Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp, hai nước Việt và Pháp đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã kết thúc chuyến thăm chính thức tới Pháp vào tối 7/10.
Đây có thể là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông trên cương vị nguyên thủ quốc gia, vì tới cuối tháng 10, Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước mới, và dự kiến ông Tô Lâm sẽ chỉ giữ chức vụ lãnh đạo đảng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, vào ngày 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Élysée, Paris, tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có cấp bậc quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất trong thang bậc ngoại giao của Việt Nam.
Vị thế của ông Tô Lâm
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với tám quốc gia: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Úc (2024) và Pháp (2024).
Một số nhà quan sát nhận định rằng Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phần nào giúp nhà lãnh đạo mới của Việt Nam củng cố uy tín của mình ở trong nước và quốc tế.
Đồng thời, việc thêm Pháp – một thành viên của EU – vào danh sách các nước có quan hệ cao nhất với Việt Nam sẽ giúp cho ông Tô Lâm thể hiện rằng ông vẫn duy trì chính sách ngoại giao cây tre lâu nay, như người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Các bài phát biểu của ông Tô Lâm đến các nguyên thủ quốc gia các nước và ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc luôn khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Trong nhiều năm qua, với chính sách ngoại giao cây tre, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU và khối ASEAN nhằm đảm bảo sự cân bằng an ninh và phát triển kinh tế cho chính mình.
Sau khi được bầu làm tổng bí thư vào ngày 3/8, ông Tô Lâm đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam, với việc giữ cả hai cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Trên cương vị tổng bí thư, chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã liên tục có những chuyến công du nước ngoài, đầu tiên là Trung Quốc (18-20/8), rồi chuyến công tác tại Mỹ để dự các sự kiện của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (22-25/9), Cuba (26-27/9), Mông Cổ (30/9-1/10), Ireland (1-3/10) và dự hội nghị khối Pháp ngữ và thăm Pháp (3-7/10).
Trong đó, trừ Mỹ ra thì các quốc gia còn lại đều là các chuyến thăm chính thức hoặc cấp nhà nước của ông Tô Lâm.
Những chuyến công du nước ngoài của ông Tô Lâm, nhất là đến các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc, được đánh giá là “bài sát hạch”bởi hồ sơ lãnh đạo của ông khá mỏng.
Ông Tô Lâm được biết đến nhiều với vai trò bộ trưởng Công an trong hơn 8 năm. Ông được bầu làm chủ tịch nước vào tháng 5/2024, sau các biến động đột xuất về nhân sự lãnh đạo. Chỉ ba tháng sau, ông lên làm tổng bí thư, cũng sau một biến cố là cái chết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên có thể thấy ông ít kinh nghiệm trong bang giao quốc tế.
Ở cương vị lãnh đạo Bộ Công an, ông là tư lệnh cao nhất, có thể ban lệnh xuống cho cấp dưới thực hiện.
Ở vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông phải xử lý khôn khéo nhiều mối quan hệ, nhiều nhiệm vụ. Về đối nội, ông phải tạo dựng được sự đồng thuận trong đảng, tạo dựng được lòng tin nơi người dân. Về đối ngoại, ông được kỳ vọng phải có khả năng xử lý các mối quan hệ quốc tế và giao thiệp với các cường quốc lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, những chuyến công du nước ngoài vừa là phép thử về khả năng ngoại giao, vừa là cơ hội để ông củng cố “quyền lực mềm”.
Việc tăng tần suất xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế sẽ giúp cho ông Tô Lâm có được cơ hội tạo ấn tượng lâu dài trong mắt của công chúng, đồng chí của ông ở trong nước, cũng như vị thế của ông ở ngoài nước.
Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) từng nhận định với BBC rằng cách ông Tô Lâm giao thiệp với hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ, cũng như cách ông ấy xoay xở trong vùng biển đầy sóng gió của các mối quan hệ quốc tế sẽ giúp ông tạo ấn tượng lâu dài trên cương vị lãnh đạo quyền lực của mình.
