Bộ Công an Việt Nam tiếp tục truy nã Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

RFA
04-10-2024

Bộ Công an Việt Nam tiếp tục truy nã Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC

AIC Group

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), bà Nguyễn Thị Thanh Nhà, tiếp tục bị truy nã theo quyết định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an Việt Nam công bố ngày 4/10.

Quyết định lần này nêu rõ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên can đến vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông, AIC… đang phải điều tra,

Tội danh mà cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an cáo buộc đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ này cũng là “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Vào tháng 7 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn  bị tuyên án vắng mặt 24 năm tù trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM, Công ty AIC gây thiệt hại cho nhà nước gần 95 tỷ đồng.

Theo truyền thông Nhà nước, bà Nhàn bị 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hai bản án trước đây, buộc bị cáo Nhàn chấp hành chung 30 năm tù.

Đó là vụ án thứ ba bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xét xử vắng mặt. Vào tháng 5/2023, bà Nhàn bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù, về các tội “Vi phạm quy định đấu thầu”, “Đưa hối lộ”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tháng 2/2024, bà Nhàn bị TAND cấp cao Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù, về tội danh vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh.

Trang tin Haaretz của Israel hồi ngày 1/5/2022 có bài phân tích về biện pháp của Cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an Việt Nam đối với bà Nguyễn Thi Thanh Nhàn công bố trước đó vào ngày 29/4/2022.

Cụ thể, Cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an Việt Nam ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC (Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AICtrong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Bà Nhàn bị cáo buộc cùng với các giới chức thuộc Sở Y tế Đồng Nai và các công ty liên quan gian lận thầu cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo các Facebooker chuyên đưa tin về an ninh ở Việt Nam thì dường như bà Nhàn lúc đó đang ở Nhật Bản nên chưa bị bắt giữ. Còn trang tin Haaretz thì cho biết bà Nhàn đã sang Châu Âu từ hơn một năm rồi.

Theo Haaretz, bà Nhàn là một nhân vật quan trọng và là người môi giới trong hàng loạt các thoả thuận mua bán vũ khí và thiết bị phục vụ cho công an Việt Nam từ hơn 10 năm tính đến lúc đó.

Trong khoảng 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thị trường xuất khẩu vũ khí quan trọng cho Israel. Hai bên đã ký một thoả thuận vào năm 2011 nhằm tăng cường hợp tác an ninh, và một quan chức cấp cao của Israel đã sang thăm Việt Nam cách đây ba năm.

Theo Haaretz, các thoả thuận xuất khẩu vũ khí của Israel sang Việt Nam đã đạt hơn một tỷ đô la. Một trong các hợp đồng lớn nhất giữa hai nước hiện vẫn đang trong quá trình thảo luận là của công ty IAI của Israel bán cho tình báo quân đội Việt Nam thiết bị vệ tinh tình báo Ofek (hay còn gọi là Horizon). Thoả thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam này trị giá khoảng 550 triệu đô la.

Theo trang tin Israeldefense, bà Nhàn là trung gian kết nối công IAI với phía Việt Nam. Ngoài IAI, hai hãng của Pháp khác cũng cạnh trang cung cấp thiết bị này cho Việt Nam là Airbus và Thales. 

Bà Nhàn đã kết nối IAI với Việt Nam qua đại diện của mình ở Israel là Haya Meshel vào khoảng năm 2018 và 2019, và hãng IAI đã có thư đề nghị chính thức cho Hà Nội. Theo Israeldefense thì thiết bị của IAI không bằng thiết bị của Thales về mặt công nghệ nhưng được chính phủ Israel hậu thuẫn.

Theo Intelligentonline của Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chọn thiết bị của IAI. Thủ tướng Phạm Minh Chính, người chịu trách nhiệm chính về dự án này, đã thảo luận qua điện thoại với người đồng cấp Israel Naftali Bennett sau đó. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn  từng bị Intelligentonline đưa tin hồi năm 2020 có liên quan đến việc buôn bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel có dính đến tham nhũng.

Theo nhà báo Yossi Melman, người viết bài phóng sự của Haaretz, Israel là nước đã cung cấp các vũ khí cho Việt Nam bao gồm máy bay không người lái, hệ thống phòng không, nâng cấp xe tăng và tên lửa. Một công ty của Israel còn lập một nhà máy ở Việt Nam để lắp ráp súng trường Tavor trị giá 100 triệu đô la.

Tác giả Yossi Melman trích một nguồn tin ở Việt Nam cho rằng nguyên nhân thực sự đứng đằng sau vụ bắt giữ bà Nhàn là do các thoả thuận mua bán vũ khí. Lý do gốc của vụ bắt giữ là cuộc cạnh tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra từ ngày 4/5 đến 10/5/2022, nơi 200 Uỷ viên trung ương thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước và Đảng Cộng sản, bao gồm cả vấn đề về tổ chức và chỉnh đốn Đảng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment