Biển Đông gây « xung đột » ngay cả trong cách đặt tên

Đăng ngày: 12/10/2024

Cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN với trọng tâm là Biển Đông, dấy lên câu hỏi có nên thống nhất cách gọi tên cho vùng biển tranh chấp ; Thế bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Liban ; Cuộc cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu, trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

In this image made from video provided by the Philippine Coast Guard, Philippine resupply vessel Unaizah May 4, center, is hit by two Chinese coast guard water canon blasts, causing injuries to multip
Tàu tiếp tế Unaizah của Philippines (ở giữa), bị hai vòi rồng của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bắn trúng, khiến nhiều thành viên thủy thủ đoàn bị thương khi đang tiến vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), trên biển Đông, ngày 05/03/2024. © AP/Philippine Coast Guard

Trong tuần vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 và 45 cũng như các thượng đỉnh ASEAN với các đối tác đã diễn ra tại Vientiane, Lào, quy tụ nhiều lãnh đạo trong khu vực và các đối tác quốc tế với trọng tâm về khủng hoảng ở Miến Điện và đặc biệt là căng thẳng tại Biển Đông.

Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra gần đây giữa tàu cá Trung Quốc với tàu cá của Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển chiến lược, gây tranh chấp với nhiều nước thuộc ASEAN, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia.

Một điểm đáng nói là vùng biển giàu tài nguyên này, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh mối liên hệ, đa dạng về lịch sử, văn hóa và địa chính trị của khu vực, theo nhận định của The Diplomat.

Biển Đông, Biển Tây, hay Nam Hải…

Việt Nam gọi là Biển Đông, nhấn mạnh đến những di sản về hàng hải, coi vùng biển này là một tuyến đường huyết mạnh cho trao đổi thương mại và văn hóa. Cách gọi của Việt Nam cũng gợi lên những thách thức yêu sách của Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Việt Nam có từ nhiều thế kỷ trước, bao gồm cả giai đoạn Bắc thuộc. Trong nhiều thế kỷ, vùng biển này được gọi là biển Champa, như một cách để công nhận sử kiểm soát của đế chế Champa ở miền trung Việt Nam và các khu vực quan trọng của miền đông Cam Bốt và Lào từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 15.

Nếu như Trung Quốc gọi vùng biển này là Nam Hải, để nhấn mạnh đến vị trí địa lý, nằm ở phía nam Trung Quốc, thì trong tiếng Anh, biển Đông được đặt tên là “South China Sea”. Đối với phương tây, “South China Sea” – “biển phía Nam Trung Quốc” phản ánh quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm, bắt nguồn từ thời thực dân, thể hiện mối quan tâm với việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, được coi là một đối tác thương mại lớn.

Philippines thì gọi là “biển Tây” được khởi nguồn từ động lực chính trị vào năm 2012, trước sự xâm nhập ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Sử dụng tên này cho thấy nỗ lực của Philippines trước những thách thức chủ quyền, và khẳng định lợi ích của mình trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Với cùng lý do, vào năm 2017, chính phủ Indonesia cũng đã công bố một bản đồ chính thức mới đổi tên một phần biển Đông nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình thành “Laut Natuna Utara” hay Biển Bắc Natuna. Sáng kiến ​​này xuất hiện sau nhiều lần tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập. Việc đổi tên này làm nổi bật mối quan tâm của Indonesia về quyền và chủ quyền của mình đối với EEZ xung quanh quần đảo Natuna.

Giáo sư Edmund Lin, giảng viên tại Viện nghiên cứu giáo dục quốc gia, thuộc Nanyang Technological University (Singapore), cho rằng “trước các tranh chấp hiện nay tại vùng biển tranh chấp mang nhiều tên gọi, chúng ta nên cân nhắc tìm ra một cái tên thay thế, thống nhất, để hợp tác và hiểu rõ hơn về khu vực này”. Nhà nghiên cứu đề xuất đặt ra một tên mới là “Biển Đông Nam Á”, một cái tên được công nhận vị trí địa lý và lợi ích chung, nhấn mạnh đến sự hợp tác hơn là cạnh tranh, làm nổi bật sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau.

“Một cái tên thể hiện tính bao hàm hơn” có thể thúc đẩy đối thoại và giảm căng thẳng, và có thể làm nền tảng cho các sáng kiến ​​hợp tác giải quyết các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, quyền đánh bắt và khai thác, cũng như an toàn và an ninh hàng hải.

Chi Phương

Bài Liên Quan

Leave a Comment