Ở Trung Quốc, ông Tô Lâm đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp long trọng với nghi thức cấp nhà nước. Một số chuyên gia nhận định điều này giúp Tô Lâm củng cố vị thế chính trị của mình và là một “lá phiếu tín nhiệm” mà ông Tập dành cho người đồng cấp Việt Nam.
Tại Mỹ, ông Tô Lâm cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Các chuyên gia nhận định, dù không phải chuyến thăm Mỹ chính thức, các hoạt động tại Mỹ đã giúp Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của mình và thể hiện việc Mỹ luôn coi trọng Việt Nam.
Với việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Pháp, một nước lớn trong khối EU, vị thế và “quyền lực mềm” của ông Tô Lâm dường như tiếp tục được khẳng định.
Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước mới vào tháng 10 này và khả năng ông Tô Lâm sẽ không còn giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia mà chỉ còn là tổng bí thư. Như vậy, ông Tô Lâm có thể sẽ chỉ tập trung lo công việc của Đảng. Công tác đối ngoại cũng như những chuyến công du như những tháng qua của ông sẽ hạn chế.
Hợp tác với Pháp về gì?
Tuyên bố chung của Việt Nam và Pháp đề cập đến việc làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường và tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Cũng như những nước phương Tây khác, trong quan hệ Việt – Pháp, quốc gia châu Âu cam kết tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và đặc biệt là thể chế chính trị của mỗi bên.
Việt Nam và Pháp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác an ninh – quốc phòng và xem đây là một trong những trụ cột quan trọng, hứa hẹn sớm tổ chức Đối thoại chiến lược an ninh – quốc phòng và phối hợp giữa hai nước.
Về mặt quân sự, Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự Pháp cập cảng Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam, nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước.
Nếu đối với Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ với Pháp là củng cố chính sách ngoại giao đa phương của mình thì về phía Pháp, mối quan hệ này nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này, nhằm tìm cách tăng cường ảnh hưởng của Pháp trong khu vực và phục vụ cho lợi ích của Pháp, chẳng hạn như tự do hàng hải.
Pháp cho biết sẽ tham gia tích cực, sâu rộng hơn vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một khẩu hiệu mới được đưa ra và quảng bá dưới thời ông Tô Lâm, được báo chí Việt Nam dịch ra tiếng Anh là “an era of the nation’s rise” (trong đó từ “rise” có nghĩa là “sự vươn lên”, “cao lên”, “dâng lên”).
Ông Tô Lâm đã dùng cụm từ này xuyên suốt các bài phát biểu quan trọng trong và ngoài nước của mình. Ví dụ như ở bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại Đại học Columbia và trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Có thể hiểu, ông muốn xây dựng dấu ấn lãnh đạo của mình với khẩu hiệu này.
Về kinh tế – thương mại, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam, khuyến khích các cơ quan doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Việt Nam bày tỏ mong muốn Pháp sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Báo chí Việt Nam đưa tin Tổng thống Macron khẳng định sẽ sớm đề nghị Quốc hội thông qua hiệp định EVIPA. Tổng thống Pháp đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng – JETP và chuyển đổi xanh.
Về hợp tác đa phương, Việt Nam và Pháp đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, cam kết thúc đẩy quan hệ Pháp với ASEAN cũng như quan hệ giữa EU – ASEAN.
Hai bên cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông, tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Đã có nhận định cho rằng những gì ông Tô Lâm thể hiện từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, đặc biệt là qua các hoạt động và phát ngôn trong chuyến công tác tại Mỹ, có thể cho thấy ông sẽ trở thành một nhà lãnh đạo cởi mở hơn so với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Liên quan đến các vấn đề quốc tế, hai nhà lãnh đạo Pháp và Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine. Trước đó, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Tô Lâm đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Gaman Oleksandr nói với BBC News Tiếng Việt rằng đây là một cộc mốc quan trọng và là cử chỉ thân thiện mà Ukraine vô cùng trân trọng.