Trung Quốc hành hung ngư dân Việt Nam: Phép thử ngoại giao cho ông Tô Lâm?

(Từ trái) Thuyền viên Võ Văn Thi, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên và thuyền viên Nguyễn Thương của tàu cá QNg 95739 TS
Chụp lại hình ảnh,(Từ trái) Thuyền viên Võ Văn Thi, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên và thuyền viên Nguyễn Thương của tàu cá QNg 95739 TS

Mỹ, Anh, Canada, Úc, Philippines… đồng loạt lên án việc lực lượng chấp pháp Trung Quốc đánh bị thương, tịch thu tài sản ngư dân Việt Nam vào ngày 29/9.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu đích danh tên Trung Quốc trong tuyên bố vào tối thứ Tư 2/10.

Tuyên bố của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ và thẳng thắn hơn những lần trước, gọi cách đối xử của Trung Quốc với các ngư dân là “thô bạo”.

Sự việc xảy ra vào ngày 29/9, khi lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) “trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.

Tuyên bố của Mỹ, Anh, Úc, Canada, Philippines đã đồng loạt được đăng tải vào ngày 4/10, hai ngày sau khi Việt Nam chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm.

Đáng chú ý, những ngày gần đây, báo chí nhà nước ở Việt Nam cũng đăng một số bài viết về những hành động nguy hiểm của Hải cảnh Trung Quốc, lên án hành động tấn công ngư dân Quảng Ngãi, gọi đây là hành động “phi pháp”.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông nói với BBC ngày 2/10 rằng vụ tấn công tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên nằm trong khu vực Đá Chim Én.

Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc.

Trong suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21, nơi đây là tâm điểm của nhiều xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong đó, trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 là một dấu mốc quan trọng, khi Trung Quốc hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này sau một trận chiến ngắn ngủi với Việt Nam Cộng hòa.

Trận hải chiến cách đây hơn 50 năm đã giúp Trung Quốc tạo lập những “tiền đồn” vững chắc, từ đó đẩy mạnh các yêu sách của họ trên Biển Đông. Cũng từ đó, Biển Đông trở thành một trong những nơi rất dễ phát sinh xung đột.

Quốc tế lên án

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào ngày thứ Sáu 4/10:

“Mỹ quan ngại sâu sắc trước thông tin các tàu chấp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có hành động nguy hiểm nhằm vào các tàu cá Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động nguy hiểm và gây bất ổn trên Biển Đông.”

Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew xem hành động đánh ngư dân Việt Nam là “đe dọa đến sự ổn định”. Ông tuyên bố vào ngày thứ Sáu 4/10:

“Chúng tôi quan ngại về các hành vi bạo lực đối với ngư dân Việt Nam tại khu vực Biển Đông.

Các hành vi đó đã gây nguy hiểm đối với người dân và đe dọa sự ổn định. Vương quốc Anh kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an toàn tại khu vực Biển Đông.”

Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil tuyên bố trên trang Facebook chính thức:

“Tôi rất lo ngại về sức khỏe và sự an toàn của các ngư dân Việt Nam liên quan đến vụ việc ngày 29 tháng 9 vừa qua, và các động thái của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các tàu dân sự đang hoạt động trên Biển Đông.”

“Các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, bao gồm những quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển #UNCLOS, là nền tảng cho các giải pháp hòa bình trong các tranh chấp. Các hành động ép buộc, đe dọa và bạo lực vi phạm luật pháp quốc tế, là mối nguy hiểm cho tất cả mọi người.”

Trên mạng xã hội X, Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski hôm 4/10 đã viết:

“Cực kỳ quan ngại liên quan đến thông tin lực lượng hàng hải của Trung Quốc làm ngư dân Việt Nam bị thương. Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS.”

Tuyên bố

Về phần mình, Philippines, đồng minh hiệp ước của Mỹ, đồng thời là quốc gia được xem là cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, đã lên tiếng khẳng định “ủng hộ Việt Nam trong việc lên án hành động quá đáng” của Trung Quốc.

Tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Eduardo M. Año vào ngày 4/10 nêu rõ:

“Chúng tôi kịch liệt lên án những hành động tàn bạo và phi pháp của lực lượng hàng hải Trung Quốc nhằm vào các ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9. Cuộc tấn công sai trái này đã làm 10 ngư dân bị thương và tài sản bị hư hại, là một hành động đáng báo động và không có chỗ đứng trong quan hệ quốc tế.”

“Sử dụng vũ lực nhằm vào những người dân đánh bắt cá là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và vi phạm phép tắc cơ bản của con người. Ngư dân, cũng như các nhân viên hàng hải, cần phải được bảo vệ, chứ không phải bị làm hại, trên biển khơi,” tuyên bố nêu rõ.

Bản đồ chín đoạn

Trung Quốc cho đến nay không có tuyên bố chính thức nào liên quan đến vụ đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa ngoại trừ phần trả lời Reuters vào ngày thứ Ba 1/10.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà không được chính phủ Trung Quốc cho phép và các cơ quan chính quyền Trung Quốc hữu quan đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến vụ tấn công ngày 29/9.

Trong khi đó, South China Sea Strategic Situation Probing Initiative (SCSPI), tổ chức nghiên cứu Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh, nêu nhận định trên X vào ngày 3/10 rằng:

“Chính vì chính phủ Việt Nam đã ra sức dùng các ngư dân Việt Nam để tạo cái gọi là tranh chấp trên quần đảo Paracel [tức Hoàng Sa – BBC] nên đã khiến họ gặp nguy hiểm.”

Tổ chức này cũng đưa ra tính toán rằng trong tháng 9/2024 đã có 14.983 tàu cá Việt Nam hoạt động trên toàn Biển Đông, giảm so với con số 15.557 tàu hồi tháng 8.

“Đối mặt với những ngư dân Việt Nam dùng dao, chĩa, gậy gộc, lực lượng chấp pháp bao gồm Hải cảnh Trung Quốc không có nhiều lựa chọn nhẹ nhàng. Hãy hỏi lực lượng chấp pháp của Malaysia và Indonesia, họ có nhiều kinh nghiệm đối phó với các ngư dân Việt Nam hơn Hải cảnh Trung Quốc”, SCSPI viết.

Phép thử cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?

Ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình
Chụp lại hình ảnh,Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (từ 18 đến 20/8/2024) đến Trung Quốc, vấn đề giải quyết bất đồng “tốt hơn” đã được đề cập trong phương hướng “6 hơn”

Vụ tấn công các ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19 đến 20/8.

Trong cuộc hội đàm với ông Tô Lâm vào ngày 19/8 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam “là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng”.

Tương tự, ông Lâm khẳng định Việt Nam “luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu” quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Vấn đề kiểm soát, giải quyết các bất đồng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những vấn đề hàng đầu.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc được công bố nhân chuyến thăm của ông Tô Lâm, vấn đề giải quyết bất đồng “tốt hơn” đã được đề cập trong phương hướng “6 hơn”.

“[…] kiên trì thực hiện phương hướng ‘6 hơn’, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc đạt được nhiều thành quả thực chất hơn nữa, nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.”

“Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực,” tuyên bố nêu rõ.

Cho đến nay trong ASEAN, Philippines là quốc gia duy nhất khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Philippines cũng thường công khai các va chạm trên biển và lên án mạnh mẽ Trung Quốc.

Cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề Trung Quốc rất khác Philippines.

Việt Nam luôn có các tuyên bố mang tính khuôn sáo, tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc trong các vụ việc mà Việt Nam không phải là nạn nhân của Trung Quốc. Chẳng hạn, khi Trung Quốc đẩy đuổi tàu của Philippines hồi tháng 6/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Hà Nội “theo dõi chặt chẽ” và “quan ngại sâu sắc”, cũng như kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại hòa bình.

Giờ đây, sau khi Việt Nam có những bước đi đầu tiên trong việc hợp tác an ninh hàng hải với Philippines, thì Philippines đã ngay lập tức lên án Trung Quốc mạnh mẽ trong vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tấn công, thể hiện sự sát cánh với Việt Nam. Đây có lẽ cũng là điều khó xử cho Việt Nam trong tương lai, trong một kịch bản giả định là tàu Trung Quốc có hành vi tấn công tương tự đối với tàu cá của Philippines.

Chụp lại video,Biển Đông: Vì sao Trung Quốc hành hung ngư dân Việt Nam?

Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam đã đi ngược lại với nội dung trong tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước vào ngày 20/8 và tiếp tục cho thấy Trung Quốc đang duy trì chiến lược “vùng xám”.

Trong những ngày qua, sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Tô Lâm đã tham dự các sự kiện của Liên Hợp Quốc, một số sự kiện tại Mỹ từ ngày 22/9 và có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Tô Lâm được cho vẫn đang kế thừa di sản nền ngoại giao “cây tre” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa các siêu cường.

Đã có nhận định cho rằng những gì ông Tô Lâm thể hiện từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, đặc biệt là qua các hoạt động và phát ngôn trong chuyến công tác tại Mỹ, có thể cho thấy ông sẽ trở thành một nhà lãnh đạo cởi mở hơn so với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài phát biểu dài 22 phút trong buổi tọa đàm ở Đại học Columbia vào ngày 23/9, ông Tô Lâm cũng chỉ rõ “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”.

Chưa rõ câu nói này mang ý nghĩa thực tiễn như thế nào nhưng đây được cho là dấu hiệu của một sự cởi mở hơn trong tư duy của nhà lãnh đạo có xuất thân từ ngành công an như ông Tô Lâm.

Viết trên mạng xã hội X vào ngày 3/10, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam lần này “mạnh hơn so với quá khứ”. Ông cũng lưu ý về thời điểm, đó là sau khi ông Tô Lâm thăm Trung Quốc và Mỹ.

“Trung Quốc không vui với tân lãnh đạo của Việt Nam và ông ta ít hữu hảo hơn với Trung Quốc,” Giáo sư Vuving nhận định trên mạng xã hội X.

Ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, vào ngày 11/9, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng đã đăng tải một video về “cách mạng màu” ở Việt Nam, tố cáo Trường Đại học Fulbright Việt Nam, vốn là một công trình hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Bài viết đi kèm video kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam cùng cảnh giác trước “cách mạng màu của các thế lực thù địch”. Lời lẽ như một sự dặn dò, có phần đe dọa, được nhiều người đánh giá là thông điệp nhắn gửi cho ông Tô Lâm trước khi ông tiếp xúc với phía Mỹ.

Có thể thấy, sau vụ Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014, Việt Nam đã có những bước đi thận trọng trong quan hệ song phương, đôi khi tránh gọi đích danh Bắc Kinh trong các vụ ngư dân bị tấn công, thay vào đó gọi “tàu lạ”, “tàu nước ngoài”, đồng thời đảm bảo ổn định chính trị trong nước.

Nhưng lần này Hà Nội đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng, trực diện.

Tiến sĩ Bill Hayton từ Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận xét trên X:

“Việt Nam có thể dễ dàng che đậy chuyện này nhưng họ đã phát đi thông điệp chống Trung Quốc mạnh mẽ và rõ ràng…”

Bài Liên Quan

Leave a Comment