Gần bốn ngày sau khi các ngư dân Quảng Ngãi bị lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công, hành hung và cướp tài sản, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng. Tuyên bố của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ và thẳng thắn hơn những lần trước, nhất là khi nêu đích danh Trung Quốc.
Theo thông báo tối 2/10, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 29/9 vừa qua đã xảy ra việc lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) “trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
Trước khi có tiếng nói chính thức từ Bộ Ngoại giao, báo chí Việt Nam dù đưa tin về vụ tấn công nhưng đã không nêu rõ “tàu nước ngoài” hay “tàu lạ” là tàu Trung Quốc, dù những ngư dân gặp nạn kể rằng những chiếc tàu tấn công họ có treo quốc kỳ Trung Quốc và họ bị đánh bởi những người nói tiếng Trung.
Chỉ sau khi có tuyên bố của bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, báo chí mới chỉ đích danh tàu Trung Quốc là thủ phạm.
Một nhà báo trong nước tiết lộ rằng việc báo chí trước đó không nêu rõ tên Trung Quốc là vì quan ngại sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung.
Trong chuyến công du đến Trung Quốc với cương vị là người đứng đầu đảng và nhà nước, ông Tô Lâm đã đề nghị hai nước cần kiểm soát, xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển. Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập trong Tuyên Bố chung Việt-Trung sau chuyến đi.
‘Có ít nhất hai vụ tấn công’ cùng ngày
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, một dự án nghiên cứu độc lập tại Việt Nam, nói với BBC rằng theo những gì dự án này tổng hợp được, kết hợp với dữ liệu theo dõi tàu thuyền thì cho thấy đã có ít nhất hai vụ tấn công tàu cá Việt Nam xảy ra trong khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 29/9.
Vụ thứ nhất xảy ra trong khu vực Đá Chim Én là vụ tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên vào khoảng 9, 10 giờ sáng, làm bốn ngư dân bị thương, trong đó có người bị đánh gãy tay. Tàu cá bị cướp hết máy móc, ngư cụ và vài tấn cá, tổng thiệt hại sơ bộ khoảng 500-600 triệu đồng.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên kể với cộng tác viên của BBC rằng, sau nhiều tiếng đồng hồ bị hai tàu Trung Quốc là Chấp Pháp Tam Sa 301 và Chấp Pháp Tam Sa 101 rượt đuổi, cuối cùng tàu của ông cũng bị tiếp cận và có khoảng 40 người Trung Quốc leo lên tàu ông.
“Chúng tôi vừa chạy thì chúng đánh từ đằng sau đánh tới, gặp đâu đánh đó. Chúng nhằm vào tôi là thuyền trưởng, hai thằng đánh vô lưng và vai làm tôi bất tỉnh. Trong khi tôi bất tỉnh nó đánh mấy anh em khác, một anh bị gãy tay là anh Huỳnh Tiến Công,” ông Biên thuật lại.
Sau khi ông Biên bị đánh bất tỉnh và ông Công bị gãy tay thì lực lượng Trung Quốc dồn các ngư dân Việt Nam lại, bắt quỳ xuống rồi lấy những tấm bạt che lại để không ai biết Trung Quốc đang làm gì trên tàu.
Dự án Đại sự ký Biển Đông nói với BBC ngày 2/10 rằng họ tính toán nơi xảy ra sự cố của tàu ông Biên nằm trong khu vực Đá Chim Én.
Vụ tấn công thứ hai là đối với tàu Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90659 TS do ông Võ Thành Tân làm chủ tàu. Theo Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, vụ việc xảy ra vào lúc 15 giờ, cách Đá Chim Én hơn 22 hải lý.
Theo lời kể của thuyền trưởng Tân được báo chí trong nước trích dẫn, ông cũng bị hành hung và tàu bị lấy đi toàn bộ ngư cụ và lượng cá đã đánh bắt được với tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 300 triệu đồng.
Thành viên của Dự án Đại sự ký Biển Đông nhận định với BBC rằng đây là vụ nghiêm trọng nhất và đã được truyền thông rộng rãi.
“Đáng chú ý, trong vụ tấn công hết sức thô bạo này, Trung Quốc sử dụng các tàu Tam Sa Chấp pháp thuộc Lực lượng Chấp pháp Tổng hợp Tam Sa, tức là một lực lượng thực thi pháp luật địa phương.
“Dù lực lượng này được biết đến là phối hợp chặt chẽ và có thể chịu sự điều hành của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, trong sự cố lần này, chúng tôi đã không tìm được bằng chứng nào cho thấy Hải cảnh Trung Quốc cũng tham gia trực tiếp vào vụ việc.
“Bởi vậy có thể nghi ngờ rằng đây là một chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, trong đó lực lượng địa phương được sử dụng khi cần phô trương các hành động tàn bạo quyết liệt, thay vì lực lượng trung ương. Điều này cho phép lực lượng trung ương có thể chối bỏ trách nhiệm khi muốn,” thành viên của Dự án Đại sự ký Biển Đông nhận định.
Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hồi tháng 1/2024 nói với BBC News Tiếng Việt rằng Trung Quốc đang tiến hành chiến lược “tằm ăn dâu”.
“Chiến lược ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam, Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”
“Và trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh (cảnh sát biển), rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ.”
Sự việc xảy ra với hai tàu cá QNg 95739 TS và QNg 90659 TS là vụ mới nhất trong số hàng loạt vụ lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, các thực thể địa lý mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm hữu và kiểm soát thực địa từ ít nhất hơn nửa thế kỷ qua.
Vào tháng 8/2024, tàu QNg 98852 TS do ông Nguyễn Quang Dự làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cũng bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 301 tấn công và lấy đi nhiều trang thiết bị và ba tấn hải sản, với tổng thiệt hại khoảng 143,5 triệu đồng.
Việt Nam lên tiếng chậm nhưng mạnh mẽ
Trả lời Reuters vào ngày thứ Ba 1/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà không được chính phủ Trung Quốc cho phép và các cơ quan chính quyền Trung Quốc liên quan đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến vụ tấn công ngày 29/9.
“Các hoạt động tại khu vực mang tính chuyên nghiệp và có kiềm chế, không có ai bị thương,” Reuters dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đến tối 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng. Dù có phần chậm trễ nhưng tuyên bố chính thức của phía Việt Nam được cho là đã lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ, thẳng thắn hơn, ít nhất là so với năm 2023.
Trong tuyên bố vào tháng 8/2023, sau khi một ngư dân Việt Nam trình báo bị tấn công khi đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng phản đối “mọi hành vi sử dụng vũ lực” nhưng không nhắc đến Trung Quốc.
Lần này, ngôn từ của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ và trực diện hơn.
Thông điệp cụ thể của Bộ Ngoại giao như sau:
“Hành động của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.
“Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.”
Nhà nghiên cứu của Dự án Đại sự ký Biển Đông nói với BBC rằng Việt Nam sẽ vẫn giữ cách tiếp cận cũ: ngoại giao âm thầm nhiều nhất có thể nhưng khi việc ngoại giao này thất bại, hoặc đối với những vụ việc nghiêm trọng, Việt Nam sẽ lên tiếng công khai.
“Tấn công ngư dân là một chiến thuật linh hoạt của Trung Quốc để thể hiện thái độ với Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn còn công cụ pháp lý chưa sử dụng và nếu Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu cá Việt Nam, Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc phải cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc.
“Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng với Việt Nam, có thể sẽ càng đẩy Việt Nam ra xa và càng khiến Việt Nam tích cực tăng cường mạng lưới quan hệ đối tác nhằm nâng cao thế đứng của mình, mở cửa cho nhiều đối tác có thể hiện diện ở Biển Đông.”
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của Đại sự ký Biển Đông cũng nhấn mạnh rằng từ ý chí cho đến thực tế cũng là một khoảng cách và việc Việt Nam có thể vững vàng trước những áp lực của Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào thực lực, năng lực chống chịu kinh tế của Việt Nam.
Tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng trong nhiều tháng qua với những xung đột trên thực địa giữa Trung Quốc và Philippines. Vụ việc tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam vào ngày 29/9 một lần nữa khiến tình hình càng trở nên phức tạp.
Không những rủi ro bị tàu Trung Quốc tấn công hay xua đuổi, sinh kế của hàng ngàn ngư dân ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng trước lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của Trung Quốc tại vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 trở lên, từ ngày 1/5 đến 16/8 hằng năm.
Thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông nói với BBC rằng sự leo thang căng thẳng trên Biển Đông hẳn không nằm ngoài dự đoán của Việt Nam.
“Đây cũng là lý do Việt Nam đã tăng cường lấn biển xây đảo trong thời gian vừa rồi ở quần đảo Trường Sa, theo lời Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao – ông Lê Đình Tĩnh khi trả lời The Washington Post. Trung Quốc có nhiều lý do để không hài lòng với Việt Nam. Không dùng cách tiếp cận minh bạch quyết đoán như Philippines, nhưng những bước đi của Việt Nam trong thời gian gần đây tương đối mạnh bạo.”
Thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông dẫn chứng việc Việt Nam nộp đệ trình thềm lục địa mở rộng khu vực trung tâm, vốn đã trì hoãn nhiều năm dù đã chuẩn bị xong hồ sơ từ năm 2009, mở rộng đảo quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa. Rồi đến việc lần đầu tiên tập trận với lực lượng cảnh sát biển Philippines, lần đầu tiên triển khai tàu Hải quân tới Úc tham gia tập trận cùng các nước phương Tây.
Về mặt chính sách, theo thành viên của Dự án Đại sự ký Biển Đông, nhà lãnh đạo mới lên của Việt Nam – ông Tô Lâm – cho thấy có nhiều tín hiệu cởi mở, như việc lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đối thoại với giới học giả quốc tế trong không gian mở tại trường Đại học Columbia. Ông Tô Lâm cũng đề nghị Mỹ giúp Việt Nam phát triển công nghệ trong những lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và máy tính lượng tử – đều là những lĩnh vực mà Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ…