Chuyên gia Liên Hiệp Quốc thúc giục Thái Lan xem xét lại việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam

2024.10.16

Chuyên gia Liên Hiệp Quốc thúc giục Thái Lan xem xét lại việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam

Nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap

Facebook/ Y Quynh Buondap

Các chuyên gia độc lập và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc hôm 16/10 ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại sâu sắc về phán quyết của Tòa Hình sự Thái Lan dẫn độ nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap về Việt Nam. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc thúc giục chính phủ Thái Lan xem xét lại quyết định này.

Tòa Hình sự Thái Lan hôm 30/9 đã ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lo ngại ông Y Quynh Bdap sẽ có thể bị “mất tích, tra tấn hoặc đối xử tàn tệ hoặc trừng phạt, giam giữ tùy tiện, nếu bị dẫn độ về nước”.

Các chuyên gia cho rằng giới chức chính quyền Thái có thể từ chối thực hiện phán quyết của tòa vì Thái Lan và Việt Nam không ký kết một hiệp dịnh về dẫn độ.

Hồi tháng 1 năm nay, ông Y Quynh Bdap và 99 người khác đã bị tòa án lưu động ở Đắk Lắk xét xử sau vụ nổ súng vào hai trụ sở chính quyền ở tỉnh này vào tháng 6/2023 khiến chín người chết.

Ông Y Quynh Bdap đã bị kết án (vắng mặt) tù 10 năm với cáo buộc tội “khủng bố” trong vụ tấn công này. Tuy nhiên, ông Y Quynh Bdap đã bác bỏ cáo buộc này.

Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án phiên tòa xét xử này vì cho rằng “phiên tòa lưu động thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng và không có tính độc lập, bị ảnh hưởng bởi động cơ chính trị”.

Các chuyên gia cho rằng việc Chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu vào Tổ chức người Thượng vì Công lý, xếp tổ chức này vào danh sách khủng bố là một phần trong việc gia tăng đàn áp, phân biệt đối xử đối với người Thượng ở Tây Nguyên.

Bản thân ông Y Quynh Bdap – đồng sáng lập của Tổ chức Người Thượng vì Công lý – đã phải sang tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn. Tuy nhiên, ông đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào ngày 11/6 vừa qua với cáo buộc “lưu trú quá hạn”.

Tòa Hình sự Thái Lan thừa nhận mục 13 của Đạo luật Phòng ngừa và Ngăn chặn Tra tấn và Cưỡng bức Mất tích (Đạo luật Chống Tra tấn) của Thái Lan cấm việc trục xuất khi có nguy cơ rõ ràng về việc người bị trục xuất sẽ bị tra tấn hoặc đối xử tàn tệ khi về nước. Tuy nhiên, Tòa Thái Lan đã đưa ra phán quyết rằng tòa không có thẩm quyền đánh giá liệu các quá trình ở Việt Nam có được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn trong trường hợp của ông Y Quynh Bdap hay không.

Bài Liên Quan

Leave a Comment