- Tác giả,Jonathan Head
- Vai trò,Phóng viên Đông Nam Á
- Bangkok
Đất nước Thái Lan đang chìm trong nỗi bàng hoàng: Ba ngày trước, 20 trẻ em và ba giáo viên đã thiệt mạng khi chiếc xe buýt chở họ bốc cháy dữ dội.
Đây được coi là một trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất của quốc gia Đông Nam Á này. Các nhà điều tra đã phát hiện một loạt những sai sót về an toàn, khiến một số người nhận định rằng chiếc xe buýt thực sự đã bị biến thành một “quả bom di động”.
Sự việc đã khiến cả đất nước Thái Lan – vẫn đang đau buồn trước sự ra đi của 23 người trên xe – đặt ra câu hỏi làm thế nào mà tai nạn ấy có thể xảy ra và liệu nó có thể tái diễn trong tương lai?
Đoạn video quay cảnh chiếc xe buýt, thời điểm sau khi tài xế đâm vào rào chắn bê tông và xe dừng lại, cho thấy những luồng lửa phun lên từ gầm xe, biến chiếc xe buýt thành một đám lửa chỉ trong vài phút, khiến những hành khách ngồi phía sau không có cơ hội thoát thân.
Các nhà điều tra phát hiện chiếc xe buýt này đã được cải tạo để chạy bằng khí thiên nhiên nén (CNG) với sáu bình khí được lắp hợp pháp ở phía sau. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện thêm năm bình khí khác được lắp trái phép dưới gầm phía trước xe buýt.
Cuộc điều tra cho thấy một ống dẫn khí từ một trong những bình khí phía trước đã bị vỡ do va chạm, khiến khí đốt rò rỉ và phát hỏa. Các hành khách bị mắc kẹt cũng dường như không thể mở được cửa thoát hiểm phía sau, mặc dù nguyên nhân cụ thể hiện vẫn chưa được làm rõ.
Chính phủ đã phản ứng bằng cách yêu cầu tổng kiểm định toàn bộ hơn 13.000 xe buýt công cộng và tư nhân chạy bằng CNG, đồng thời đình chỉ tất cả các chuyến xe buýt đường dài đưa đón học sinh.
Tuy nhiên, việc cải tạo để chạy bằng CNG chỉ là một trong nhiều sự thay đổi kể từ khi chiếc xe buýt được đăng ký lần đầu vào năm 1970.
Chiếc xe này là một chiếc “franken-bus” (được độ nhiều lần) với các bộ phận mới được lắp ráp thêm vào trong các lần khác nhau, và chỉ còn một vài phần khung gầm là nguyên bản.
Chiếc xe trước đây là xe hai tầng, nhưng khi quy định mới áp dụng giới hạn chiều cao do nguy cơ lật xe trong tai nạn, nó đã được hoán cải thành xe một tầng.
Hành khách vẫn ngồi ở tầng trên, còn tầng dưới được dùng để chứa tất cả các bình khí nhiên liệu. Cư dân mạng xã hội đã ví chiếc xe buýt này như một “quả bom di động”.
Những điều trên diễn ra bất chấp thực tế, trong 15 năm qua, Thái Lan đã dần đưa vào áp dụng các quy định về an toàn xe buýt theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên Hợp Quốc (UNECE), một cơ quan chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này còn chậm chạp và thiếu đồng bộ.
“Vấn đề là hầu hết các nhà sản xuất ở Thái Lan không thể đạt được tiêu chuẩn đó,” ông Sumet Ongkittikul, chuyên gia giao thông tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, đánh giá. “Vì vậy, việc triển khai quy định đã được trì hoãn lại để họ có thời gian bắt kịp.”
Hơn nữa, quy định chỉ áp dụng cho xe buýt mới, trong khi phần lớn xe buýt tại Thái Lan là xe đã qua sử dụng – ít nhất là một phần nào đó. Cải tạo khung gầm xe buýt cũ bằng cách lắp thêm thân xe mới là một ngành công nghiệp địa phương, nơi mà các tiêu chuẩn an toàn hầu như còn rất lạc hậu so với nhiều quốc gia khác.
Người ta ước tính rằng ít nhất 80% xe buýt kết nối giữa các thành phố ở Thái Lan thuộc diện xe cũ đã được độ lại.
“Một chiếc xe buýt mới, từ nhà sản xuất uy tín, rất đắt,” ông Sumet Ongkittikul giải thích. “Vì vậy, họ sử dụng khung xe cũ và thuê nhà sản xuất địa phương lắp thân xe mới vào, và chiếc xe đó được tính là xe cũ nên không bị áp các quy định mới.”
Ví dụ, quy định UN R118 của UNECE – yêu cầu nội thất xe buýt phải được làm từ vật liệu không cháy – đã được Thái Lan chính thức ban hành vào năm 2022, nhưng không áp dụng cho những chiếc xe buýt sản xuất trước thời điểm này hoặc những xe cải tạo từ khung gầm cũ.
Nếu chiếc xe buýt bị nạn hôm 1/10 mà sử dụng vật liệu ít cháy hơn thì có lẽ hậu quả của vụ cháy đã ít thảm khốc hơn.
Ngay cả những quy định rất ít ỏi áp dụng cho chiếc xe buýt gặp nạn dường như cũng đã bị vi phạm.
Theo cảnh sát, chiếc xe buýt này đã được kiểm định vào tháng 5 năm nay, nhưng họ tin rằng việc lắp đặt trái phép các bình khí nhiên liệu bổ sung được thực hiện sau thời điểm kiểm định.
Hai ngày sau vụ tai nạn, cảnh sát cho biết họ đã bắt quả tang chủ nhà xe đang cố gắng tháo các bình khí nhiên liệu lắp đặt sai quy cách khỏi năm chiếc xe buýt khác.
Công ty này đã bị đình chỉ giấy phép kinh doanh xe buýt và chủ xe bị buộc tội gây ra cái chết do sơ suất, đồng thời các tội danh hình sự khác cũng đang được xem xét.
Nhưng liệu vụ tai nạn này rốt cuộc có thúc đẩy thay đổi để cải thiện hồ sơ an toàn giao thông tồi tệ của Thái Lan hay không?
Thái Lan hiện đang triển khai Kế hoạch Tổng thể An toàn Giao thông Quốc gia lần thứ năm, nhưng chưa có nhiều tiến triển đáng kể.
Trong nhiều năm trời, Thái Lan nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất thế giới. Đã có thời điểm nước này xếp thứ hai.
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) cho thấy trong vòng 10 năm tính đến năm 2023, trung bình mỗi năm có 17.914 người tử vong do tai nạn giao thông.
Tại Vương quốc Anh, quốc gia có dân số tương đương, số ca tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 10 lần.
Bất kỳ ai thường xuyên di chuyển trên các tuyến đường ở Thái Lan đều có thể nhận thấy những hành vi lái xe nguy hiểm thường thấy ở nhiều tài xế.
Vượt quá tốc độ cho phép là điều phổ biến và hiếm khi bị xử phạt. Xe hơi lạng lách liên tục, chỉ cần một sai sót nhỏ là thành thảm họa. Xe thương mại thường chở quá tải, thiết kế kém và đèn chiếu sáng yếu. Người điều khiển xe máy thường không đội mũ bảo hiểm, nhiều hơn hẳn so với các nước láng giềng.
Một số người cho rằng nguyên nhân là do tham nhũng trong lực lượng cảnh sát. Số khác lại đổ lỗi cho quan niệm về nghiệp báo trong đạo Phật, khi cho rằng tai nạn xe cộ như vậy là do vận xui hơn là do thói quen xấu.
Mặc dù có những áp phích cảnh báo rõ ràng về mối nguy hiểm của việc lái xe sau khi uống bia rượu, nhưng chưa có chiến dịch an toàn giao thông nào được chính phủ Thái Lan triển khai một cách lâu dài và bền vững.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do phần lớn nạn nhân tử vong là người điều khiển xe máy và hành khách trên các xe buýt công cộng – ảnh hưởng tới những nhóm người có thu nhập thấp, không phải là các nhà hoạch định chính sách, những người thường lái hoặc được chở trên các phương tiện cao cấp có độ an toàn cao hơn.
Bất chấp những con số thống kê đáng báo động, an toàn giao thông đường bộ vẫn không được xem là vấn đề cấp bách và ít nhận được sự quan tâm từ công chúng.
Trong quá khứ, đã có nhiều vụ tai nạn kinh hoàng tương tự liên quan đến xe buýt đường dài, nhưng đến nay, độ an toàn của những phương tiện này hầu như không được cải thiện so với 10 năm trước.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Suriya Jungrungreangkit đã thông báo thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét mọi khía cạnh liên quan đến an toàn giao thông sau vụ tai nạn chết người hôm thứ Ba 1/10. Tuy nhiên, sáng kiến này không nhận được nhiều sự chú ý hay kỳ vọng.
Nếu sáng kiến này thực sự mang lại những cải thiện đáng kể và giúp giảm số ca tử vong hằng năm, thì đó sẽ là bước đột phá, thoát khỏi tiền lệ của những biện pháp kém hiệu quả vốn là đặc trưng của gần như tất cả những nỗ lực cải thiện an toàn giao thông đường bộ của Thái Lan cho đến nay.