- Huy Vũ – 16 tháng 10, 2024
Khoảng một triệu người dân miền Bắc (khoảng 800 ngàn trong đó là người Công giáo di cư đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954–1955 theo những chuyến tàu do Pháp và Mỹ tổ chức. (Hình: US Navy/Wikipedia.org)
“Một ngày năm bốn cha bỏ quê xa
Nơi chôn nhau cắt rốn đã bao nhiêu đời
Một ngày năm bốn cha bỏ phương trời
Miền Bắc âm u mưa phùn rơi…”
Tiếng hát Elvis Phương, bài “1954 Cha Bỏ Quê – 1975 Con Bỏ Nước” của Phạm Duy từ chiếc điện thoại thông minh của tôi phát ra, làm tôi bồi hồi nhớ lại cuộc trốn chạy từ Miền Bắc Cộng Sản vào Miền Nam Tự Do của gia đình tôi vào năm 1954.
Phần lớn những người miền Bắc tham dự vào cuộc trốn chạy này là những người đang sống ở những vùng do quân đội Pháp chiếm đóng hay trong vùng thuộc chính quyền Quốc Gia Việt Nam kiểm soát. Vì thế, họ ra đi giữa ban ngày ban mặt, tuy không thể mang theo nhà cửa ruộng vườn, nhưng có thể mang theo tất cả đồ tế nhuyễn của riêng tây. Còn gia đình tôi lúc ấy, đang sống trong một ngôi làng trong tỉnh Phú Thọ thuộc vùng kiểm soát của ông Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) từ tháng 8/1945. Nơi đây vào cuối năm 1954 cũng là nơi ông Hồ và đảng CSVN cho thực thi giai đoạn I của cuộc Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ). Trong cuộc CCRĐ này, gia đình tôi lại “hân hạnh” được “tấn phong” là địa chủ, đối tượng chính của cuộc CCRĐ. Vì thế nên dân quân du kích và bần cố nông canh chừng và theo dõi ngày đêm rất cẩn mật. Do đó việc trốn chạy ra khỏi làng của gia đình tôi có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Tuy biết rõ như vậy, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định ra đi, vì biết rằng, nếu cứ khư khư ôm lấy “nơi chôn nhau cắt rốn đã bao nhiêu đời” để tiếp tục hô khẩu hiệu “Hồ Chí Minh Muôn Năm” và “Đảng Cộng Sản hay đảng Lao Động hay đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm,” chẳng khác nào như người tử tù chờ đợi ngày giờ đưa đầu vào máy chém. Tính đến lúc phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả của ông cha ra đi, gia đình tôi “hân hạnh” đã được sống với Bác và Đảng gần 9 năm. Trong thời gian ấy, làng Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ của tôi là vùng tiền tuyến trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp, vì nằm đối diện với một dãy đồn bót của quân đội viễn chinh Pháp ở phía bên kia sông Hồng, như đồn Trung Hà, đồn Hưng Hóa, và đồn Gềnh… Từ những đồn bót này quân Pháp vẫn thường xuyên hành quân vượt sông sang đánh phá làng tôi và các làng khác. Dù gian khổ tột cùng, dù có thể chết bất cứ lúc nào bởi các loại súng đạn của quân đội Pháp, song gia đình tôi và dân làng tôi vẫn một lòng tin tưởng ông Hồ và chính phủ của ông thực tâm chống Pháp để giành độc lập và tự do cho dân tộc. Nhưng cho đến lúc được Trung Cộng và Nga Xô chi viện dồi dào, và khi biết rõ là sẽ giành được thắng lợi trong tương lai rất gần, ông Hồ và các đồng chí trong đảng Cộng Sản của ông ta bắt đầu hiện rõ nguyên hình là tay sai đắc lực của Cộng Sản Quốc Tế. Họ vâng theo lệnh của quan thầy Trung Cộng và Nga Xô, thực thi ngay cuộc Cách Mạng Ruộng Đất ở Việt Nam để “đào tận gốc, trốc tận rễ” tầng lớp “trí, phú, địa, hào.” Trong cuộc cách mạng này gia đình tôi lại là đối tượng chính, vì thế nếu không sớm tìm đường trốn chạy thì chắc chắn sẽ bị “đào tận gốc trốc tận rễ.”
Vào những ngày cuối năm 1954 gia đình tôi đã quyết định, nếu muốn sống còn thì không còn con đường nào khác hơn là phải trốn chạy vào Miền Nam Tự Do. Vì thế, gia đình tôi lợi dụng ngay thời gian cận Tết Nguyên Đán để ra đi, vì lúc ấy, những chú dân quân du kích và các anh chị bần cố nông được bố trí theo dõi và bám sát gia đình tôi đã có đôi chút lơ là. Cuộc trốn chạy của gia đình vào thời gian này được chia thành ba giai đoạn:
Giai đoạn I từ làng tôi về Hà Nội
Chúng tôi đã rời nhà vào đêm 27 rạng 28 tháng Chạp năm Giáp Ngọ tức đêm 19 rạng 20 tháng 2/1955. Nghĩa là chỉ còn có bốn, năm chục giờ nữa là đã bước sang năm mới Ất Mùi. Để có thể tránh được sự dòm ngó của lối xóm và sự canh chừng của dân quân du kích, gia đình tôi gồm 6 người được chia làm 3 toán khác nhau. Anh chị tôi và đứa em gái ra đi từ căn nhà trại ở cuối làng vào lúc 2 giờ sáng. Tôi và mẹ tôi ra đi từ ngôi nhà trong làng vào hồi 2 giờ 30 sáng. Còn bố tôi cũng ra đi từ ngôi nhà trong làng vào lúc 3 giờ sáng. Điểm đến của cả nhóm là nhà bà chị ruột của bố tôi, số 70 Cầu Gỗ, Hà Nội.
Vì mẹ tôi bị chứng tê thấp hành hạ đã mấy năm nay, và gia đình tôi bị bao vây cô lập trong một thời gian khá dài, nên không còn tiền bạc để thuốc thang chữa trị, do đó bà đi lại rất khó khăn. Vào thời gian này tôi đã 19 tuổi nên được coi là người trẻ và khoẻ nhất trong gia đình, nên được phân công “hộ tống” bà, và trong trường hợp cần thiết, tôi sẽ đóng vai “Lục Vân Tiên” cõng mẹ trên đường trốn chạy.
Tôi và mẹ tôi rời nhà vào lúc 2 giờ 30 sáng, còn bố tôi ra đi sau đó nửa tiếng đồng hồ. Tôi dẫn mẹ tôi đi theo ngõ sau để ra cánh đồng sau làng, rồi từ đó đi men theo những bờ ruộng để tới cánh đồng chiêm làng tôi. Từ cánh đồng này chúng tôi sẽ đi xuyên qua cánh đồng chiêm làng Thành Chu và làng Quỳnh Lâm để tới bến đò ở đầu làng Vĩnh Lại, rồi đi đò qua sông Hồng để đến bến xe đò Trung Hà đi Sơn Tây.
Tôi đi trước, mẹ tôi theo sau, cách nhau một khoảng độ chừng 30 hay 40m. Sở dĩ phải giữ khoảng cách này, là vì lỡ ra tôi có gặp dân quân du kích ở phía trước, tôi sẽ nói lớn, để mẹ tôi ở phía sau tìm cách lẩn tránh. Nếu dân quân du kích gặp mẹ con tôi đi với nhau trong đêm tối, thì họ sẽ nghĩ ngay là chúng tôi đang trên đường trốn chạy ra khỏi làng và sẽ bắt chúng tôi ngay. Tôi đi rất chậm để mẹ tôi có thể bắt kịp và sau mỗi quãng đường ngắn, tôi lại ngồi xuống, nhìn về sau để xem mẹ tôi có theo kịp hay không? Sau nhiều lần làm như thế, tôi đều thấy bóng đen chậm chạp của mẹ tôi nhô lên khỏi đường chân trời lấp lánh ánh sao đêm, nên tôi tin rằng mẹ tôi đã bắt kịp không mấy khó khăn. Cũng vì tin như thế nên nhịp độ đứng lên và ngồi xuống để nhìn về phía sau của tôi càng về sau càng thưa dần.
Khi đã đi xuyên qua hết cánh đồng chiêm làng tôi, và bắt đầu bước vào cánh đồng chiêm làng Thành Chu, một lần nữa tôi lại ngồi xuống để nghe ngóng xem có người lạ ở phía trước không? Khi không thấy ai ở phía trước cả, tôi mới nhìn về phía sau để tìm bóng dáng của mẹ tôi, nhưng hoàn toàn không thấy bà đâu cả. Không dám cất tiếng gọi, vì e ngại giữa cánh đồng trong đêm khuya thanh vắng, một tiếng gọi nhỏ, cũng có thể vang vọng xa cả mấy cây số, nên tôi đi ngược trở lại về phía sau một đoạn khá dài để tìm kiếm, nhưng vẫn không thấy mẹ tôi đâu cả. Lúc đầu tôi nghĩ rằng, có lẽ vì đã đi được một quãng khá dài trên đường ruộng gập ghềnh, do đó chứng đau nhức của bà lại làm khó dễ chi đây, nên tôi tìm kiếm loanh quanh thêm năm mười phút nữa nhưng vẫn không thấy bóng dáng mẹ tôi cả.
Lòng tràn ngập lo âu, song tôi vẫn tin rằng, có lẽ vì bờ ruộng, lúc thẳng, lúc cong, lúc quẹo trái, lúc quẹo phải, và mẹ tôi tuy mang tiếng là địa chủ, nhưng thực ra đây là lần đầu tiên bà bước chân tới cánh đồng chiêm của làng tôi, nên mới đi lạc quanh quẩn đâu đó thôi. Lòng vòng tìm kiếm thêm một hồi khá lâu nữa mà vẫn không thấy bà, tôi đành phải tiếp tục cuộc hành trình với hy vọng là sẽ gặp bà ở bến đò ngang qua Trung Hà tại đầu làng Vĩnh Lại, vì trước khi rời nhà ra đi, tôi cũng đã dặn phòng hờ rằng, trong trường hợp bị thất lạc thì bà cứ hỏi thăm đường đến bến đò này.
Trên đường tới bến đò Vĩnh Lại, tôi bắt đầu đi chậm lại, và mở rộng hướng đi lúc sang trái, lúc sang phải với hy vọng tìm được mẹ tôi, nhưng sau cả tiếng đồng hồ mà vẫn không gặp được mẹ tôi. Khi trời đã lờ mờ sáng, nhìn lại phía sau, tôi thấy một bóng đen đang đi hướng về bến đò làng Vĩnh lại, nên tôi đã vội mừng thầm, vì nghĩ đó có thể là mẹ tôi. Tôi đổi hướng đi để đón đầu bóng đen ấy, nhưng khi đến gần hơn, tôi nhận thấy bóng đen ấy đi đứng trên những bờ ruộng gập ghềnh rất vững vàng, chứng tỏ là rất quen thuộc với đồng ruộng, nên không thể là mẹ tôi được. Nỗi mừng vừa chợt đến, rồi lại chợt đi và nỗi lo âu lại tràn ngập lòng tôi vì tôi nghĩ rằng có lẽ là việc trốn chạy của gia đình tôi đã bị đổ bể, và rất có thể bóng đen đang di chuyển ấy là một trong những tên dân quân du kích được phái đi tìm kiếm chúng tôi. Vì nghĩ như thế, nên tôi bèn tìm một bờ ruộng cao gần đấy để ẩn mình, và cũng là để chờ xem cho rõ bóng đen ấy là ai? Vào lúc bóng đen đi ngang qua, tôi mới nhận ra bóng đen ấy là bố tôi. Tôi vội vàng bám theo ông và cho ông hay là mẹ tôi đã đi lạc. Dù lúc ấy trời tuy chưa sáng rõ lắm, nhưng tôi cũng đã cảm nhận được nét lo âu thoáng hiện trên mặt ông, nên tôi vội vàng nhắc tới lời bàn định trước khi ra đi, là mạnh ai nấy đi để tìm về điểm hẹn, dù có bị lạc nhau, và tôi cũng nói thêm để ông yên lòng là tôi sẽ nấn ná ở lại để tìm kiếm mẹ tôi.
Đã hơn 9 giờ sáng, cánh đồng làng Vĩnh Lại vẫn vắng lặng không một bóng người, ngoại trừ một vài con trâu đang cặm cụi gặm cỏ trên những thửa ruộng gần bờ đê. Có lẽ người dân trong làng này, dù thiếu thốn và vất vả quanh năm, song họ vẫn cố gắng xoay xở, đắp đỗi để được nghỉ ngơi vào dịp Tết. Nhìn xuôi về phía cánh đồng sau làng Trình Xá để tìm kiếm bóng hình của mẹ tôi nhưng chẳng thấy gì cả. Nhìn ngược lại cánh đồng làng Quỳnh Lâm, cũng chẳng thấy bóng dáng nào để có thể nghĩ là mẹ tôi. Nhìn về cánh đồng chiêm sau làng Vĩnh Lại, chỉ thấy một dải xanh thẫm trải dài bao quanh làng Thạch Cáp. Cả ba hướng đều thất vọng cả, nên tôi chỉ còn bám víu vào một tia hy vọng nhỏ nhoi là, những người khuất mặt, khuất mày và linh thiêng trong gia đình tôi sẽ dẫn lối chỉ đường cho mẹ tôi tới được bến đò ngang Vĩnh Lại.
Tôi tiếp tục đi về hướng bến đò, tuy chẳng còn bao xa nữa, song với tâm tư đầy chán nản và thất vọng. Khi tới bến đò, nhìn đồng hồ trên tay đã chỉ 10 giờ, mà cũng chẳng thấy mẹ tôi đâu. Hỏi thăm ông lái đò duy nhất ở bến đò này, thì được biết là, từ chuyến đò đầu tiên sáng nay cho tới lúc ấy, chưa có một bà già nào giống như tôi mô tả qua đò cả. Đã tám tiếng đồng hồ trôi qua, mà mẹ tôi vẫn chưa đến được bến đò chỉ cách nhà tôi khoảng 5 cây số.
Bình thường chúng tôi đi theo con đê để đến bến đò này chỉ mất hơn một tiếng là cùng. Tôi tin rằng trễ lắm là 8 giờ sáng, bọn bần cố nông có nhiệm vụ theo dõi gia đình tôi đã phát giác sự vắng mặt bất thường của gia đình tôi rồi, nên rất có thể, một trong những toán du kích và bần cố nông được cử đi lùng kiếm chúng tôi cũng đang trên đường đi đến bến đò này? Tôi cũng nghĩ là rất có thể mẹ tôi đã bị chúng tóm được ở một nơi nào đó rồi, và chúng đang mắng chửi và đánh đập bà trên đường dẫn giải về làng. Vì suy diễn như thế đã khiến tôi phân vân không biết có nên tiếp tục đi Hà Nội nữa không, nếu không kiếm được mẹ.
(còn tiếp)