Miến Điện lần đầu tiên từ 3 năm nay cử đại diện dự thượng đỉnh ASEAN

AFP dẫn nguồn ngoại giao hôm nay, 08/10/2024, cho biết lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính năm 2021, chính quyền quân sự Miến Điện sẽ cử đại diện đến dự thượng đỉnh Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á -ASEAN.

Đăng ngày: 08/10/2024

Thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Miến Điện Aung Kyaw Moe (T) và các quan chức ngoại giao cao cấp của các thành viên ASEAN chụp ảnh kỷ niệm nhân khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 57 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Viêng Chăn, Lào, ngày 25/07/2024.
Thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Miến Điện Aung Kyaw Moe (T) và các quan chức ngoại giao cao cấp của các thành viên ASEAN chụp ảnh kỷ niệm nhân khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 57 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Viêng Chăn, Lào, ngày 25/07/2024. REUTERS – Chalinee Thirasupa

Anh Vũ

Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi năm 2021, Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á đã quyết định tẩy chay, không mời lãnh đạo chính quyền quân sự Miến Điện dự thượng đỉnh ASEAN hàng năm.

Kỳ thượng đỉnh ASEAN năm nay được tổ chức tại Vientian, Lào bắt đầu từ ngày mai 09/10. Đặc biệt gần đây, chính quyền Miến Điện bị suy yếu về mọi mặt, kinh tế, chính trị.

Từ ba năm nay, Miến Điện đang lún sâu thêm vào khủng hoảng với các cuộc xung đột vũ trang bùng lên dữ dội giữa các nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy với quân đội chính phủ. Chính quyền quân sự Miến Điện vẫn phớt lờ các đề nghị của ASEAN nhằm tháo gỡ khủng hoảng. Vào lúc gặp khó khăn chính quyền quân sự có thể xem xét lại lập trường của mình, một nhà ngoại giao tại hội nghị cho AFP biết.  

Lần đầu tiên từ ba năm qua, Miến Điện chấp nhận cử một « đại diện phi chính trị », điều kiện duy nhất được ASEAN chấp nhận tại các kỳ họp thượng đỉnh bởi vì các tướng lĩnh nắm quyền bị tẩy chay từ kỳ họp tháng 10/2021.

Các phóng viên AFP quan sát thấy có thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Miến Điện Aung Kyaw Moe, hôm nay đã dự cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN.

Quyết định cử đại diện tham dự thượng đỉnh ASEAN được đưa ra hai tuần sau khi được chính quyền quân sự Miến Điện bất ngờ mời các nhóm vũ trang đối kháng chấm dứt giao tranh để đối thoại hòa bình. Tuy nhiên các nhóm vũ trang được AFP hỏi, cho biết đã bác bỏ đề nghị đó.

Theo Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, cuộc xung đột tại Miến Điện đã làm ít nhất 5.300 thường dân bị chết, hơn 3,3 triệu người phải di dời và hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Các cuộc thảo luậnvề khủng hoảng Miến Điện diễn ra vào đầu tháng 10 tại Jakarta theo sáng kiến ​​của Indonesia, với sự tham gia của đại diện ASEAN, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc, cũng như phe đối lập ở Miến Điện.

Trung Quốc, một trong số ít nước ủng hộ Miến Điện trên trường quốc tế, cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột đang hoành hành ngay sát biên giới, đồng thời cam kết không can thiệp vào “công việc nội bộ” của nước này.

Trung Quốc, cũng như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ tham gia các cuộc họp song phương ASEAN+1 (ASEAN với các đối tác), dự kiến ​​diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment