Các nhà khoa học phát hiện một loài cóc mới ở Việt Nam

2024.10.09

Các nhà khoa học phát hiện một loài cóc mới ở Việt Nam

Đèo Ô Quy Hồ ở tỉnh Lai Châu năm 2015 (minh họa)

 REUTERS/Kham

Các nhà khoa học từ tổ chức Indo-Myanmar Conservation mới đây công bố việc phát hiện một loài cóc có răng được tìm thấy ở núi Pờ Ma Lung thuộc dãy Hoàng Liên, tỉnh Lai Châu, đưa tổng số loài cóc có răng được biết đến trên thế giới tính đến lúc này lên 21 loài.

Theo thông tin của các nhà khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học của thế giới, loài cóc lưỡng cư mới được phát hiện thuộc chi cóc có răng có tên khoa học là Oreolalax. Loài cóc mới được phát hiện được các nhà khoa học đặt tên là cóc răng núi Po Ma Lung. Trước đó loài cóc có răng có tên Sterling cùng chi Oreolalax cũng được phát hiện tại địa điểm này.

Các nhà khoa học phát hiện ra loài cóc mới này trong chuyến đi nghiên cứu vào tháng 8/2023. Loài cóc mới có một hàng răng nhỏ trên vòm miệng. Loài lưỡng cư mới được mô tả này được bao phủ bởi các đốm đen, kem và xám và có một số đặc điểm độc đáo, bao gồm một nếp gấp da hẹp phía sau mắt, một họa tiết đốm rõ rệt trên bụng và mống mắt hai tông màu bắt mắt.

Giới chuyên môn mô tả việc tìm ra loài cóc mới này là một “chiến thắng” dành cho khu vực được mệnh danh là “điểm nóng về ếch” ở Việt Nam.

Các nhà khoa học cho biết dãy Hoàng Liên của Việt Nam hiện có khoảng hơn 80 loài lưỡng cư đặc biệt, phần đông trong số này đang bị nguy hiểm và không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới.

Hơn một nửa trong số những loài cóc có răng được tìm thấy cho đến nay đang bị cho là phải đối mặt với nhiều nguy cơ do nơi sinh sống của chúng bị tàn phá do nạn lấy gỗ, phát triển du lịch và sự xâm nhập của các loài động vật khác. Phát hiện loài cóc mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn các khu vực nơi các loài cóc này sinh sống, các nhà khoa học cho biết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment