Hôm qua, 08/10/2024, Philippines tố cáo hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng, tấn công vào tàu tiếp liệu cho ngư dân của nước này tại bãi cạn Scarborough, Biển Đông. Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là “biện pháp” áp dụng đối với các tàu xâm nhập vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Vụ việc diễn ra vào lúc ASEAN họp thượng đỉnh tại Lào, và căng thẳng tại Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận chính.
Đăng ngày: 09/10/2024
Trong một thông cáo được Reuters trích dẫn, Cục Thủy sản và Tài nguyên nước (BFAR) của Philippines cho biết 3 tàu tuần duyên và một tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi và đến gần 2 tàu Philippines (BRP Datu Cabaylo và BRP Datu Sanday ) đang tiếp tế như thường lệ cho ngư dân gần bãi cạn Scarborough, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này hôm 08/10/2024. Các tàu của Trung Quốc đã cố “cản trở nhiệm vụ”, phun vòi rồng ngăn cản hoạt động của các tàu của Philippines, “nhưng không tiếp cận được” các tàu của Philippines. Phía Manilla đã lên án hành động “nguy hiểm” của Bắc Kinh.
Người phát ngôn của Hải quân Philippines, phó đô đốc Roy Vincent Trinidad, trả lời báo giới, cũng cho biết 190 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bao gồm 28 tàu tuần tra, tàu của cảnh sát biển và Hải quân Trung Quốc gần bãi cạn Second Thomas, Sabina và Scarborough.
Tàu Trung Quốc mở vòi rồng tấn công tàu Philippines
Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên của cảnh sát biển Trung Quốc, ngay lập tức đã ra tuyên bố, “kêu gọi Philippines chấm dứt các hành vi vi phạm” chủ quyền, “xâm phạm lãnh thổ nước này ở bãi cạn Scarborough, và phản ứng của Bắc Kinh chỉ là “biện pháp kiểm soát”.
Vụ việc xảy ra cùng ngày khi Philippines bắt đầu cuộc thao dượt hải quân Sama Sama 2024, với sự tham gia của Canada, Úc, Nhật Bản, Pháp và Hoa Kỳ, với các tàu BRP Jose Rizal (FF-150), BRP Waray (LC-288), BRP Nestor Reinoso (PC 380), HMCS Vancouver (FFH-331), USS Howard (DDG-83), và nhiều máy bay tuần tra và tìm kiếm cứu nạn do Hoa Kỳ và Nhật Bản điều đến.
Bãi cạn Scarborough, được đặt theo tên một con tàu Anh mắc cạn tại khu vực này gần ba thế kỷ trước, là một trong những điểm nóng về tranh chấp chủ quyền và quyền đánh bắt cá ở biển Đông (biển Tây theo cách gọi của Philippines).
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, gây tranh chấp với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.