Kể từ thứ Sáu này, các nhà xuất xuất khẩu rượu Cognac ở châu Âu sẽ phải nộp một khoản « đặt cọc » trị giá khoảng 35 % giá trị các chai rượu xuất khẩu sang Trung Quốc cho hải quan Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, quyết định này là để chống tình trạng bán phá giá, được xem như biện pháp trả đũa về việc Bruxelles tăng thuế đối với các xe điện do Trung Quốc sản xuất được nhập vào khối.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm thông tin :
« Khoản đặt cọc tại hải quan Trung Quốc là để bù vào các khoản phụ phí có thể tăng trong tương lai. Đối với châu Âu, điều này làm phức tạp việc xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi vì các nhà xuất khẩu rượu cognac có nguy cơ phải tăng giá, và có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và giá trên thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên theo ông Yuan, làm việc cho doanh nghiệp Tai De, nhập khẩu rượu mạnh, quyết định này tác động không đáng kể đến hoạt động của mình. Ông nói : « Thật may là chúng tôi không bị ảnh hưởng. Chúng tôi xử lý rượu mạnh với số lượng lớn, hơn 200 lít, và chúng tôi nhập khẩu theo lô. Từ năm ngoái, thị trường đã không suôn sẻ, nhưng hiện đã cải thiện hơn. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là các nhà nhập khẩu các loại rượu thương hiệu lớn.
Một nhà kinh doanh khác thì giải thích rằng hiện nay hàng hóa trong kho đủ để bán cho người tiêu dùng Trung Quốc trong 3 năm tới, do vậy quy định mới này không tạo thành vấn đề trong ngắn hạn.
Một cuộc chiến tranh thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không phải là không tránh được.
Các căng thẳng về thuế liên quan đến xe điện và các sản phẩm như Cognac chỉ ra rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hai bên đều có các lợi ích kinh tế chung, nếu cuộc xung đột kéo dài thì sẽ gây hại cho cả hai. »