tướng Andrew Gebara, nhân vật số hai của Không Quân Hoa Kỳ đặc trách về chiến lược răn đe được The Economist trích dẫn cho biết « không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc dừng phát triển vũ khí hạt nhân một khi tích lũy được một khối lượng tương xứng với của Hoa Kỳ ».

Một số tiếng nói ôn hòa hơn như chuyên gia về vũ khí răn đe của Trung Quốc tại đại học Pennsylvania, bà Fiona Cunningham cho rằng « không chắc là Trung Quốc giữ được nhịp độ sản xuất vũ khí nguyên tử như hiện tại »

Gieo thêm căng thẳng để thách thức Mỹ ? 

Vào lúc cộng đồng quốc tế tập trung vào khả năng chiến tranh toàn diện nổ ra tại Trung Cận Đông, vào các chương trình hợp tác quân sự giữa Nga với Bắc Triều Tiên càng lúc càng « khắng khít » thì không kèn không trống, Bắc Kinh phô trương tiềm năng hạt nhân ở một vùng biển có nhiều mối căng thẳng.

Trung Quốc có một đội quân đông nhất thế giới và sức mạnh Hải Quân của nước này theo tuần báo The Economist hiện tại là số 1 toàn cầu. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ thua Mỹ. Theo thẩm định của Lầu Năm Góc, Không Quân Trung Quốc đang « hùng mạnh nhất trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương, (…) hơn một nửa chiến đấu cơ Trung Quốc thuộc hai thế hệ hiện đại nhất. Kho tên lửa của Bắc Kinh thì vừa nhiều vừa đa dạng. Trung Quốc không thiếu máy bay tàng hình, không thiếu máy bay ném bom đủ sức mang theo các đầu đạn hạt nhân…  Ông Tập Cận Bình từ khi lên cầm quyền cuối năm 2012 là người chủ xướng « hiện đại hóa » tất cả các lực lượng quân sự và đẩy mạnh đầu tư để phát triển các công nghệ cao phục vụ cho bên quân đội… Từ 2015 đến nay, « ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên hơn gấp đôi ». 

Bài Liên Quan

Leave a Comment