Nhật báo Le Monde trên trang nhất « đặt nghi vấn về năng lực quân sự của Iran ». Vụ bắn 200 tên lửa vào Nhà nước Do Thái trong đêm 01 rạng sáng 02/10/2024 đã cho thấy những thế mạnh và điểm yếu của kho vũ khí Iran.
Đăng ngày: 04/10/2024
Bất chấp hiệu quả hệ thống phòng không nhiều tầng – từ Vòm Sắt (Iron Dome), Chiếc Đũa Thần (Magic Wand) hay Mũi Tên (Arrow) – cùng với sự hỗ trợ từ hệ thống tên lửa bắn chặn của Mỹ, được phóng đi từ một vùng biển nằm giữa Địa Trung Hải và vịnh Oman, vài tên lửa Iran đã xuyên thủng hàng phòng thủ, đào nhiều miệng hố có thể thấy rõ.
Với cuộc tấn công này, Iran đã có thể chứng tỏ uy lực của kho vũ khí tên lửa, được phát triển từ năm 1983, trong suốt cuộc chiến tranh Iran – Irak (1980-1988) để chống Irak và sau này là để đối phó với Mỹ và Israel dưới bóng của lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng được siết chặt từ năm 2006 do chương trình phát triển hạt nhân của Teheran.
Theo Le Monde, kho tên lửa hiện nay của Iran ước tính có đến nhiều nghìn đơn vị với hơn một chục loại khác nhau, từ rốc-kết, tên lửa đạn đạo cho đến tên lửa hành trình… Số vũ khí này được chứa trong các hầm dưới lòng đất đôi khi sâu đến gần 500 mét.
Năm 2023, Iran còn tự hào sở hữu loạt tên lửa siêu thanh có tốc độ rất nhanh và cơ động, khó thể bắn chặn, một công nghệ cho đến giờ Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn làm chủ. Một trong số những tên lửa này, được đặt tên là Fattah, có tầm bắn từ 1.400 – 1.500 km, dường như đã được dùng trong cuộc oanh kích Israel ngày 01/10 vừa qua.
Tom Karako, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng kho vũ khí đa dạng, có thể là lớn nhất ở Trung Đông, và được xây dựng với sự « trợ giúp của nước ngoài », thực sự là một mối đe dọa cho Israel cũng như nhiều nước khác trong vùng, như Ả Rập Xê Út.
Kho tên lửa: Chiếc tủ kính che giấu khiếm khuyết
Tuy nhiên, kho vũ khí đạn đạo này vẫn chỉ là một chiếc tủ kính cho bộ máy quân sự, không đủ che giấu những yếu kém to lớn khác. Quân đội Iran vẫn chưa có được một phi đội tiêm kích hiện đại, thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không và bắn chặn tên lửa. Nhà nghiên cứu Heloise Fayet, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), còn ghi nhận, ngoại trừ lực lượng Vệ Binh Cách Mạng tinh nhuệ, quân đội Iran tuy đông đảo nhưng lại ít được huấn luyện, thiếu kinh nghiệm chiến trường.
Hiểu rõ những hạn chế của cỗ máy quân sự, Teheran từ lâu tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga. Vì một phần lý do này mà Iran đã hậu thuẫn quân sự cho cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga, bằng cách chuyển giao công nghệ sản xuất drone Shahed.
Đổi lại, Matxcơva sẽ giao chiến đấu cơ đời mới nhất Su-35, theo thỏa thuận được ký giữa hai nước vào tháng 11/2023. Tuy nhiên, Nga do dự trong việc nhượng cho Iran hệ thống tên lửa S-400, một hệ thống phòng không và bắn chặn tên lửa rất hiệu quả.
Giới quan sát có chung nhận định: Đối mặt với ưu thế trên không, Iran không có nhiều lựa chọn cho các phương án đáp trả có thể trong tương lai !
Xung đột Iran – Israel : Vị thế của Pháp tại Liban bị lung lay ?
Kết thúc phiên họp Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tối thứ Ba 01/10 tại điện Elysée, tổng thống Pháp trong thông cáo đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công mới của Iran vào Israel. Ông còn kêu gọi Hezbollah chấm dứt « các hoạt động khủng bố » chống Israel và người dân nước này, đồng thời mong muốn « Israel sớm ngưng các chiến dịch quân sự » tại Liban.
Trong thông cáo, phủ tổng thống Pháp còn cho biết đã huy động nhiều phương tiện quân sự ở Trung Đông nhằm ngăn chặn mối đe dọa Iran. Bộ trưởng Quân Lực Pháp, trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, cho rằng « an ninh của Israel là không thể đàm phán ». Hồi tháng 4/2024, Paris cũng « lững lờ » thừa nhận có một vai trò trong việc bắn chặn tên lửa Iran.
Theo Le Monde, Paris đang tìm cách tách rời các hồ sơ Iran và Liban, một chiến lược mà nhiều nhà quan sát đánh giá là khó thể thực hiện và có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực đóng vai trò trung gian của Pháp nhằm hòa giải Israel và Hezbollah, đã đưa ra ngay từng những ngày đầu của cuộc xung đột.
Nhà cựu ngoại giao Yves Aubin de La Messuzière giải thích: « Pháp tự cho là nhà trung gian hòa giải, nhưng thực tế không phải vậy. Pháp rất gần gũi với Liban dù rằng ảnh hưởng của Pháp ở nước này đã bị giảm đi rất nhiều. Việc đưa ra quan điểm rõ ràng ủng hộ Israel, ngay cả khi Pháp không phải lúc nào cũng đi theo Israel trong suốt cuộc chiến ở dải Gaza, sẽ gây ra những nhầm lẫn và đánh mất uy tín của Pháp trong giới truyền thông Liban và Ả Rập. »
Le Monde đặc biệt nêu lên một chi tiết khá thú vị: Paris thật sự bất ngờ về khả năng của tình báo Israel thâm nhập vào Hezbollah. Pháp lo ngại bị lôi vào một cuộc xung đột không thể kiểm soát được.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết : « Pháp đang bị mù quáng, do chất lượng tình báo Israel mới là điều sẽ định hướng các hành động trong tương lai của Israel. Pháp không có chút áp lực nào trong thế cân bằng này, Paris tiến dần theo những gì Mỹ và Israel nói về Iran. Trong một số giới cố vấn, ý tưởng đang lan truyền hiện nay là dường như Israel đang đưa chúng ta đến một thời điểm lịch sử, rằng đó là sự khởi đầu cho hồi kết của chế độ Iran. »