Trong ba tuần nữa người dân Mỹ sẽ bầu chọn một tổng thống mới. Nhưng việc Nga và Trung Quốc nối lại quan hệ chiến lược đang làm thay đổi mạnh mẽ sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu. Đây sẽ là một thách thức quan trọng trong cuộc bỏ phiếu ngày 05/11, đối đầu giữa Donald Trump và Kamala Harris, hai ứng viên có tầm nhìn đối nghịch nhau về quan hệ đồng minh của Mỹ.
Đăng ngày: 15/10/2024
Cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga ngày 24/02/2022 là một cú sốc đối với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chứng minh được tính thích đáng của Liên Minh quân sự này trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, nhìn từ Washington, Trung Quốc mới là thách thức lâu dài và do vậy, Hoa Kỳ tìm cách biến NATO thành một trong những nền tảng điều phối với các đồng minh để đối phó với Bắc Kinh.
Trong một bài phân tích đăng trên nhật báo Le Monde, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế Tara Varma đã nhắc lại kể từ ngày thành lập vào năm 1949 cho đến khi Nga bắt đầu « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina, NATO đã trải qua ba giai đoạn : Chiến tranh lạnh, hậu chiến tranh lạnh và hậu – hậu chiến tranh lạnh.
Xung đột Ukraina – Nga đang đưa NATO vào giai đoạn thứ tư : Tái khẳng định quyết tâm bảo vệ liên minh châu Âu – Đại Tây Dương, trong lúc Mỹ đang gặp khó khăn đối phó cùng lúc với Nga và Trung Quốc, cả hai đối thủ này có chung mục tiêu chiến lược là lật đổ trật tự thế giới hiện nay. Tham vọng này của Bắc Kinh và Matxcơva đã được khẳng định qua các cuộc họp thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin cũng như là trong những cuộc gặp giữa các lãnh đạo cao cấp khác giữa hai nước.
Tại thượng đỉnh NATO hồi tháng 07/2024, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga phát động. Lần họp cấp cao thứ 75 của NATO còn nhấn mạnh đến những « thách thức có hệ thống » do mối quan hệ Nga – Trung đặt ra. Liên Hiệp Châu Âu gần đây cũng đánh giá mối quan hệ giữa khối 27 nước với Trung Quốc ở ba hình thái, đối tác, đối thủ cạnh tranh, và đối thủ có hệ thống. Với việc ủng hộ Nga « vô giới hạn », Trung Quốc từ giờ là một mối đe dọa cho an ninh châu Âu.
Do vậy, nếu Donald Trump tái đắc cử, đây sẽ là một thảm họa cho châu Âu. Nhà tỷ phú Mỹ sẽ nỗ lực chia rẽ khối cũng như là các đồng minh châu Âu và châu Á. Ông Jeff Hawkins, cựu đại sứ Mỹ, trong một diễn đàn trên báo Le Monde, cảnh báo nguy cơ một khối « NATO ngủ » (OTAN dormante), theo đó, Hoa Kỳ sẽ rút các lực lượng trên bộ, và có thể chỉ để lại lá chắn hạt nhân, vài lực lượng không quân và hải quân. Châu Âu phải tự lo trước các mối đe dọa quân sự và Hoa Kỳ chỉ sẽ bảo vệ những thành viên nào « chi trả đúng phần » của mình.
Đổi lại, nếu Kamala Harris đắc cử, mối quan hệ đồng minh của Mỹ sẽ khác hoàn toàn với Donald Trump. Bà có thể thiết lập một mối liên hệ giữa các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á. Điều này sẽ khuyến khích châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng, đồng thời cũng trấn an được các đồng minh châu Á, khi kêu gọi sự hợp tác giữa hai bên trong các dự án công nghiệp quy mô lớn, với mục tiêu là chống xói mòn các cơ sở công nghiệp tại Mỹ, châu Âu và châu Á.
Tóm lại, theo chuyên gia Tara Varma, cuộc bầu cử lần này ở Mỹ còn là sự đối đầu giữa hai tầm nhìn về vai trò của Mỹ, một thách thức lớn cho hệ thống quan hệ đồng minh mà Mỹ và các nước có liên quan đã thiết lập từ năm 1945. Việc tăng cường chuẩn bị giữa các đối tác Mỹ, châu Âu và châu Á là điều cần thiết !