Đề xuất của tân thủ tướng Nhật về một “NATO châu Á” liệu có khả thi?

Trong bài viết do Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ đăng tải hôm 25/09/2024, tân thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã một lần nữa nêu lên tầm quan trọng của việc thành lập một khối NATO phiên bản châu Á, trước hết bằng cách kết hợp liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn. Đề xuất của ông Ishiba ngay lập tức đã nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Đăng ngày: 04/10/2024

Cựu thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp cựu tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/07/2024, tại thượng đỉnh NATO ở Washington, Hoa Kỳ.
Cựu thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp cựu tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/07/2024, tại thượng đỉnh NATO ở Washington, Hoa Kỳ. AP – Stephanie Scarbrough

Minh Phương

Từng là bộ trưởng Quốc Phòng, tân thủ tướng Ishiba được biết là một nhân vật người có lập trường cứng rắn, luôn quan tâm đến việc tăng cường khả năng phòng thủ cho Nhật Bản. Theo ông, để có thể đạt mục tiêu này, Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác với đồng minh Hoa Kỳ. Ông viết : “Tôi cho rằng sứ mệnh của mình là phát triển mối quan hệ liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, để có thể sánh ngang với mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Anh”. So với người tiền nhiệm Fumio Kishida, ông Ishiba mong muốn cải thiện hơn nữa hợp tác cấp chỉ huy với Mỹ và tăng 7% ngân sách cho tài khoá 2025. 

Không chỉ với Washington, thủ tướng Nhật còn bày tỏ hy vọng đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là với Hàn Quốc. Ông kêu gọi các nước trong khu vực cùng thành lập một liên minh theo kiểu NATO, “để đảm bảo có đủ khả năng đối mặt với liên minh hạt nhân của Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên” và ngăn Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự trong khu vực. Theo trang Nikkei Asia, tân thủ tướng Nhật muốn xây dựng liên minh này qua việc hợp nhất các khuôn khổ an ninh tại châu Á, chẳng hạn như liên minh an ninh Mỹ-Nhật; liên minh an ninh Mỹ-Hàn; hiệp ước an ninh ANZUS giữa Úc, New Zealand và Hoa Kỳ; thỏa thuận phòng thủ giữa các quốc gia Khối thịnh vượng chung bao gồm Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Vương quốc Anh. 

Không có NATO châu Á, không có phòng thủ chung ?   

Theo phân tích của nhật báo Pháp Le Monde, ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị trong khu vực đang ngày càng căng thẳng, với các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, các vụ máy bay Nga xâm phạm không phận Nhật Bản, … cộng thêm kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tại Mỹ vẫn còn rất khó dự đoán. Le Monde nhận định, dù người chiến thắng trong cuộc bầu cử này là Kamala Harris hay Donald Trump, sự thù địch giữa Bắc Kinh và Washington vẫn sẽ kéo dài, khiến cho tình hình an ninh của Nhật Bản thêm phức tạp. Trong khi đó, mối quan hệ Trung-Nhật đang ngày càng xấu đi, các kênh liên lạc không chính thức giữa hai nước dường như đang suy giảm. Mới đây, Bắc Kinh tố cáo Tokyo “có các hành động khiêu khích, làm suy yếu chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc” sau vụ tàu Nhật đi qua eo biển Đài Loan hôm 25/09. Thêm nữa là tư tưởng bài Nhật vẫn khá phổ biến tại Trung Quốc, đỉnh điểm là vụ một bé trai người Nhật bị đâm chết hôm 18/09 tại tỉnh Thâm Quyến trong ngày kỷ niệm sự kiện châm ngòi cho cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật Bản năm 1931. 

Đối mặt với tình hình hiện nay, thủ tướng Nhật càng tin rằng phải cấp tốc thiết lập một liên minh tương tự như NATO tại châu Á. Trong bài đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu Hudson, ông Ishiba viết : “Nếu chúng ta thay Nga bằng Trung Quốc và Ukraina bằng Đài Loan, trong trường hợp không có hệ thống tương tự như NATO ở châu Á, thì khi xảy ra chiến tranh, các quốc gia sẽ không có nghĩa vụ phòng thủ chung.” 

Giới phân tích: Ý tưởng thiếu thực tế và thiếu khôn ngoan

Tuy nhiên, sáng kiến này của thủ tướng Nhật Bản đã gây nhiều phản ứng trái chiều ngay trong nội các của ông. Trong khi ngoại trưởng Takeshi Iwaya cho rằng đề xuất về một “NATO châu Á” là một ý tưởng cho tương lai, đáng được nghiên cứu và “xem xét cẩn thận trong trung và dài hạn”, thì ông Toshimitsu Motegi, tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do LDP cầm quyền, lại chỉ trích đề xuất này là phi thực tế. Trang mạng Nikkei Asia, trích lời ông Motegi: “Mục đích chính của NATO là cùng nhau bảo vệ một quốc gia thành viên trước cuộc tấn công vũ trang của một kẻ thù chung (…). Tuy nhiên, không giống như châu Âu, châu Á được tạo thành từ các quốc gia có nền văn hóa và hệ thống chính trị đa dạng (…) Và mỗi quốc gia lại có mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc.”

Giới quan sát cũng cho rằng đề xuất này không mang nhiều tính khả thi, thậm chí là “thiếu khôn ngoan về mặt chiến lược”, như nhận định của bà Kelly Grieco, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Stimson Center. Theo bà, hầu hết các quốc gia, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á, “không muốn phải chọn phe trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung” và quan trọng hơn là “họ không cần phải chọn”. Các quốc gia châu Âu thường có chung biên giới đất liền, “nên họ có chung mối đe dọa và họ coi an ninh quốc gia của mình gắn bó chặt chẽ với số phận của các nước láng giềng“. Nhưng châu Á thì khác. Bà Grieco còn nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực tạo ra một “NATO châu Á” gần như chắc chắn sẽ phản tác dụng”, vì  “nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, có xu hướng ‘dị ứng’ với các liên minh.” Do đó, dự án nói trên có thể khiến các quốc gia thêm xa lánh Mỹ và Nhật, trong khi những nước này lại có vai trò chiến lược trong việc cân bằng với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. 

Kenneth Weinstein, chuyên gia tại viện nghiên cứu Hudson, gọi liên minh “NATO châu Á” là “một giả định liên minh chiến lược không tồn tại ở châu Á”. Theo ông Weinstein, dù Mỹ, Úc, Nhật Bản đều là đồng minh và Philippines  năm nay cũng xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, nhưng vẫn có “quá nhiều điểm yếu mà Trung Quốc có thể lợi dụng để làm suy yếu sự đoàn kết cần thiết cho phòng thủ tập thể” giữa các quốc gia. Bà Sheila Smith, một chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, thì đặt câu hỏi liệu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có đủ khả năng đóng góp vào an ninh tập thể trong khi vẫn phải đảm bảo việc phòng thủ cho chính nước này.

Có giải pháp khác khả thi hơn ?

Việc thiết lập một liên minh NATO châu Á hiện nay được đánh giá là khá xa vời, nhưng không phải là không có các giải pháp liên minh khác đơn giản và dễ thực hiện hơn. Ông Michael Green, đặc trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời tổng thống George W. Bush, cho rằng ý tưởng về một thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ – Nhật – Úc “không phải là điều quá viển vông”. Trích dẫn kết quả của một cuộc khảo sát các chuyên gia an ninh quốc gia được công bố vào tháng 4 vừa qua bởi Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney, ông Green cho biết có 55% người được hỏi ở Úc, 71% ở Nhật Bản và 59% ở Mỹ ủng hộ một hiệp ước an ninh ba bên.

Còn theo bà Sheila Smith, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, so với liên minh NATO châu Á, hiện tại con đường khả thi hơn là tích hợp các hoạt động tập thể của các đồng minh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như trên đất liền, trên biển, trong không gian, và cả trên không gian mạng. Bà cho biết : “Việc tạo ra mạng lưới giữa các đồng minh có lẽ là bước quan trọng hàng đầu để đảm bảo có sự kết hợp đúng đắn về năng lực giữa các nước, rồi sau đó có thể cân nhắc đến việc sử dụng chung những khả năng này” để phòng thủ. Về phần mình, chính tân thủ tướng Ishiba cũng từng thừa nhận rằng “con đường nhanh nhất là thêm Nhật Bản vào khối Hiệp ước An ninh quân sự Úc – New Zealand – Hoa Kỳ ANZUS để biến nó thành JANZUS”. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment