EU và NATO cần mở cửa ngay cho Ukraine

Thứ Năm, 17 Tháng Mười 20244:00 SA

09

Quân Nga đang mở những cuộc tấn công mới chuẩn bị chiến dịch mùa Đông, hơn 2 năm sau khi bắt đầu cuộc xâm lăng. Đầu tháng 9/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bay qua Washington vận động Mỹ gia tăng viện trợ quân sự.

Ngay sau khi Zelensky trở về nước, quân Ukraine đã phải rút khỏi Vuhledar, lấy lý do “để bảo tồn lực lượng và vũ khí.” Quân Nga đông gấp bội đã vây hãm, bắn đại pháo, hỏa tiễn, và bom có định hướng trong hai năm. Thành phố trước đây có 14.000 dân, phần lớn là công nhân mỏ than, giờ chỉ còn 100, theo Associated Press. Vuhledar nằm trên một khu đất cao từ đó có thể quan sát nếu quân Nga di chuyển trên hai đường giao thông dưới cánh đồng.

Chiếm được Vuhledar, Nga chuẩn bị tấn công Pokrovsk cách đó 30 cây số về phía Bắc, vốn là một trung tâm chuyển quân và vũ khí của quân Ukraine. Khi nắm được Pokrovsk, Nga sẽ dễ dàng tiến tới các thành phố Chasiv Yar và Toretsk, nằm trên vùng đất cao hơn. Cả chiến tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine trong vùng này sẽ bị đe dọa.

Muốn ngăn chặn quân Nga, Ukraine cần đánh vào trong lãnh thổ Nga, nhắm tấn công các hậu cứ chuyển quân và vũ khí. Họ phải dùng tới các hỏa tiễn tầm xa đã được Mỹ và các nước Âu châu cung cấp; nhưng Mỹ chưa bật đèn xanh. Vì thế, các căn cứ quân sự Nga, cùng với các kho vũ khí và hỏa tiễn, những phi trường xuất phát các chuyến không kích vẫn hoạt động an toàn. Theo tin AP, mỗi ngày trung bình máy bay Nga thực hiện 120 trận không kích. Họ dùng những trái bom cũ từ thời Xô Viết, nhưng mới được ráp thêm các bộ phận điện tử để hướng dẫn chính xác hơn. Khi nào quân Ukraine chưa được phép phóng hỏa tiễn tầm xa tới các vị trí này, họ không hy vọng cản đường quân Nga.

Trước khi gặp ông Zelensky, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, “Tôi phải nói rõ ràng, Nga không thể thắng cuộc chiến này … Ukraine sẽ chiến thắng.” Nhưng tình trạng thực tế trên các mặt trận hiện nay không lạc quan như vậy. Chiến tranh càng kéo dài thì Ukraine càng bất lợi trên nhiều mặt. Số binh sĩ sẽ giảm dần, dân số Ukraine chỉ bằng một phần năm dân Nga. Ngoài ra, hơn 6 triệu rưỡi người đã ra nước ngoài tị nạn, trong đó có nhiều thanh niên.

Ukraine vẫn giữ chế độ quân dịch, nhưng số người tòng quân giảm sút, phải kiểm soát các phòng trà buổi tối để “bắt lính” và tuyển nhiều người đã lớn tuổi, bệnh hay nghiện rượu; quân sĩ thường vắng mặt từ 5 % đến 10 %, theo tờ Economist! Ukraine phải sử dụng đến các nữ quân nhân tình nguyện, gần một phần năm quân số, theo tạp chí Grid Magazine; phụ nữ chỉ chiếm dưới một phần trăm quân đội Nga. Quân Nga tiếp tục tuyển các tay tội phạm tình nguyện ra mặt trận để được xóa án. Vadym Skibitsky, phát ngôn viên Tình báo Quân đội Ukraine nói với báo Kyiv Independent rằng mỗi tháng có 30.000 lính tình nguyện ký hợp đồng với quân đội Nga.

Sức mạnh của Ukraine là dân chúng đồng tâm bảo vệ tổ quốc; quân đội chiến đấu dũng cảm và bộ chỉ huy lo bảo vệ mạng sống của binh sĩ.

Một sĩ quan chỉ huy Ukraine nói với báo Economist rằng cứ mỗi binh sĩ của họ chết hoặc bị thương thì Nga bị thương vong nhiều gấp sáu lần. Kể từ khi ông Putin ra lệnh xâm lăng, tháng Hai năm 2022, gần một triệu quân Nga đã bị loại ra ngoài vòng chiến. Hiện mỗi ngày Nga mất thêm hơn một ngàn binh sĩ, theo nhật báo Wall Street Journal ngày 17 tháng 9, 2024. Nhật báo Kyiv Post tại thủ đô Kyiv của Ukraine, cho biết thêm trong tháng Chín vừa qua 38.130 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến; số thiệt hại nặng hàng thứ nhì kể từ khi khởi chiến. Theo nhà phân tích thống kê Ragnar Gudmundsson ở Washington, trong số 10 ngày quân Nga bị thương vong nặng nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu thì có bốn ngày xảy ra trong tháng Chín vừa qua. Ngày 21, mất 1.440 binh sĩ, ngày 22 mất 1.500, ngày 24, 1.400, và ngày 28, mất 1.470 binh sĩ.

