GIÁO SƯ PHẠM HỮU TIỆP VÀ ĐỈNH CAO TOÁN HỌC

Nếu hôm qua Hàn Quốc tự hào có nhà văn được giải Nobel Văn học thì cũng ngày này có nhà Toán học Việt Nam đạt thành tựu tầm thế giới.

Đó là Giáo sư Phạm Hữu Tiệp (ĐH Rutgers, Mỹ), người mà giới Toán học và những người yêu mến Toán học đã quen thuộc tên tuổi từ rất lâu nay.

Liên tiếp trong thời gian ngắn, anh Tiệp và cộng sự đã giải quyết được hai vấn đề từng khiến các nhà Toán học bối rối trong nhiều thập kỷ.

Đó là chứng minh “Giả thuyết độ cao 0” của Richard Bauer (ra đời năm 1955) và một kết quả của “Lý thuyết Deligne-Lusztig” (ra đời năm 1976).

Cách đây 2 tháng, anh Tiệp đã công bố một nghiên cứu trên 2 tạp chí Toán học hàng đầu (1 trên Inventiones Mathematicae và 1 trên tạp chí Annals of Mathematics số tháng 7). Trong đó, anh giải thành công một bài toán khó được gọi là “Lý thuyết Deligne-Lusztig” (ra đời năm 1976).

Vừa qua, anh tiếp tục công bố một bài báo khoa học mới trên tạp chí Annals of Mathematics số tháng 9. Đây là chứng minh cho “Giả thuyết độ cao 0” – vấn đề Toán học đã tồn tại gần 7 thập kỷ, được đặt ra bởi nhà toán học người Mỹ gốc Đức Richard Brauer vào năm 1955.

Thành công này được đánh giá là đã cởi bỏ được một nút thắt vô cùng quan trọng trong lý thuyết nhóm đã tồn tại suốt 70 năm qua.

Trang khoa học Phys.org của Anh viết “Lời giải cho những vấn đề đã tồn tại quá lâu này có thể nâng cao hơn nữa hiểu biết của chúng ta về tính đối xứng của các cấu trục và vật thể có trong tự nhiên và khoa học, cũng như hiểu biết về hành vi lâu dài của nhiều quá trình ngẫu nhiên phát sinh học các lĩnh vực từ Hoá học và Vật lý kỹ thuật cho đến Khoa học máy tính và Kinh tế”.

Anh Tiệp sinh năm 1963, quê Nghệ An, ra Hà Nội sinh sống và học tập từ bé. Anh là cựu học sinh trường Chu Văn An, Hà Nội. Anh tham gia kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) tại Anh năm 1979, cùng năm với Lê Bá Khánh Trình và giành huy chương Bạc.

Theo một bài viết chân dung của Tiến sỹ Trần Nam Dũng, một cựu IMOer trên VnExpress năm 2017 thì, trong đội hình 4 học sinh dự thi IMO năm đó, anh Tiệp nhỏ tuổi nhất (16 tuổi) và nhẹ cân nhất, chưa đầy 35 kg. Khi kết quả kỳ thi công bố, thầy Lê Hải Châu, phụ trách đội tuyển, đánh giá: “Khi học thì nhất Tiệp nhì Trình, khi thi thì nhất Trình nhì Tiệp”.

Năm 1980, anh Tiệp sang học khoa Toán – Cơ, Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU, Liên Xô cũ). Tuy nhỏ bé, anh được bạn bè khâm phục bởi điểm thi luôn là 5 (xuất sắc), đạt giải nhất kỳ thi Olympic Toán sinh viên Matxcova năm thứ nhất và giải nhì cuộc thi công trình sinh viên toàn Liên bang năm thứ tư.

Sang Mỹ năm 1996, anh Tiệp từng công tác tại nhiều trường đại học như Đại học Ohio, Đại học Florida, và Đại học Arizona, cộng tác với Viện nghiên cứu khoa học Toán học (MSRI) Berkeley, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton… Đến nay, anh đã xuất bản 5 cuốn sách, có khoảng 200 công trình nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực của Toán học.

Từ nhiều năm nay, Giáo sư Phạm Hữu Tiệp được đánh giá là một trong những nhà Toán học làm việc hiệu quả nhất thế giới.

Với 2 thành tựu quan trọng liên tiếp gần đây như vậy, anh Tiệp đã ghi tên mình vào danh sách những nhà Toán học xuất sắc nhất thế giới.

Giải Nobel không có giải cho Toán học. Theo một giai thoại được rất nhiều người thích thú lan truyền là “do ông Nobel ghét các nhà Toán học nên không lập giải cho ngành này”. Nhưng mình thích lý giải (không nhất thiết phải đúng) của nhà thơ và dịch giả Nguyễn Huy Hoàng vừa viết hôm qua nhân Nobel Văn học, đại ý “Một cái to hơn không thể xứng đáng với một cái nhỏ hơn. Nếu bình phương một căn phòng rưỡi lên thì ta nhận được gì? Hai và một phần tư căn phòng? Nếu đấy là câu trả lời thì đấy cũng là lý do không có giải Nobel cho Toán học”.

Tóm lại, anh Tiệp sẽ không nhận được giải Nobel vì Nobel không có giải thưởng dành cho Toán học.

Anh cũng sẽ không nhận được giải Field như anh Ngô Bảo Châu vì giải này chỉ dành cho những người từ 40 tuổi trở xuống.

Nhưng anh sẽ nhiều khả năng nhận được giải Abel, được coi là giải “Nobel Toán học”.

Batigol

Bài Liên Quan

Leave a Comment