11 tháng 10 2024
Vụ ông Y Quynh Bđăp, một nhà hoạt động nhân quyền, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, có nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam được quốc tế đánh giá là phép thử đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và với tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.
Trong nhiều thập kỷ, Thái Lan đã trở thành thiên đường cho những người chạy trốn chiến tranh và đàn áp chính trị ở các quốc gia trên khắp Đông Nam Á và nhiều nước khác.
Tuy nhiên, không có một sự bảo vệ chính thức nào từ chính phủ Thái Lan cho những người tị nạn.
Trong một số trường hợp, như của ông Bđăp, chính quyền Thái Lan hợp tác với các chính phủ nước ngoài để giam giữ và trục xuất những người bất đồng chính kiến, đổi lại các quốc gia này sẽ trục xuất các nhà hoạt động Thái Lan đang chạy trốn.
Nhưng với những diến biến mới trên chính trường ở cả Việt Nam và Thái Lan, vụ việc của ông Bđăp được nhìn nhận là cơ hội để lãnh đạo hai nước cho thấy họ tiến bộ hơn người tiền nhiệm trong vấn đề nhân quyền.
‘Sức ép từ Việt Nam’
Mặc dù Thái Lan và Việt Nam không có hiệp ước dẫn độ chung, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn yêu cầu Thái Lan dẫn độ Y Quynh Bđăp.
Ông Y Quynh Bđăp, tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018, đã bị tòa án ở Việt Nam xét xử vắng mặt và kết án 10 năm tù giam với tội danh “khủng bố”.
Ông bị cáo buộc tham gia lãnh đạo nhóm người nổ súng vào trụ sở chính quyền ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến chín người tử vong.
Chính phủ Thái Lan thừa nhận việc bắt giữ ông Y Quynh Bđăp hôm 11/6 là theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam.
Ông Phil Robertson, Giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA), nói với BBC Tiếng Việt rằng Việt Nam đã gây sức ép lớn lên Thái Lan trong vụ việc này.
Trong các phiên tòa xét xử ông Bđăp tại Bangkok, chính phủ Việt Nam đều cử cán bộ từ Bộ Công an tới dự.
Việt Nam được cho là còn có nhiều hành động chính trị khác sau hậu trường để gây sức ép buộc Thái Lan phải trục xuất Bđăp, theo ông Phil Robertson.
Kết quả là, sau một số phiên xét xử riêng biệt và sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án Hình sự Thái Lan hôm 30/9 đã ra lệnh bắt giữ để trục xuất ông Bđăp về Việt Nam.
Luật sư của ông Bđăp cho biết ông đã kháng cáo, với thời hạn theo quy định là 30 ngày.
Trong thời gian này, có một diễn biến mới đáng chú ý là Thái Lan đã giành chiến thắng hôm 9/10 để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, với số phiếu bầu cao nhất—177—cho nhiệm kỳ ba năm.
Nhiệm kỳ này được đánh giá là đóng vai trò then chốt để Thái Lan nâng cao vị thế của mình sau khi thành lập chính phủ mới do bà Paetongtarn Shinawatra đứng đầu.
Một số nhà quan sát nhận định rằng một tân thủ tướng cấp tiến và một ghế trong hội đồng nhân quyền là dấu hiệu tốt để hi vọng Y Quynh Bđăp sẽ không bị dẫn độ về Việt Nam.
Chưa rõ chính phủ Thái sẽ quyết ra sao, nhưng cũng trong chiều 9/10, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại Lào nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Tại cuộc gặp, ông Chính đã tái khẳng định tầm quan trọng trong việc “tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin trong đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động; bảo đảm không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia”.
‘Phép thử cho ông Tô Lâm’
Dưới thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam bị quốc tế đánh giá là “u ám”.
Cùng với chiến dịch Đốt lò, ông Trọng được cho là đã tăng cường các cuộc đàn áp lên giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự, thậm chí mở rộng đàn áp sang các nhà hoạt động môi trường.
Ông Phil Robertson nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông “không tin ông Tô Lâm sẽ làm bất cứ điều gì khác biệt với tư cách là chủ tịch nước, so với những gì ông đã làm với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công an.”
Ông lý giải:
“Ý tôi là, ông ấy là Bộ trưởng Bộ Công an khi toàn bộ quá trình điều tra vụ nổ súng ở Đắk Lắk và điều tra, kết án ông Y Quynh Bđăp diễn ra.”
“Ai đã bị tấn công, vụ tấn công diễn ra như thế nào, chuyện gì đã xảy ra? Có rất ít thông tin về điều đó. Những cáo buộc chỉ đơn giản là nhóm người đó bằng cách nào đó đã tham gia vụ án.
“Và thực tế là có rất nhiều lời thú tội cho tôi thấy rằng các bị cáo có thể đã bị đối xử rất tệ trong thời gian bị giam giữ vì, như chúng ta đã biết, tra tấn là một phần thường xuyên trong các kỹ thuật thẩm vấn của công an Việt Nam.
“Theo quan điểm của tôi, đây không phải là một hệ thống thực sự tập trung vào việc tìm ra sự thật. Trên thực tế, nó tập trung vào việc hiểu và tìm ra những người có thể bị đổ lỗi cho điều gì đó đã xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ông Tô Lâm tạo ra rất ít sự khác biệt so với người tiền nhiệm của ông.
“Tôi cho rằng ông ấy sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung vào vấn đề an ninh đối với Tây Nguyên, có nghĩa là đặc biệt tập trung vào truy đuổi cộng đồng người Thượng lưu vong, những người tị nạn đã chạy trốn sang Thái Lan và đang cố gắng tìm kiếm sự bảo vệ ở một quốc gia thứ ba.”
Một bài viết mới đây của ông John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW), hôm 23/9 cho rằng ông Tô Lâm nằm trong số các lãnh đạo có “hồ sơ nhân quyền tệ hại”.
Ông John Sifton nhắc lại rằng từ thời còn là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã “giám sát các cuộc đàn áp sâu rộng giới bất đồng chính kiến, với hàng trăm nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền đã bị bắt và giam giữ”.
Các nhà quan sát bình luận rằng, để thay đổi hình ảnh này, ông Tô Lâm thực sự phải chớp lấy vụ việc Y Quynh Bđăp, bãi bỏ các cáo buộc và rút lại yêu cầu dẫn độ và để ông Bđăp được trả tự do để sang định cư tại một nước mà ông Bđăp mong muốn.
Lý do là bởi ông Bđăp, theo phân tích của các chuyên gia nhân quyền, không thể bị dẫn độ về Việt Nam, do ông đã có quy chế tị nạn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, theo Công ước Quốc tế về Chống tra tấn, quốc gia nơi ông Bđăp tị nạn không được phép dẫn độ ông về nơi ông có nguy cơ bị đánh đập, tra tấn, thậm chí gặp nguy hại tới tính mạng.
Làm được điều này, nghĩa là Việt Nam và Thái Lan đều hiểu và tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền mà họ đã ký kết, theo các nhà phân tích.
‘Phép thử cho tân thủ tướng Thái Lan’
Vụ án Y Quynh Bđăp đồng thời là một phép thử đối với chính quyền Thái Lan, theo giới quan sát.
Ông Jeremy Laurence, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, nói với BBC hôm 10/4 qua email rằng: “Chính phủ Thái Lan vẫn giữ quyền quyết định theo Đạo luật Dẫn độ để xem xét các yêu cầu dẫn độ…”
Điều này có nghĩa là chính phủ Thái Lan hiện nắm toàn quyền trong việc có dẫn độ ông Bđăp về Việt Nam hay không, vì tòa án hôm 30/9 đã tuyên bố trao quyền quyết định cho chính phủ.
Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, nói với BBC News Tiếng Việt rằng trong thời gian ông Bđăp tị nạn tại Thái Lan, chính phủ Thái Lan đã ban hành Luật Chống tra tấn, trong đó nêu rõ rằng họ sẽ không trục xuất hoặc dẫn độ bất kỳ ai nếu người bị dẫn độ hoặc trục xuất đến quốc gia thứ ba có thể phải đối mặt với nguy hiểm hoặc bị đe dọa đến tính mạng.
Tuy nhiên, khi ra phán quyết dẫn độ ông Bđăp hôm 30/9, tòa án chỉ viện dẫn Điều 19 của Luật Dẫn độ.
Trong khi đó, với Luật Chống tra tấn, thẩm phán cho rằng nằm trong quyền lực của nhóm hành pháp nên họ sẽ không xem xét, theo lời luật sư Nadthasiri Bergman.
Luật sư Nadthasiri Bergman nói với BBC:
“Đây là một động thái đáng thất vọng. Trong vụ án này, tôi nghĩ rằng tòa án Thái Lan nên xem xét tất cả các luật liên quan đã ban hành trong nước và diễn giải luật theo cách bảo vệ quyền của người dân.
“Tôi hy vọng rằng tòa phúc thẩm sẽ xem xét vụ án này và sửa đổi phán quyết của tòa sơ thẩm.
“Tôi cho rằng việc giải thích luật phải nhằm bảo vệ quyền con người khỏi mối đe dọa đến tính mạng.
“Nếu Thái Lan dẫn độ Bđăp trở lại Việt Nam, điều này rõ ràng muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng Luật Chống tra tấn mà chúng tôi đã thông qua và ban hành là không có hiệu lực thi hành.
“Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu.”
Đối với tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, luật sư Nadthasiri Bergman nói rằng “bà khá lạc quan” vì thủ tướng “đã đưa ra một tuyên bố rất rõ ràng rằng bà muốn bảo vệ quyền của người dân”.
“Vì vậy, đây sẽ là trường hợp đầu tiên mà bà thủ tướng sẽ xem xét rằng nó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ quốc tế như thế nào. Không chỉ có mối quan hệ với Việt Nam mà còn có có mối quan hệ với cộng đồng quốc tế.”
Theo luật sư Nadthasiri Bergman, trong phạm vi quyền hạn của mình, tân thủ tướng Thái Lan có thể sử dụng lệnh hành pháp để tuyên bố trả tự do lập tức cho ông Bđăp mà không cần phải đưa vụ việc ra tòa tối cao.
“Nếu thủ tướng thực sự tôn trọng nhân quyền, tôi nghĩ bà ấy nên xem xét lịch sử những người Thượng theo đạo Thiên chúa đã bị đối xử thế nào và tại sao họ phải chạy trốn và tại sao họ trở thành người tị nạn.
“Nếu Y Quynh Bđăp – người tị nạn được UNHCR công nhận – bị trục xuất về Việt Nam, thì Thái Lan sẽ vi phạm rất nhiều luật, cả luật pháp Thái Lan như Luật Chống tra tấn, lẫn luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tra tấn, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, quyền tự do tôn giáo.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội để chính phủ Thái Lan cho thế giới thấy rằng họ thực sự tôn trọng nhân quyền và thực sự giữ lời hứa với Liên Hợp Quốc khi họ chạy đua để có ghế ở Hội đồng Nhân quyền,” luật sư Nadthasiri Bergman nói.
Ông Phil Robertson đặt ra câu hỏi rằng dù có hi vọng về một sự chuyển biến mới, nhưng vấn đề là thực quyền của bà Paetongtarn Shinawatra đến đâu.
“Trên thực tế, chúng tôi đã nghe từ nhiều đại diện khác nhau của chính quyền Pheu Thai rằng, nếu bạn biết ai đó là người tị nạn, hãy cho chúng tôi biết và chúng tôi sẽ không trục xuất họ.
“Như vậy, đã có một cam kết của Thái Lan trong việc chấm dứt sự đàn áp xuyên quốc gia mà các chính quyền tiền nhiệm của bà Paetongtarn Shinawatra từng thực hiện – đặc biệt là nếu người đó được UNHCR công nhận, như trường hợp của Y Quynh Bđăp.”
“Nếu Thái Lan trục xuất Bđăp thì họ đã phá vỡ lời hứa của mình. Và cho thấy rằng trên thực tế, họ không khác nhiều so với chính quyền quân sự trước đây, nơi đã thực hiện rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền đối với người tị nạn và người xin tị nạn ở đây.”
“Điều đó cho thấy rằng, thủ tướng mới, không sẵn sàng hành động để bảo vệ nhân quyền của những người tị nạn đã đến Thái Lan.”
Được đánh giá là “một kiểu nhà lãnh đạo thế hệ mới”, bà Paetongtarn Shinawatra được hi vọng là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định rằng Thái Lan không muốn đi theo con đường “đàn áp nhân quyền” của chính quyền quân sự trước đây của ông Prayut Chan-o-cha và ông Prawit Wongsuwon.
Tuy nhiên, bà Paetongtarn Shinawatra không quyết định dựa trên ý chí của bà. Bà được cho là hoạt động dưới cái bóng của cha bà.
“Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người hiện đã trở về Thái Lan, đang đóng một vai trò rất quan trọng ở hậu trường trong việc xác định những gì đang xảy ra với chính phủ này và những hoạt động và chính sách nào mà nó sẽ thực hiện,” ông Phil Robertson nói với BBC.