Nước mắt khóc con của người mẹ Mỹ, người mẹ Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam đều giống nhau

RFA
2024.10.11

Nước mắt khóc con của người mẹ Mỹ, người mẹ Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam đều giống nhau

Phiên toàn thể tại Đối thoại thường niên về Di sản chiến tranh và Hòa bình tại Viện Hòa bình Hoa kỳ, ngày 10 và 11 tháng 10, 2024

 RFA

Đối thoại thường niên lần thứ 3 về di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia được Viện Hòa bình Hoa Kỳ (The US Institute of Peace) thuộc Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức trong hai ngày 10 và 11 tháng Mười, 2024. Đến dự hội thảo lần này có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng, các quan chức ngoại giao Việt Nam và nhiều thượng nghị sỹ Hoa Kỳ như Chris Van Hollen, Young Kim, Tom Carper, các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ như Đại sứ Marc Knapper, cựu Đại sứ Ted Osius. 

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định không thể bỏ qua vai trò quan trọng của Viện Hòa bình Hoa Kỳ trong những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước. Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một cơ quan phi đảng phái và độc lập, do Quốc hội Mỹ thành lập với sứ mệnh hòa giải các xung đột, hàn gắn các vết thương chiến tranh trên thế giới, theo ghi nhận của ông Đại sứ, đã nỗ lực kết nối các bên, các đầu mối và các cá nhân khác nhau trong xã hội hai nước Việt Mỹ để đưa họ đến với nhau, làm việc cùng nhau và tạo ra những kết quả đầy ý nghĩa. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, trong khi việc tìm kiếm hài cốt binh sỹ Hoa Kỳ mất tích đạt được nhiều tiến triển thì việc tìm hài cốt binh sỹ Việt Nam mất tích chưa được như mong đợi. Đã 50 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc và các thi thể nằm trong lòng đất hơn nửa thế kỷ qua sẽ càng khó xác định danh tính bằng công nghệ DNA. Ông kể rằng vào tháng Năm 2024, ông đến thăm Trung tâm Xác định Căn cước người mất tích tại Hawaii, gần Trân Châu cảng. Tại cơ sở này, ông đã hiểu những yêu cầu cần có về mặt công nghệ và hậu cần để thực hiện sứ mệnh xác định danh tính của hài cốt người mất tích trong chiến tranh. Ông nói:  

“Trải nghiệm này giúp tôi nhận ra rằng cửa sổ cơ hội để để chúng ta tìm kiếm hài cốt còn lại của những người mất tích trong chiến tranh đang dần dần đóng lại. Ở Việt Nam, hài cốt những người lính hy sinh và mất tích trong chiến tranh bị tác động lớn bởi những thay đổi địa chất và kinh tế. Chứng kiến công nghệ mà chúng ta có để tìm kiếm và xác định căn cước hài cốt những người mất tích, tôi cho rằng điều quan trọng bây giờ là đẩy mạnh hợp tác và huy động mọi nguồn lực mình có trong những năm sắp tới.” 

Thưa quý vị, trong khi các cơ quan của Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tìm kiếm các binh sỹ Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi tìm kiếm người Việt mất tích vẫn còn to lớn. Giống như người dân Mỹ, người dân Việt Nam cũng có cùng nỗi ưu tư khi mà những người cha, người chồng, vợ, con chúng tôi vẫn còn đang nằm lại đâu đó, chờ đợi để được về nhà.”

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng bày tò cảm kích Chính phủ Hoa Kỳ đã chia sẻ với Việt Nam thông tin và tài liệu liên quan đến địa điểm những người lính Việt Nam hi sinh và mất tích, đã giúp đỡ và chuyển giao công nghệ xác định DNA với các cơ quan khoa học của Việt Nam và các cơ quan có nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, theo ông, còn có nhiều việc hơn nữa có thể làm được. Ví dụ, ông hi vọng phía Việt Nam được tiếp cận trực tiếp với cơ sở dữ liệu đang lưu trữ tại các cơ sở học thuật Hoa Kỳ, các trung tâm lưu trữ khắp nước Mỹ. 

Trong khi quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ và Việt Nam nói về những hoạt động trong phận sự của riêng họ, như các hoạt động đối ngoại của hai phía cũng như các nỗ lực tìm kiếm quân nhân của phía mình bị mất tích trong chiến tranh, không có vị quan chức đương nhiệm nào nói về việc tìm kiếm hài cốt binh sỹ của bên thứ ba, hài cốt của những người lính Việt Nam Cộng Hòa mất tích trong chiến tranh. 

