Hội chợ Xe hơi Quốc tế – Mondial de l’Auto – lần thứ 90 trở lại Paris vào tuần này, từ ngày 15-20/10/2024. Đây là dịp để các nhà sản xuất giới thiệu với công chúng những mẫu xe mới, đặc biệt là các xe ô tô điện, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Liên Hiệp châu Âu
Đăng ngày: 16/10/2024
Renault, Tesla, Cadillac, Ford hay hãng xe Trung Quốc BYD hoặc KIA từ Hàn Quốc,…, khoảng 50 nhà sản xuất xe Pháp và quốc tế có mặt tại Hội chợ Xe hơi Quốc tế – Mondial de l’Auto, mở cửa từ thứ Ba, 15/10 tại Paris, dự trù thu hút khoảng 500 000 du khách.
Liên Hiệp Châu Âu đã ra quy định, kể từ năm 2035, cấm bán xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel trong khối và 100% xe bán ra thị trường phải là xe chạy bằng điện. Quy định này thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra nhiều mẫu mã xe điện mới. Nhà sản xuất Alpine lần đầu tiên cho ra mắt mẫu xe 100% chạy bằng điện A290, màu xanh dương, phong cách thể thao, thường sử dụng trong thành phố. Renault và Citroen thì trình làng xe R5 và C3 với bình điện có thể chạy được khoảng 300 km. Hãng xe Mỹ Ford cũng giới thiệu Ford Capri 100 % chạy bằng điện. Nhiều nhà sản xuất châu Á, cũng có mặt. Nhà sản xuất Hàn Quốc Kia đến với hội chợ với mẫu xe điện 100% SUV Kia EV3. Hãng xe hàng đầu của Trung Quốc – BYD, thì ra mắt tại châu Âu mẫu xe điện BYD Sea Lion 07, kiểu xe gia đình, với dáng thể thao, công suất bình điện lên tới 91,3 kWh và có thể tự chủ trong 600 km.
« Tôi cho rằng ngành công nghiệp xe hơi đang nắm bắt các vấn đề về giảm khí thải carbon, do tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng tôi có thể thấy ở đây nhiều cách để làm điều đó, nhiều giải pháp khác nhau », như nhận định của Quentin, một du khách tại hội chợ. Một du khách khác Frank Roucheray thì cho biết : « Chúng tôi luôn hào hứng tất cả các mẫu xe mới ra và tại hội chợ năm nay, tôi thấy là các nhà sản xuất muốn chuyển sang các mẫu xe điện, với tính năng hiện đại. Tôi cũng thấy nhiều mẫu xe chạy bằng khí đốt (hydrogen), tôi tin chắc rằng đây sẽ là giải pháp của tương lai ».
Quá sớm để chuyển sang xe điện ?
Hội chợ năm nay mở ra trong bối cảnh doanh số bán xe ở châu Âu xuống tới mức thấp nhất trong 3 năm qua. Theo số liệu công bố ngày 19/09 của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi (ACEA), thị trường tại châu Âu đã giảm mạnh trong tháng 8 (giảm hơn 18 % so với cùng kỳ năm ngoái), đặc biệt là tình trạng trì trệ tại các thị trường Ý, Đức, Pháp. Nhiều lý do được đưa ra. Thứ nhất là cắt giảm hỗ trợ giá mua xe điện ở một số quốc gia, thứ hai là việc nạp điện chưa được bố trí một cách tiện ích.
Vấn đề giá thành cũng làm nản lòng nhiều người. Hơn nữa, không phải ai cũng sẵn sàng tiếp nhận xe điện, « quá sớm », và không tin rằng xe điện là giải pháp môi trường, giúp châu Âu đạt trung hoà carbon như mục tiêu đề ra. Cô Pauline, một du khách khẳng định :« Tôi vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang dùng xe điện, trước tiên có thể là nỗi sợ thiếu điện, không nạp được bình điện, thời gian phải chờ để nạp lâu. Thêm vào đó, Pháp vẫn chưa có đủ các điểm nạp bình điện xe ô tô. »
Hội chợ Xe hơi Quốc tế Paris năm nay cũng được đánh dấu bởi cuộc cạnh tranh gay gắt giữa châu Âu và các nhà sản xuất Trung Quốc. Hôm 14/10 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua đề xuất tăng thêm thuế quan, có thể bổ sung tới 35 %, nhắm vào xe ô tô điện Trung Quốc nhập khẩu vào khối. Liên Âu giải thích rằng việc tăng thuế đánh vào xe của Trung Quốc là để bảo vệ việc làm cho 14 triệu lao động trong ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu. Canada và Mỹ hiện áp dụng mức thuế 100 % đối với ô tô điện « Made in China ».