Khả năng sản xuất vũ khí của Ukraine cũng kém Nga mặc dù tiềm năng rất cao. Trước đây, Ukraine là nơi sản xuất vũ khí lớn của Liên bang Xô Viết nhưng hiện nay chỉ dùng được một phần ba tiềm năng của họ, theo báo Economist. Từ khi độc lập, nhiều cơ xưởng vũ khí đã ngưng hoạt động suốt mấy chục năm; hiện nay phần lớn công nhân và giới quản đốc phải nhập ngũ. Các công ty vũ khí Mỹ và Âu châu đã tới đầu tư, sử dụng các nhà máy nhưng chưa hoạt động được đầy đủ.

Chiến tranh trong thời đại công nghiệp tùy thuộc vào sức sản xuất kinh tế; Economist cho biết sau hơn 2 năm chiến tranh kinh tế Ukraine vẫn đứng vững và có phần phát triển hơn trước khi bị xâm lăng, mặc dù nhiều công nhân đã nhập ngũ hoặc ra ngoại quốc.

Quân đội Ukraine vẫn cần được tiếp viện nhiều hơn mức độ hiện nay. Theo Kiel Institute for The World Economy, Mỹ đã giúp Ukraine hơn 75 tỉ đồng euros, trong đó 51.6 tỉ euros vũ khí, cho tới cuối tháng 6 vừa qua. Các nước thuộc Liên hiệp Âu châu (EU) cùng Norway, Iceland, Anh và Thụy Sĩ giúp 110.2 tỉ euro, trong đó 51.5 tỉ dành cho vũ khí.

Kiel Institute cho biết sau Mỹ là Đức, Anh quốc, Nhật Bản và Canada, đã viện trợ 14.7 tỉ, 13.1 tỉ, 9.1 tỉ, và 7.2 tỉ đồng euro. Đan Mạch, Estonia, Lithuania đóng góp với tỉ lệ cao nhất so với Tổng Sản Lượng Nội Địa của họ. Hòa Lan, Thụy Điển, Ba Lan và Phần Lan, giúp Ukraine từ $5 tỉ xuống đến $2 tỉ rưỡi, theo bản tin BBC.

Nhưng các chương trình viện trợ của các nước Tây phương không đáp ứng đúng nhu cầu của quân đội Ukraine trên chiến trường. Vụ thất thủ Vuhledar là hậu quả tiêu biểu; vì Ukraine không được phép phóng vào nước Nga các hỏa tiễn tầm xa, như hệ thống ATACMS (Army Tactical Missile Systems) của Mỹ.

Cuộc chiến Ukraine tùy thuộc các quyết định chính trị ở Washington và Brussels, Âu châu, cũng như Moscow, Bắc Kinh, và Tehran, Iran, Bình Nhưỡng, Bắc Hàn là những nước cung cấp vũ khí cho Nga. Trong khi đó, một khuynh hướng mới đã xuất hiện trong giới chính trị ở Mỹ, không còn thiết tha đến việc giúp Ukraine tự bảo vệ nữa.

Khi quân Nga xâm lăng Ukraine gần một năm, nhật báo The Wall Street Journal, vốn là tiếng nói của khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ đã viết vào tháng 12/2022: “Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư với lợi suất rất cao! Một đạo quân thù nghịch quan trọng bậc nhất của nước Mỹ đang bị đánh tơi tả, mà không một người lính Mỹ nào phải hy sinh!” Kinh tế gia Tim­o­thy Garton Ash phân tích lợi hại (costs and ben­e­fits): “Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư ít tốn kém đáng kinh ngạc vì làm hao tổn “sức mạnh quân sự của nước Nga mà chỉ tốn mấy phần trăm ngân sách Ngũ Giác Đài,” tức bộ quốc phòng Mỹ.

Mục đích của ông Vladimir Putin khi đánh Ukraine là ngăn không cho nước này gia nhập Liên Hiệp Âu châu (EU) và tham gia minh ước quân sự NATO trong đó Mỹ đóng vai chính. Muốn làm ông Putin nản chí thì phải cho ông thấy việc Ukraine vào EU và NATO chắc chắn sẽ diễn ra, dù ông còn tiếp tục chiến tranh.

Liên Hiệp Âu châu đã bắt đầu thảo luận thể thức gia nhập với hai nước Ukraine và Moldova, một nước láng giềng đang bị Nga xâm lấn. Sau khi gặp ông Zelensky và công bố số tiền viện trợ gần $8 tỉ mỹ kim, trong ngân sách $61 tỉ đã được quốc hội Mỹ thông qua từ tháng Tư, ông Joe Biden đã tuyên bố Ukraine đang “tiến trên đường gia nhập EU và NATO.”

Lời hứa hẹn này phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Ukraine vào NATO không có nghĩa là quân đội các nước trong minh ước sẽ tiến vào nước này, cũng không cần tham dự vào cuộc chiến. Khi Cộng Hòa Liên bang Đức gia nhập NATO năm 1955, họ vẫn chấp nhận một nửa quốc gia bị quân Nga chiếm đóng. Na Uy đã vào minh ước từ năm 1949 nhưng không để cho quân NATO trú đóng tại nước mình. Ukraine cũng có thể đi trên con đường tương tự.

Khi triển vọng Ukraine sẽ tham dự vào EU và NATO ngày rõ rệt và chắc chắn hơn, ông Putin sẽ phải chấp nhận không thể nào chinh phục được Ukraine để tái lập một đế quốc như thời Liên Xô nữa. Khi đó, dân Ukraine mới có hy vọng sống trong hòa bình.

NGÔ NHÂN DỤNG

Bài Liên Quan

Leave a Comment