Ngày 7/10, nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và gây quỹ từ thiện Nguyễn Thúy Hạnh đã mãn hạn tù. Gia đình bà Hạnh nói thời gian tới, bà sẽ tập trung điều trị bệnh ung thư.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 7/10 rằng vợ ông đã bị xét xử kín vào ngày 31/7/2024 về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa này, bà Hạnh bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù giam. Án tù của bà mãn hạn vào ngày 7/10 (cộng cả thời gian giam giữ trước khi kết án).
“Tôi mừng và vui lắm, tôi và Hạnh đã cùng nhau làm cuốn sách Truyện chim, tôi cố gắng in sách để tặng Hạnh ngày trở về,” ông Chênh nói với BBC.
Vào ngày 7/4/2021, bà Hạnh bị khởi tố, bắt tạm giam ngay trong tuần lễ mà Việt Nam có nội các mới, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính – một cựu trung tướng công an.
Theo gia đình bà Hạnh, việc tạm giam bà Hạnh đã bị quá hạn nhiều lần nhưng Cơ quan An ninh điều tra vẫn không đưa ra kết luận điều tra.
Tháng 4/2022, bà Hạnh bị đưa đi Viện pháp y tâm thần Trung ương để điều trị bắt buộc, sau khi được giám định mắc chứng rối loạn trầm cảm cấp tính.
Tới tháng 1/2023, bà bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 và bị đưa về trại tạm giam vào tháng 3/2023. Thời điểm đó, gia đình bà và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), đã lên tiếng về điều kiện giam giữ tồi tệ.
Ân xá Quốc tế ra thông cáo:
“Các nhà tù ở Việt Nam có tiếng là quá tải và không đáp ứng được mức tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu. Việc bà Nguyễn Thúy Hạnh bị là đích ngắm vì việc làm nhân đạo hỗ trợ những người đi tù oan là một điều oái ăm. Bà lẽ ra nên được tôn vinh và ủng hộ cho việc này – chứ không phải bị trừng phạt.”
Trong bài viết vào ngày 7/10 trên Facebook cá nhân, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng vợ ông mắc bệnh là “vì chế độ ăn uống vô cùng mất vệ sinh” trong trại tạm giam. Đồng thời, bệnh trầm cảm của bà Hạnh ngày càng trở nặng vì “chế độ khắc nghiệt của nhà tù”.
Ông Chênh tiết lộ chính căn bệnh này mà vợ ông đã “mấy lần tự tử nhưng bất thành” nên thời gian tới đây, bà Hạnh sẽ tập trung điều trị bệnh.
Một điều đáng chú ý là bà Hạnh bị giam ở Trại tạm giam số 2 (Hà Nội) nhưng trước khi được thả vài ngày, bà được chở sang một trại giam ở Thanh Hóa. Vì lẽ này mà nhiều người thân của bà Hạnh sáng nay đến Trại tạm giam số 2 đã không đón được bà.
“Có lẽ họ e sợ mọi người biết trước nơi Hạnh ra tù sẽ đến chào đón đông đúc. Thật ra gia đình cũng biết trước điều này, sợ họ gây phiền hà lại bí mật chở Hạnh bỏ đâu đó giữa đường nên hoàn toàn giấu kín bạn bè. Nào ngờ họ cẩn thận quá mức đã đưa Hạnh đi từ trước hai ngày. Quá sợ hãi, sợ hãi cả một người tù đã mãn hạn,” ông Chênh viết trên Facebook.
Trong buổi sáng 7/10, đón bà Nguyễn Thúy Hạnh mãn hạn tù còn có bà Bùi Thiện Căn – mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, và bà Thu Đỗ – vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương.
Bà Thu Đỗ nói với BBC rằng bà nhận được tin vào ngày hôm qua và cùng những người thân quen sắp xếp để đón bà Hạnh về sau khi bị giam hơn ba năm rưỡi.
“Chúng tôi rất vui mừng phấn khởi khi cô Hạnh được trở về nhà. Dù cô đang bệnh nhưng sáng nay trông thần sắc cô rất vui vẻ, lạc quan. Tôi cùng mọi người có mặt cũng là để thăm hỏi, động viên và chia sẻ với cô cùng gia đình.”
Bà Nguyễn Thúy Hạnh sinh năm 1963, là một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Bà là người sáng lập và điều hành Quỹ 50K – với mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả phí luật sư cho các nhà hoạt động xã hội. Sau đó, quỹ này tiếp tục duy trì để giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình họ. Quỹ 50K của bà Hạnh được nhận Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2019.
Năm 2016, bà Hạnh từng ra ứng cử với tư cách ứng viên độc lập cho ghế đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Vào tháng 1/2020, bà Hạnh còn gây chú ý khi dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền phúng điếu cho ông Lê Đình Kình – người được cho là có uy tín và sức ảnh hưởng đối với người dân Đồng Tâm và thiệt mạng trong vụ bố ráp của chính quyền rạng sáng ngày 9/1 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Tài khoản ngân hàng bà Hạnh sau đó bị Vietcombank phong tỏa số tiền hơn 500 triệu đồng phúng điếu dành cho ông Kình.
Bộ Công an sau đã đó ra thông cáo rằng tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh bị phong tỏa để điều tra và ngăn chặn hành vi mà phía công an gọi là “tài trợ khủng bố”, dù trong vụ án Đồng Tâm, những người liên quan bị khởi tố các tội danh gồm “giết người”, “chống người thi hành công vụ” chứ không phải tội “khủng bố”.
Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhưng lại không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng của quốc tế về nhân quyền.
Báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) xuất bản vào tháng 1/2024 và báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra mắt ba tháng sau đó đã đánh giá tiêu cực về bức tranh nhân quyền Việt Nam năm 2023.
“Ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo vẫn bị giam giữ vì thực thi một cách ôn hòa các quyền cơ bản của họ về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ. Nhiều người đã bị giam giữ và kết án tù dài hạn theo những quy định mơ hồ của Bộ luật Hình sự,” báo cáo của Liên Hợp Quốc viết.