Cụ thể, ba tập đoàn lớn của Trung Quốc bị áp thêm thuế : 17,4% cho BYD, 19,9% cho Geely và 37,6% cho MG. Các tỷ lệ này được cộng thêm vào mức 10% đã có hiệu lực, và có thể khiến mức thuế quan áp với MG4, mẫu xe điện bán chạy thứ năm của Trung Quốc ở Pháp vào năm ngoái, tăng lên mức 50%. Ủy Ban Châu Âu lên án cuộc cạnh tranh không công bằng từ Bắc Kinh, khi bơm khoản tiền viện trợ khổng lồ cho các nhà sản xuất xe Trung Quốc.
Tham vọng chinh phục châu Âu của hãng xe Trung Quốc
Về thương hiệu BYD của nhà sản xuất đến từ Thâm Quyến, các mẫu xe điện của hãng này, với tỷ lệ phát thải thấp, được bán nhiều nhất thế giới, vượt cả Tesla, vốn tiên phong trong lĩnh vực này. Nhà sản xuất Trung Quốc BYD, có mặt tại Hội chợ Xe hơi Quốc tế Paris năm nay từ chối bình luận về mức thuế mới mà châu Âu áp đặt, do doanh nghiệp này vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức. Tuy nhiên, không vì thế mà tham vọng của BYD bị suy giảm đối với thị trường béo bở 447 triệu dân.
Ông Jean-Briac Dalibard, đại diện của BYD tại Pháp cho biết : « Lần đầu tiên chúng tôi tham dự hội chợ này là vào năm 2022, để giới thiệu về thương hiệu BYD. Đến hôm nay, chúng tôi đã có đã có điểm bán hàng tại 23 quốc gia châu Âu. Chúng tôi cũng vừa mở thêm đại lý xe hơi thứ 300 trên lục địa châu Âu. BYD là nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc duy nhất, hiện đang xây dựng một nhà máy ở Hungary. Đây sẽ là nhà máy thứ hai, vì chúng tôi đã có một nhà máy sản xuất các loại xe bus. Chúng tôi hiện cũng đang làm việc để xây dựng thêm một nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ. »
Các xe của BYD có giá từ 20 000 euro cho đến 70 000 euro, giá thành được cho là hấp dẫn hơn so với các thương hiệu của châu Âu hay châu Mỹ, với cùng tính năng. Riêng tại Pháp, doanh nghiệp Trung Quốc cho biết chỉ có một mạng lưới bán hàng nhỏ vào năm 2023, bán ra khoảng 1300 xe, nhưng đến cuối tháng 9/2024, 2600 xe của BYD đã được bán tại thị trường Pháp.
Chặng đường dài để đạt trung hòa carbon
Ngoài ra, một điểm khác khiến các nhà sản xuất xe ô tô điện phải bận tâm. Theo quy định CAFE (Corporate Average Fuel Economy) của Liên Hiệp Châu Âu (được thông qua vào năm 2019), kể từ năm 2025, ngưỡng phát thải trung bình được phép của mỗi phương tiện sẽ phải tuân thủ trong khoảng từ 90 gam đến 95 gam CO2 trên mỗi km. Nếu nhà sản xuất ô tô vượt quá giới hạn này sẽ bị phạt 95 euro cho mỗi gam vượt quá ngưỡng nói trên đối với mỗi chiếc xe được bán ra. Dựa theo doanh số của Renault trên thị trường châu Âu, hãng xe Pháp ước tính số tiền phạt có thể lên đến 13 tỷ euro đối với các loại xe du lịch, hoặc 3 tỷ đối với các loại xe đa dụng.
Theo báo Le Monde, hiện nay, các xe chạy bằng động cơ xăng dầu, trung bình thải khoảng 120 gram CO2 trên mỗi km. Để tuân thủ quy định này, các giải pháp được đưa ra là giảm sản xuất các loại xe này, hoặc xin tăng trợ cấp từ chính phủ cho việc mua xe điện, hoặc hạ giá xe điện để tăng thị phần bán loại xe này. Ông Jean François Cavalier, một du khách quan ngại rằng « việc chuyển đổi năng lượng, hay kỹ thuật đang diễn ra quá nhanh, và các nhà sản xuất xe khó có thể theo kịp. Điều này có thể tác động tiêu cực đến việc làm. »
Theo tài liệu được Le Monde tiết lộ hồi đầu tháng này, các nhà sản xuất xe hơi, đang vận động hành lang, kêu gọi trì hoãn mục tiêu giảm phát thải đến năm 2027, thay vì 2025.