- Trần Thế Kỷ – 9 tháng 10, 2024
(Hình minh họa: Marco Zuppone/Unsplash)
1.
Giữa lúc quân đội Israel đổ bộ vào miền Nam Liban, Thủ Tướng Israel là ông Benjamin Netanyahu tuyên bố sự thay đổi chế độ đang đến với đất nước Iran, và rằng Iran đang bị cai trị bởi những nhà thần quyền cuồng tín.
“Sự thay đổi đó sẽ đến sớm hơn nhiều so với mọi người nghĩ,” ông Netanyahu nói, và ông kêu gọi người dân Iran hãy ủng hộ nhà nước Do Thái.
Có thể nói khi ra thông điệp cứng rắn đó, Thủ Tướng Netanyahu có ý “chộ” tinh thần giới lãnh đạo Iran, khiến nước này ít nhất là phải dừng ngay mọi hỗ trợ cho Hezbollah cũng như mọi phe phái kình địch với Israel ở Trung Đông, nếu không muốn bị Israel tiêu diệt.
Đáp lại bức thông điệp mà ông Netanyahu gởi tới người dân Iran, nhà cầm quyền Iran đứng đầu là TT Pezeshkian tuyên bố sẽ không triển khai lực lượng tấn công Israel. Điều này cho thấy Tehran có ý e dè bức thông điệp của ông Netanyahu.
Iran vốn được xem là nhà nước theo nền dân chủ thần quyền. Trong nền dân chủ này, tổng thống không phải là vị trí quyền lực nhất trong hệ thống chính trị. Người thực sự nắm quyền lực cao nhất ở Iran là lãnh tụ tối cao, vị trí được một hội đồng tăng lữ chỉ định, có nhiệm kỳ suốt đời và có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề, từ đối nội, đối ngoại đến quân sự và an ninh quốc gia.
Có thể nói mối lo của Tehran lúc này không phải là sự tồn tại của Hezbollah khi phe này đang bị Israel ra sức triệt hạ, mà chính là sự tồn tại của nhà nước Hồi giáo Iran.
2.
Ông Trump cáo buộc Google chỉ hiển thị những bài viết tích cực về bà Harris nhưng lại hiển thị toàn chuyện xấu về ông.
Ông Trump cho rằng Google đã can thiệp trắng trợn vào cuộc bầu cử, và đe rằng nếu thắng cử thì ông sẽ kiện gã khổng lồ công nghệ này. Mặc dù vậy ông lại không đưa ra bằng chứng nào cho cáo buộc của mình.
Về phần mình, Google phủ nhận cáo buộc của ông Trump, cho rằng mình trong sáng. Không rõ giữa ông Trump và Google, ai trong sáng hơn nhỉ.
Trong khi đó, tờ New York Times ủng hộ bà Harris trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Theo NYT, ông Trump không phù hợp làm tổng thống. Và dù nói rằng bà Harris “không phải là ứng viên hoàn hảo,” NYT lại cho rằng bà là “lựa chọn duy nhất.”
Cũng không có gì lạ. Từ 1956, NYT đã chưa từng ủng hộ ứng viên Cộng Hòa nào trong cuộc đua tổng thống.
Còn theo Reuters, Phố Wall vừa lo ngại về ông Trump, vừa cảnh giác với bà Harris. Các nhà điều hành Phố Wall lo rằng những chính sách của ông Trump sẽ tạo ra sự bất ổn về kinh tế, còn bà Harris lại là ẩn số lớn. Họ lo bà sẽ duy trì những qui định của chính quyền Tổng Thống Biden vốn không làm hài lòng các doanh nghiệp Phố Wall.
Mặt khác, theo thăm dò mới nhất của APIAVote, có tới 77% người Mỹ gốc Việt nói họ sẽ bầu cho bà Harris. Cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc giữa ông Trump và bà Harris đang được cho là rất sít sao. Liệu có quá lời không nếu bảo rằng nhờ đa số người Mỹ gốc Việt chọn bà Harris mà bà này sẽ là người thắng trong cuộc đua cam go này?
3.
Iran: Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei thề trả thù vụ Israel sát hại Nasrallah.
Vị Đại giáo chủ này tuyên bố việc báo thù cho lãnh tụ Hezbollah Nasrallah là không thể tránh khỏi và “máu của người tử vì đạo sẽ không bị lãng quên.” Việc Iran phóng hàng trăm tên lửa vào Israel tối ngày 1 Tháng Mười có lẽ là cách Ali Khamenei báo thù cho Nasrallah. Nhiều người tin rằng vị Đại giáo chủ làm thế chỉ để thỏa mãn cơn nóng giận nhất thời, hơn là để bắt đầu một cuộc chiến toàn diện với Israel, vốn được TT Pezeshkian gọi là “cuộc chiến không hồi kết.” Tehran nói Iran sẽ dừng tại đây nếu Israel không đáp trả. Điều này cho thấy Iran thực tâm không muốn có chiến tranh với Israel.
Bộ Ngoại giao Iran khẳng định “con đường của Nasrallah sẽ được tiếp tục và mục tiêu giải phóng Jerusalem vẫn là lý tưởng của Hezbollah và các lực lượng kháng chiến khác.” Vậy là tới giờ này Iran vẫn còn mơ tưởng chuyện “giải phóng Jerusalem thông qua Hezbollah và các lực lượng kháng chiến khác.” Liệu Hezbollah có giữ được mạng mình hay chưa trong khi đang bị Israel càn quét dữ dội, chứ ở đó mà mơ tưởng này kia. Cái gọi là lý tưởng giải phóng Jerusalem chỉ là chuyện nằm mơ giữa ban ngày. Và rằng cái mà Iran gọi là lý tưởng đó chỉ là cái mà họ tưởng có lý. Ảo tưởng chứ không phải lý tưởng.
Về phần mình, Ali Khamenei đã được đưa tới “một nơi an toàn” ngay sau cái chết của Nasrallah. Không rõ cái nơi được gọi là an toàn đó sâu bao nhiêu dưới lòng đất. Nhưng vị Đại giáo chủ này hẳn biết rằng Nasrallah ở dưới tầng hầm sâu 18m mà vẫn toi mạng đấy thôi.