Mỹ và Việt Nam mở rộng hợp tác quốc phòng và các lợi ích an ninh chung, theo ông Jedidiah P. Royal, phó trợ lý thường trực của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu trong sự kiện Đối thoại Thường niên về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình Lần thứ ba của Viện Hòa bình Mỹ vào ngày 10/10, ông Royal nhắc lại việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội và tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 9/9/2023.
Bài viết trên website Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 10/10 cho biết ông Royal nhấn mạnh phần quan trọng trong hợp tác quốc phòng là tiếp tục giải quyết các hậu quả của Chiến tranh Việt Nam, bao gồm tìm kiếm người mất tích, cả các binh lính của Mỹ và Việt Nam, cũng như xử lý ô nhiễm dioxin và dọn dẹp bom, mìn, đạn chưa nổ.
Theo ông Royal, đã có khoảng 700.000 bom, đạn mìn chưa nổ đã được dọn dẹp.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Việt Nam đã giúp tìm kiếm được 700 người Mỹ chết trong chiến tranh và hỗ trợ hồi hương hài cốt.
Ông Royal cho rằng các hoạt động này đã giúp tạo niềm tin giữa hai quốc gia.
Hợp tác quân sự ngày càng được tăng cường giữa Mỹ và Việt Nam trong năm qua, bao gồm chuyến thăm của soái hạm USS Blue Ridge (LCC 19) của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ và tàu Tuần duyên Waesche tới cảng Cam Ranh từ ngày 8 đến 12/7, theo ông Royal.
Ông Royal cũng nhắc đến Chương trình Đối tác Thái Bình Dương và Thiên thần Thái Bình Dương đã hoàn thành sứ mệnh dài hai tuần với lễ bế mạc tại tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 30/8.
Về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Royal nhấn mạnh đến giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại, “không phải thông qua cưỡng ép hay xung đột”.
Vào ngày 9/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Lầu Năm Góc, bang Virginia.
Trong cuộc gặp cấp cao, ông Austin và ông Phan Văn Giang khẳng định lại tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác Mỹ-Việt và làm sâu sắc thêm hợp tác quốc phòng, bao gồm thương mại quốc phòng, công nghiệp quốc phòng và chia sẻ thông tin.
Vấn đề mua bán vũ khí được giới quan sát quan tâm đặc biệt trong cuộc gặp giữa hai lãnh đạo quốc phòng cấp cao của Mỹ và Việt Nam.
Thông cáo chính thức của hai nước nhân chuyến thăm của ông Phan Văn Giang đến Mỹ không đề cập đến vấn đề này.
Theo Reuters hồi tháng 7, Mỹ đang thảo luận với Việt Namvề việc bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130 Hercules cho Việt Nam.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng hai bên đang đàm phán để có thể đạt được thỏa thuận trong năm nay.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là thỏa thuận quân sự lớn nhất của Việt Nam kể từ khi công khai tuyên bố vào cuối năm 2022 về ý định đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng, vốn phụ thuộc rất nhiều vào Nga.
‘Nguy hiểm và phi pháp’
Trong hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam thì Trung Quốc là một đối tượng không thể không nhắc tới.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 12 đang diễn ra tại Lào, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN đã đưa mối quan hệ đối tác của chúng ta trở nên mạnh mẽ và sâu rộng hơn bao giờ hết.
“Chúng tôi tiếp tục lo ngại về các hành động ngày càng nguy hiểm và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, gây thương tích cho người dân và gây hư hại tàu thuyền của các quốc gia ASEAN, đồng thời đi ngược lại các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, theo tuyên bố của ông Antony Blinken.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đến Lào để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 chính thức khai mạc vào ngày thứ Tư 9/10 và bế mạc vào ngày 11/10 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra sau khi vào ngày 29/9, lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) “trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã viết trên mạng xã hội X vào ngày thứ Sáu 4/10:
“Mỹ quan ngại sâu sắc trước thông tin các tàu chấp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có hành động nguy hiểm nhằm vào các tàu cá Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động nguy hiểm và gây bất ổn trên Biển Đông.”
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 14/10.
Một nguồn tin tiết lộ với BBC rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với ông Hà Vĩ – tân Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam – để nói chuyện về việc Trung Quốc hành xử thô bạo đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Theo đánh giá của nguồn tin này, nếu vụ việc được đề cập với Thủ tướng Lý Cường vào chuyến thăm sắp tới đây thì cũng chỉ ở mức chừng mực, không nặng nề được.