Các cuộc tấn công khủng bố do Hamas thực hiện ở miền nam Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023 và phản ứng của Israel nhằm tiêu diệt phong trào Palestine ở Gaza đã đẩy Trung Đông vào vòng xoáy chết chóc. Hai tác nhân chính trong cuộc đối đầu này, phong trào Hamas của Palestine và cánh hữu theo dân tộc chủ nghĩa của Israel, luôn từ chối mọi kỳ giải pháp thương lượng về vấn đề Israel-Palestine trong hơn ba mươi năm qua.
Đăng ngày: 07/10/2024
RFI tiếng Việt giới thiệu một số phân tích của giới chuyên gia về hồ sơ nóng của khu vực Trung Đông.
Người dân Israel vẫn còn chưa thể quên được hình ảnh người tham gia lễ hội âm nhạc hoảng loạn bỏ chạy, các chiến binh lính biệt kích Hamas tràn vào thị trấn nhỏ bên biên giới với dải Gaza tàn sát, những khu dân cư bị cháy rụi. Người Palestine cũng sẽ không thể quên được hình ảnh những cuộc bắn phá ồ ạt của quân đội Israel dội xuống Gaza đẩy người dân ở dải đất này vào thảm cảnh nhân đạo.
Từ một năm nay, bạo lực điên cuồng đã biến cuộc xung đột Israel-Palestine thành địa ngục: Theo một thống kê của Israel, 1.289 người, bao gồm 815 thường dân, đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi, thiệt mạng trong các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023, ngoài ra 251 người bị Hamas đưa đến Gaza. Khoảng một trăm con tin đã được thả, đến giờ chỉ có khoảng sáu mươi người còn lại trong tay Hamas được cho là vẫn còn sống.
Trong khi đó tại dải Gaza, các chiến dịch quân sự của Israel đã làm gần 42.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Theo những số liệu này của Bộ Y tế Gaza, do Hamas quản lý từ năm 2007, hơn 14.000 trẻ em đã chết trên lãnh thổ Palestine từ tháng 10 đến đầu tháng 5.
Trong một bài phỏng vấn trên nhật báo Pháp Libération, Denis Charbit, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học mở Israel, tin rằng các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 càng làm cho hồ sơ Israel -Palestine bế tắc. « Người Israel và người Palestine đang nằm dưới sự kiểm soát của những nhà lãnh đạo tệ hại nhất mà họ từng biết từ một thế kỷ nay. Người ta nói đến « ngày mai », nhưng nếu Netanyahu tái đắc cử trong cuộc bầu cử tiếp theo, sẽ không có ngày đó nữa và nếu Hamas vẫn tồn tại, ngày đó càng không cho dù phong trào này có suy yếu. »
Trên một diễn đàn của le Monde đăng ngày 22/09/2024, nhà sử học Pháp Vincent Lemire nhận thấy dường như cả hai bên đều được gắn với một « hiệp ước thảm họa ». Theo ông « nhìn từ khía cạnh lợi ích riêng , Yahya Sinouar (lãnh đạo chính trị mới của Hamas) và Benyamin Netanyahu là những kẻ duy lý trí, tòng phạm và liên quan với nhau, họ có mọi lợi ích để cuộc chiến này tiếp diễn, đó là lý do tại sao mà ngừng bắn liên tục bị trì hoãn.”
Cuộc đua tranh chết người này vốn đẩy người Israel và người Palestine vào một cuộc chiến tranh bất tận. Phe dân tộc chủ nghĩa Israel và những thành phần Hồi giáo cực đoan Palestine gạt ra ngoài lề tất cả những tiếng nói kêu gọi hòa dịu trước mắt và chung sống hòa bình lâu dài.
Không thể có thỏa hiệp lịch sử
Nhà sử học Israel Shlomo Sand, một nhân vật cánh tả theo chủ trương hòa hữu vố vẫn hy vọng chung sống hòa bình giữa các tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc. Ở vào tuổi 78, ông nhận ra rằng : « Mọi cuộc xung đột dù đổ máu nhiều hay ít cuối cùng cũng phải kết thúc, nhưng giờ đây tôi cho rằng cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel sẽ không được giải quyết khi tôi còn sống ». Shlomo Sand là người từ lâu nay vẫn ủng hộ và đấu tranh cho một thỏa hiệp lịch sử dưới hình thức giải pháp hai Nhà nước, trong đó nhà nước Palestine và nhà nước Do Thái cùng tồn tại cạnh nhau. Nhưng giờ đây, ông tin rằng việc tiếp tục chiếm đóng Bờ Tây, nơi hiện có ít nhất 700.000 người Israel sinh sống, khiến viễn cảnh này trở nên bất khả thi.
Cùng phủ nhận giải pháp hai Nhà nước
Cách nay hơn 30 năm trước, tiến trình hòa bình Oslo đã dẫn đến cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin vào ngày 13 tháng 9 năm 1993. Kết quả này dường như đang mở đường cho sự ra đời của một nhà nước Palestine và một nền hòa bình của những người can đảm.
Được PLO và Công Đảng Israel ký kết, thỏa thuận nhanh chóng vấp phải sự chống đối kiên quyết từ Hamas và cánh hữu Israel. Ngay từ tháng 10 năm 1993, phong trào kháng chiến Hồi giáo đã phát động một chiến dịch tấn công chết người nhằm vào xe buýt, nhà hàng và chợ trên khắp Israel. Ngày 4 tháng 11 năm 1995, một người Do Thái có tư tưởng tôn giáo cực đoan đã ám sát thủ tướng Yitzhak Rabin. Cùng nhau, Hamas và phe hữu cứng rắn của Israel đã bóp chết một tiến trình hòa bình.
Ba mươi năm sau, cả hai phe vẫn không thay đổi. Đảng cực hữu Israel ngày nay vẫn mơ ước “chuyển” dân Palestine ở Bờ Tây và Gaza sang các nước Ả Rập. Hamas thì hứa sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi Jerusalem được giải phóng và chủ quyền của Palestine được xác lập “từ sông ra tới biển”.
Kể từ khi thành lập vào năm 1987, phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas đã chống lại các phong trào chính trị khác của Palestine, đặc biệt là Fatah của Yasser Arafat và Mahmoud Abbas, cũng như chính ý tưởng đàm phán.
Frédéric Encel, giảng viên tại Sciences Po Paris khẳng định : “Hamas chưa bao giờ có bất kỳ dự tính nào về giải pháp hai Nhà nước, bởi vì họ luôn phủ nhận (và tiếp tục làm như vậy một cách chính thức) không chỉ Nhà nước Israel mà còn cả quyền được coi là một dân tộc của người Do Thái. Từ khi ra đời, phong trào này đã tiến hành các hành động bạo lực, chẳng hạn như phá vỡ tiến trình Oslo trong những năm 1990. Hamas liên tục thực hiện các vụ sát hại bài Do Thái».
Nhà nghiên cứu địa chính trị này cho biết thêm, trong khi đó cánh hữu ở Israel đã trở nên cực đoan hóa đáng kể từ sự kiện Oslo 1993. “Netanyahu có một mục tiêu, đó là sẽ không bao giờ có một Nhà nước Palestine, không có ở Bờ Tây và về cơ bản, thậm chí không còn cả Gaza.”
Tệ hơn nữa, thủ tướng Israel còn lao vào canh bạc chết người. Frédéric Encel nhận định : “Trở lại nắm quyền sau cuộc chiến tranh ném đá Intifada lần hai của người Palestine vào năm 2009, ông Netanyahu còn thông qua Qatar ủng hộ Hamas về mặt kinh tế . Ông ta chịu phần lớn trách nhiệm đã duy trì sức mạnh cho một phong trào mà ông biết nó điên cuồng chống Israel, chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái và bài Do Thái. Đây là điều mà tôi gọi là nền chính trị tồi tệ nhất. Và cuối người ta luôn phải trả giá cho nền chính trị tồi tệ. Ngày nay, một bộ phận lớn người Israel vẫn oán thán Netanyahu đã không ngăn chặn được vụ khủng bố 07/10.
Trước các ý đồ và phương pháp thực hiện cực đoan của cánh hữu Israel và Hamas trong 30 năm qua, triển vọng về một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột Israel-Palestine càng trở nên xa vời hơn.
Vào ngày 7 tháng 10 này, nhiều người Israel đặt câu hỏi về sự tồn tại của nhà nước Do Thái trong trung và dài hạn. Nhiều người đang cân nhắc việc rời khỏi đất nước.
Nhà sử học Shlomo Sand cho rằng việc sau vụ 07/10, ông nhận ra rằng căn nguyên của cuộc xung đột đẫm máu này bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Israel với các nước Ả Rập năm 1948. Thế hệ hậu duệ của những người bị đẩy ra khỏi vùng đất quê hương của mình cách đây 75 năm cũng như cách đây 2000 năm đều vẫn không nguôi hận thù.
(Theo france24.com)