Tại hội thảo, trả lời câu hỏi của một thính giả về vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Việt Nam Cộng Hòa mất tích, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam, và là cựu Phó Tư lệnh Chính trị Binh chủng Công binh, Bí thư Đảng ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự, Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã khẳng khái nói rằng đây là vấn đề cần có chính phủ của hai nước (Việt Mỹ), và trong việc tìm kiếm hài cốt người mất tích trong chiến tranh, chúng ta không nên phân biệt quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, không phân biệt quân nhân của Hoa Kỳ hay quân nhân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo ông Hoàng Khánh Hưng, lúc đó có hai chính phủ tồn tại, thì quân nhân của chính phủ bên nào thì phải có nghĩa vụ phụng sự cho chính phủ bên đó, và bây giờ chuyện đó đã qua, chúng ta cần tìm cách đưa những người đã chết, đưa hương hồn của các quân nhân còn nằm lại ở chiến trường về với đất mẹ. Ông Hưng cho rằng để làm được điều này thì chính phủ các nước cần có chủ trương, chính sách, sau đó thì những hội như hội của ông có thể tham gia.  

Ông Nguyễn Mậu Trinh, cựu Chủ tịch Nghị Hội Toàn Quốc người Việt tại Hoa Kỳ (National Conggress of Vietnamese in America) cũng chia sẻ với RFA một góc nhìn chung với Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: 

“Tôi cũng như mọi người mình, quan tâm đến những đau khổ của chính mình và của người khác. Về nỗi đau của chính mình, tôi có người em vợ là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, sau 1975 bị đi tù cải tạo rồi chết và mất tích trong tù. Gia đình đến bây giờ vẫn không nhận được xác. Gia đình rất đau đớn nhưng không biết gì hơn là cố nuốt nỗi đau của mình. 

Còn về nỗi đau của những người cùng cảnh ngộ, những người VNCH ở Miền Nam Việt Nam, ngoài những người lính tử trận, bị mất xác và gia đình không nhận được xác, còn rất nhiều người tù nhân, tù cải tạo bị xử tử, bị mất tích, bị bệnh tật chết, chôn dập vùi trong các trại. Họ bị di chuyển trại thường xuyên nên không còn để lại dấu vết gì. May mắn một số người còn có một viên đá, một cây thánh giá ghi lại nên bạn đồng tù có thể nói lại cho gia đình tìm kiếm. Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn người vượt biển tị nạn, mất tích. Hằng năm nhiều người vẫn trở lại đảo Galang để thăm mộ người chết, nhiều người chết không được ai nhận để đưa về quê quán. 

Nói chung, cũng giống như các dân tộc khác, người Việt rất nặng tình với người đã khuất. Tôi muốn chia sẻ điều ấy. Tôi mong rằng những người có chức trách, có quyền, có phận sự ngày nay, họ nhìn thấy, họ có tấm lòng mở rộng ra đến cả ba phía. Phải nói là ở đây có cả ba phía chứ không chỉ có Hoa Kỳ và Hà Nội.”

Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Stepen Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ Việt Nam Sam Johnson thuộc Đại học Công nghệ Texas, cũng nhấn mạnh rằng ngày nay chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hàn gắn vết thương chiến tranh, bởi vì không có sự khác biệt giữa giọt nước mắt khóc con của người mẹ Mỹ, người Mẹ Bắc Việt Nam và người mẹ Nam Việt Nam. 

Ngoài các vấn đề hàn gắn vết thương chiến tranh, cuộc Đối thoại thường niên lần thứ 3 này còn thảo luận về các nỗ lực của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, giải quyết vấn đề chất độc màu da cam, các hợp tác cấp vùng giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và Hoa Kỳ, các cuộc trao đổi và ngoại giao nhân dân, các nỗ lực chống buôn người và tội phạm qua mạng. Viện Hòa Bình Hoa Kỳ cũng trình bày về những nỗ lực thực hiện một triển lãm tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Tp. Hồ Chí Minh về những hợp tác và hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. 

Tại phiên khai mạc hội thảo, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jed Royal cho biết hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt ngày nay trải dài qua nhiều lĩnh vực, trong đó có các nỗ lực tăng năng lực quốc phòng và sản xuất quốc phòng, cũng như nâng cao năng lực viễn thám, giám sát trên biển của Việt Nam. Theo ông Jed Royal, các nước vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Mỹ đã hội tụ cùng nhau vì cùng chia sẻ một niềm tin vào các nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, tôn trọng tự do thương mại và tư tưởng, tôn trọng tự do hàng hải, hàng không, phẩm giá và sự công bằng cho mỗi người, cũng như thái độ giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại, không phải là qua cưỡng ép hay xung đột bạo lực.”

Theo các vị đại biểu hai nước tham dự hội thảo, năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi hai nước Việt Mỹ nhìn lại một năm nâng cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai nước nhấn mạnh cam kết giải quyết các di sản chiến tranh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ thông qua các sáng kiến hướng tới tương lai. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment