17 tháng 10 2024
Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc đã qua nhiều lần lỗi hẹn sau hơn 10 năm đàm phán.
Trong bối cảnh tranh chấp ngày càng phức tạp, vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông.
DOC là kết quả từ nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là của 4 nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp ở Trường Sa, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Tuy nhiên, do tính chất chỉ là một tuyên bố chính trị mang tính khuyến khích, không có tính ràng buộc đối với các bên tham gia, DOC đã không phát huy tác dụng trong việc buộc các bên phải kiềm chế và tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế để tránh xảy ra va chạm trên thực địa cũng như căng thẳng về ngoại giao.
DOC đã không thể kìm hãm tham vọng ngày càng tăng và các hành vi ngày hung hãn của Trung Quốc đối với các bên khác có yêu sách ở Biển Đông.
Từ đó, các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông, vốn là bên yếu hơn trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, muốn xây dựng một cam kết mang tính ràng buộc hơn, đó là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, quá trình xây dựng và tạo dựng đồng thuận đối với COC luôn gặp trắc trở, chủ yếu do Trung Quốc không sẵn sàng tham gia một cam kết mạnh với các nước yếu hơn, thứ có thể khiến họ bị “trói chân trói tay”.
Năm 2013, Trung Quốc và ASEAN đồng ý bắt đầu những cuộc tham vấn chính thức về một COC mang tính ràng buộc.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán luôn trắc trở, có khi trở nên căng thẳng cùng những thời hạn luôn bị dời lại.
Vào tháng 7/2023, Trung Quốc và ASEAN đồng ý hoàn tất COC trước mùa thu năm 2026, theo hãng tin AP dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á tham dự cuộc họp ngoại trưởng tại thủ đô Jakarta của Indonesia.
ASEAN thiếu đoàn kết, Trung Quốc dây dưa
Tiến sĩ Euan Graham, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào ngày 15/10:
“Thiếu đoàn kết là một yếu tố, vì Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông không phải là ưu tiên cao đối với hầu hết các quốc gia ASEAN. Nhưng chủ yếu là vì Trung Quốc hưởng lợi từ việc các cuộc đàm phán bị chệch hướng, trong thời gian đó dần dần củng cố sự kiểm soát trên Biển Đông.”
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 11/2018 nói rằng ASEAN và Trung Quốc nên đặt mục tiêu đạt được COC trong vòng ba năm, tức 2022.
Sau đó, vào năm 2019, các lãnh đạo ASEAN muốn kết thúc đàm phán COC trong vòng ba năm hoặc sớm hơn. Thế nhưng, đàm phán COC vẫn chưa kết thúc vào thời điểm gần hết năm 2024.
Tại Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10/2024 ở Lào, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã kêu gọi các lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc tăng tốc đàm phán COC Biển Đông.
Ông Marcos Jr nói tình hình trên Biển Đông “vẫn căng thẳng và không có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn bị xâm hại và tấn công.”
Theo Reuters, tại hội nghị này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người kế nhiệm ông Lý Khắc Cường vào năm 2023, cũng nói Bắc Kinh và các nước ASEAN đang “nỗ lực để sớm hoàn tất” COC.
Tiến sĩ Euan Graham phân tích:
“Mục tiêu chính của ASEAN với Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông là tránh để xảy ra xung đột với Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không nhất thiết là mối quan tâm của các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông, khi quyền lợi và quyền tài phán của họ tiếp tục bị Trung Quốc làm xói mòn ở mức dưới ngưỡng xảy ra một cuộc xung đột quân sự.”
Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến thuật “chia để trị” đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, dựa trên cách tiếp cận rõ ràng và cụ thể đối với từng quốc gia. Họ không muốn thấy các quốc gia này, chẳng hạn Việt Nam và Philippines, đoàn kết lại để cùng nhau đối chọi họ.
Và đối phó với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Trong khi Philippines chọn cách phơi bày những vụ va chạm tàu, công bố những video thể hiện hành vi hung hăng của Trung Quốc, gia tăng giao thiệp với các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Úc, Nhật Bản, thì Việt Nam những năm gần đây giữ im lặng về tranh chấp bằng cách không làm lớn chuyện, và giải quyết sau hậu trường, trừ khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng, như vụ Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào ngày 29/9/2024.
“Philippines hiện có rất ít niềm tin đối với COC trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thực hiện các chiến thuật cưỡng ép và lấn tới trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Việt Nam cũng gần đây lên tiếng về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm vào các ngư dân ở quần đảo Hoàng Sa,” Tiến sĩ Euan Graham nói thêm.
Tiến sĩ Euan Graham nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần thứ 21 ở thủ đô Viêng Chăn của Lào vào ngày 10/10 vừa qua, mà theo ông là quan trọng.
Ông Narenda Modi đã nói: “Hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông nằm trong lợi ích của toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương[…] Nên cần có một bộ quy tắc ứng xử mạnh và hiệu quả. Và không nên cản trở chính sách ngoại giao của các quốc gia trong khu vực.”
Tiến sĩ Euan Graham đánh giá:
“Câu cuối cho thấy Ấn Độ quan ngại Trung Quốc có ý định vô hiệu hóa các quốc gia Đông Nam Á bằng cách kéo dài đàm phán COC không có hồi kết, dẫn đến việc quan hệ giữa các thành viên ASEAN với các cường quốc bên ngoài khối, bao gồm Ấn Độ, bị suy yếu.”
“Tôi nghĩ đây là quan ngại thực sự và chính đáng về chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông và thông qua COC. Ý định của Trung Quốc là không chỉ thống trị Biển Đông về mặt không gian, mà còn sử dụng Biển Đông làm phương tiện để thống trị ASEAN, khiến các nước thành viên phải cùng quy phục Bắc Kinh – ngay cả khi Việt Nam và Philippines tiếp tục chiến đấu theo cách của riêng mình.”
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị liên quan ở thủ đô Viêng Chăn của Lào vào ngày 11/10, ông Lý Cường nói các nước ngoài khu vực Đông Nam Á cần tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực hòa bình của Trung Quốc ở Biển Đông và đóng vai trò xây dựng cho nền hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông Lý Cường không nêu cụ thể “các nước ngoài khu vực Đông Nam Á” là nước nào, nhưng có thể thấy trong thời gian gần đây, Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản là các quốc gia có các hoạt động, diễn tập an ninh hàng hải tại Biển Đông, trong đó có các sự kiện diễn tập chung với Philippines. “Các nước ngoài khu vực” thậm chí có thể là Ấn Độ.
Nhà nghiên cứu Song Phan từ Úc hôm thứ Tư 16/10 nhận định với BBC News Tiếng Việt về một số diễn biến tại Thượng đỉnh ASEAN vừa qua:
“Có vẻ để có thêm cơ sở giải quyết hòa bình các đối đầu khá liên tục của các bên tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là các xung đột khá căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trong thời gian gần đây, tổng thống Philippines đã hối thúc đẩy nhanh tiến độ thương lượng COC tại Hội nghị cấp cao ASEAN mở rộng tại Lào.”
Ông nói rằng dù đã có bản dự thảo COC thứ ba nhưng khó có khả năng hai bên sẽ kết thúc đàm phán sớm vì khó xóa được những bất đồng về tính ràng buộc pháp lý của bộ quy tắc ứng xử này.
Theo ông, Trung Quốc chỉ muốn COC như tài liệu tham chiếu cho hành động, trong khi ASEAN muốn ràng buộc để có thể truy cứu trách nhiệm, hay vấn đề cùng khai thác chung tài nguyên, hạn chế các hoạt động chung hay hợp tác với bên ngoài trên Biển Đông.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tiến sĩ Euan Graham đánh giá không có khả năng ASEAN và Trung Quốc hoàn tất đàm phán COC vào năm 2025.
Malaysia sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN bắt đầu từ ngày 1/1/2025, cũng là năm kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng đồng ASEAN.
“Dường như ASEAN đã một lần nữa dự đoán về việc hoàn tất đàm phán COC ‘sớm’ vào năm 2025. Nhưng nhìn lại các lần lỗi hẹn trong quá khứ, có thể thấy khó mà hoàn tất đúng mốc thời gian này.”
Mặc dù Malaysia có tranh chấp trên Biển Đông, quốc gia này cũng có quan hệ gần gũi với Trung Quốc và không muốn quan hệ đó bị tổn hại chỉ vì chuyện COC. Do đó, Tiến sĩ Euan Graham nhận định rằng tới năm 2025 thì chuyện cũ sẽ tái diễn, tức là COC sẽ trễ hẹn lần nữa.
Tại cuộc gặp giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào ngày 13/10 nhân chuyến thăm của ông Lý Cường tới Việt Nam, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ông Tô Lâm đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao cũng như chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng; đồng thời tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Dù lãnh đạo hai nước không ngừng bày tỏ mong muốn, quyết tâm đối thoại để kiểm soát và giải quyết bất đồng, nhưng Trung Quốc luôn có những hành động trên thực địa khiến Việt Nam quan ngại.
Ở vị thế nước yếu hơn, Việt Nam luôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như hướng tới việc xây dựng COC. Trong khi đó, Trung Quốc với vị thế của nước mạnh thì các phát biểu ngoại giao luôn đi kèm với việc triển khai liên tục, bền bỉ chiến thuật “vùng xám”, dần xói mòn sự kháng cự của Việt Nam và các nước có yêu sách trên Biển Đông.
Các chuyên gia cũng nhận định COC không phải là cây đũa thần để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, mà chỉ có thể thông qua một thỏa thuận chính trị hoặc pháp lý giữa các bên tranh chấp.
Nhà nghiên cứu Song Phan nhận định:
“Hội nghị cấp cao ASEAN mở rộng tại Lào cho thấy các nước ASEAN có tranh chấp, kể cả Việt Nam, đã có thái độ mạnh dạn hơn. Các nước ngoài khu vực như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU… tỏ ra quan tâm và ủng hộ ASEAN. Để đối phó với thực tế đó, trong thời gian tới Trung Quốc có thể sẽ tỏ vẻ đàm phán COC thật lòng, ve vuốt các nước ASEAN để câu giờ nhằm tiếp tục củng cố thêm vị thế trên ‘hiện trường’ chờ thời cơ thuận lợi hành động mạnh hơn.”
Tiến sĩ Euan Graham bày tỏ sự ngờ vực:
“Tôi không tin là Việt Nam có thể giải quyết xung đột trên Biển Đông theo các điều khoản phù hợp với lợi ích quốc gia, khi mà Trung Quốc vẫn giữ yêu sách ‘đường chín đoạn’ của họ.”
“Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, tương lai chiến lược và kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào việc duy trì một Biển Đông mở và duy trì quan hệ với các đối tác hàng hải trong các giới hạn của chính sách đối ngoại quốc phòng ‘4 không’.”
“Giới lãnh đạo của Việt Nam hiện đang nỗ lực đi trên sợi dây ngoại giao đầy mong manh với Trung Quốc. Thế nhưng thật sự, sự thân cận của Việt Nam với Trung Quốc đồng nghĩa họ biết chơi ván cờ của chính Bắc Kinh trong thế trận trên Biển Đông.”