”Sáng kiến 6 điểm” của Bắc Kinh: Ukraina lo xung đột ”đóng băng”, Nga hưởng lợi

Cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga đã kéo dài hơn hai năm rưỡi. Trong lúc chính quyền Kiev đang một mặt quyết tâm thuyết phục các đồng minh phương Tây hậu thuẫn ‘‘một kế hoạch giành chiến thắng’’, mặt khác thúc đẩy một hội nghị hòa bình lần thứ hai nhằm thu hút sự ủng hộ quốc tế (sau hội nghị lần thứ nhất tại Thụy Sĩ), Trung Quốc và Brazil – hai quốc gia tự coi là thuộc nhóm trung lập – thúc đẩy một sáng kiến hòa bình khác.

Đăng ngày: 03/10/2024

China's Foreign Minister Wang Yi, right, and Brazil's Special Advisor to the President Celso Amorim, left, speak at a meeting about the war between Russia and Ukraine, Friday, Sept. 27, 2024. (AP Phot
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) (P) và cố vấn đặc biệt của tổng thống Brazil, Celso Amorim (T) thảo luận tại hội nghị cấp bộ trưởng về chiến tranh Nga – Ukraina, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 27/09/2024. AP – Pamela Smith

Trọng Thành

Bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Brazil đã tổ chức một hội nghị cấp bộ trưởng, với sự tham gia của gần 20 nước, trên cơ sở ‘‘kế hoạch hòa bình 6 điểm’’, mà Bắc Kinh và Brasilia đưa ra từ đầu mùa hè. Chính quyền Ukraina coi đây là một nỗ lực nhằm áp đặt giải pháp ‘‘đóng băng xung đột’’ có lợi cho điện Kremlin. Thực hư ra sao ?

Kế hoạch hòa bình 6 điểm của Trung Quốc và Brazil cụ thể ra sao ?

Kế hoạch hòa bình 6 điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Nga chống Ukraina, được Brazil và Trung Quốc, hai cường quốc phương Nam đưa ra ngày 23/05/2024 trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và cố vấn đặc biệt của tổng thống Brazil Celso Amorim tại Bắc Kinh. Sáu điểm bao gồm (1) yêu cầu các bên không mở rộng chiến trường, không leo thang xung đột, không có thêm hành động khiêu khích, (2) nối lại đối thoại và đàm phán là ‘‘giải pháp khả thi duy nhất’’ để hạ nhiệt tình hình, (3) tăng cường trợ giúp nhân đạo và ngăn ngừa khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, (4) cấm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, (5) cấm tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạt nhân và (6) phản đối việc phân chia thế giới thành các khối đối kháng và nỗ lực để bảo vệ các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì sao kế hoạch của Trung Quốc và Brazil khiến Ukraina lo ngại ?

Theo nhiều nhà quan sát, đối với Kiev, kế hoạch của Trung Quốc và Brazil, được mô tả là có khả năng làm lu mờ ‘‘kế hoạch hòa bình’’, cũng là kế hoạch giành chiến thắng, mà tổng thống Zelensky đang tìm cách khẳng định, dù có phải chấp nhận một số sửa đổi do áp lực từ các đồng minh phương Tây. Tổng thống Ukraina hy vọng kế hoạch hòa bình của Kiev, mà tinh thần chính là việc chấm dứt chiến tranh phải đi liền với khôi phục toàn bộ các vùng lãnh thổ đã bị Nga xâm chiếm, cũng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước phương Nam (World Majority).

Báo Pháp Le Monde dẫn lại một nguồn tin Ukraina thân cận với hồ sơ này, chỉ ra tính chất nguy hiểm của kế hoạch của Trung Quốc và Brazil: ‘‘Kế hoạch của Trung Quốc dĩ nhiên sẽ bao gồm nhiều từ ngữ lắt léo, những quan điểm phù hợp hoặc không với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, đằng sau các luận điểm này là một ý đồ rất đơn giản, đó là đóng băng xung đột… Việc ‘‘đóng băng xung đột’’ sẽ đạt được nhờ một tối hậu thư mà Bắc Kinh ngầm gửi đến Ukraina và các đồng minh của họ, nhân danh lợi ích của đông đảo các nước phương Nam, được gọi là “khối nước chiếm đa số thế giới’’ để che giấu lợi ích của Bắc Kinh’’.

Vẫn nguồn tin này nhấn mạnh ‘‘kế hoạch của Bắc Kinh” chủ yếu là nhằm “không để Nga thua”, như người ta thường nói ở Bắc Kinh, trong một cuộc chiến mà Trung Quốc đang là bên hưởng lợi chính. Nguồn tin Ukraina kêu gọi Liên Âu, Pháp, Berlin cũng như các đồng minh khác của Ukraina ‘‘cần hiểu rõ rằng không thể chấp nhận giải pháp chấm dứt xung đột do bị tối hậu thư đe dọa như vậy’’.

Chính quyền Kiev lo ngại trong những tuần tới Trung Quốc và Brazil sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội để thúc đẩy kế hoạch ‘‘đóng băng xung đột’’ có lợi cho Nga, đặc biệt là trong hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS+ (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cùng một số quốc gia phương Nam mới được kết nạp). Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/10, tại thành phố Kazan của Nga. Một cơ hội thuận lợi khác là hội nghị khối G20 ở Rio de Janeiro dưới sự chủ tọa của tổng thống Brazil, vào giữa tháng 11/2024, tức chưa đầy hai tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo Le Monde, một kịch bản lôi kéo các nước phương Nam vào mặt trận ủng hộ Nga như vậy của Trung Quốc ‘‘đang khiến các đồng minh của Ukraina lo lắng’’.

Việc Thụy Sĩ, quốc gia châu Âu và là nước đăng cai hội nghị hòa bình cho Ukraina lần thứ nhất (giữa tháng 6/2024), chấp nhận tham gia hội nghị không chính thức do Trung Quốc và Brazil chủ trì ngày 27/09/2024 nói trên, đã bị Ukraina chỉ trích mạnh mẽ.  

Vì sao Thụy Sĩ lại tham gia hội nghị, do Trung Quốc và Brazil chủ trì, vốn bị Ukraina lên án là nguy hiểm cho Kiev?

Thụy Sĩ tham gia hội nghị nói trên với tư cách quan sát viên. Sau hội nghị, báo chí Thụy Sĩ dẫn lời của người phụ trách truyền thông của bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ, Nicolas Bideau, khẳng định chính quyền Thụy Sĩ ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc và Brazil như một nỗ lực nhằm tìm giải pháp hòa bình cho xung đột. Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ giải thích rõ việc tham gia hội nghị, do Trung Quốc và Brazil chủ trì, sẽ cho phép ngành ngoại giao Thụy Sĩ ‘‘tiếp tục có được một vị trí trên trường quốc tế, để Thụy Sĩ có thể đăng cai tiếp một hội nghị thứ hai về hòa bình cho Ukraina’’, và lần này hội nghị sẽ phải có sự tham gia của Nga. Theo Thụy Sĩ, thời điểm hội nghị thứ hai chưa được xác định, và chắc chắn không thể diễn ra trước bầu cử tổng thống Mỹ, 05/11/2024.

Đã có hơn 90 nước tham dự hội nghị lần thứ nhất tại Thụy Sĩ. Nga không được mời tham gia, Trung Quốc vắng mặt, Brazil tham gia nhưng không ký Tuyên bố chung. Tuyên bố chung của hội nghị hòa bình lần thứ nhất gồm ba điểm chính : nhà máy điện hạt nhân Zaporija của Ukraina phải được bảo đảm an toàn, Ukraina phải được tự do xuất khẩu ngũ cốc và các tù binh cùng những người bị cưỡng bức sang Nga phải được trả tự do. Theo giới quan sát, hội nghị lần thứ nhất được coi là một bước tiến rất nhỏ. Tuyên bố của hội nghị được coi là một đồng thuận tối thiểu. Hòa bình cho Ukraina còn rất xa vời. Cuối tháng 9 vừa qua, Nga cũng tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị lần thứ hai bởi coi hội nghị này là một thủ đoạn của Ukraina và các đồng minh nhằm gây áp lực, dựa vào cộng đồng quốc tế để ‘‘gửi tối hậu thư buộc Nga phải đầu hàng’’.

Trong khi đó, theo quan điểm của Thụy Sĩ, để có được một giải pháp hòa bình cho Ukraina, không thể thiếu sự tham gia của Trung Quốc và Brazil. Ngay sau hội nghị thứ nhất, ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã nhấn mạnh đến việc cần ‘‘tìm cách’’ để đạt được đồng thuận với Brazil và Trung Quốc, hai nước đưa ra sáng kiến hòa bình 6 điểm, ngay trước thềm hội nghị lần thứ nhất ở Thụy Sĩ.

Hội nghị về hòa bình do Trung Quốc và Brazil chủ trì có thực sự gây bất lợi cho Ukraina ?

Hiện chưa có nhiều thông tin để trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, nhưng về nguyên tắc, lập trường chính thức của Thụy Sĩ, quan sát viên tại hội nghị do Trung Quốc và Brazil chủ trì, là  ‘‘mọi kế hoạch hòa bình cho Ukraina đều phải dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và các nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia’’. Trên thực tế, hội nghị do Trung Quốc và Brazil chủ trì đã ra một Tuyên bố chung 9 điểm (trang mạng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc). Điều 2 của Tuyên bố chung bao gồm kêu gọi bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ‘‘tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của các nước và cân nhắc đến nhu cầu duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng.’’

Tuyên bố chung có sự tham gia của 13 nước Algeria, Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Kazakhstan, Kenya, Mêhicô, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Zambia (vào thời điểm Trung Quốc và Brazil công bố kế hoạch ‘‘6 điểm’’, theo Bắc Kinh có 45 nước quan tâm đến kế hoạch, và 25 nước hứa hẹn sẽ tham gia). Theo trang mạng Hồng Kông South China Morning Post, ngoài Thụy Sĩ, còn Hungary và Pháp, hai nước châu Âu khác tham dự cũng với tư cách quan sát viên. Điểm đáng lưu ý là Ấn Độ, một cường quốc phương Nam, không tham gia hội nghị. New Delhi cũng được Ukraina kỳ vọng có thể đăng cai Hội nghị hòa bình thứ hai.

Cần nhấn mạnh là đề xuất 6 điểm của Trung Quốc và Brazil, bị Ukraina phản đối, chỉ được coi là một phần trong bản tuyên bố chung, và hơn nữa cũng chỉ được coi là một trong số các sáng kiến hòa bình. Con đường đi đến hòa bình cho Ukraina còn rất dài, nhưng hội nghị do Trung Quốc và Brazil chủ trì, với sự tham gia của Thụy Sĩ, khó có thể coi là một thất bại với Ukraina.

Bài Liên Quan

Leave a Comment