Hiến pháp Triều Tiên gọi Hàn Quốc là ‘quốc gia thù địch’

Ảnh ông Kim Jong Un

  • Tác giả,Kelly Ng
  • Vai trò,BBC News

Hiến pháp của Triều Tiên hiện đã định nghĩa Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, truyền thông nhà nước đưa tin khi lần đầu tiên đề cập tới những sửa đổi trong hiến pháp mới đây.

Tờ báo nhà nước Rodong Sinmun đưa tin rằng thay đổi này là “biện pháp tất yếu và hợp pháp”, trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc dâng lên mức cao nhất sau nhiều năm.

Hôm 15/10, Triều Tiên đã cho nổ những tuyến đường bộ và đường sắt có kết nối với Hàn Quốc – một động thái mà truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả là “một phần của việc triển khai từng bước để tách biệt hoàn toàn [hai miền bán đảo Triều Tiên].”

Một số nhà quan sát coi việc sửa đổi hiến pháp này chỉ là một bước đi mang tính biểu tượng, vì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ bỏ mục tiêu thống nhất từ tháng 12/2023.

Lúc bấy giờ, truyền thông nhà nước đưa tin ông Kim nói rằng mối quan hệ liên Triều đã trở thành “mối quan hệ giữa hai quốc gia thù địch và giữa hai phe trong chiến tranh”.

Sau đó, vào tháng 1/2024, ông Kim tuyên bố việc thống nhất với Hàn Quốc là không thể xảy ra, đồng thời gợi ý việc thay đổi hiến pháp trong đó nêu rõ Hàn Quốc là “kẻ thù chính”.

Kể từ đó, các màn trao đổi qua lại đã trở nên ngày càng căng thẳng, đặc biệt trong những tháng gần đây.

Thuật ngữ “quốc gia thù địch” định hình cách Bình Nhưỡng giao thiệp với Seoul trong gần một năm qua, ông Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation (Mỹ), nói.

“Khi được công bố vào cuối năm 2023, đó là một diễn biến chấn động bởi nó làm gia tăng nguy cơ đối đầu và khả năng bùng phát một vòng xoáy leo thang,” ông Bennett nói với BBC.

“Kể từ đó, ông Kim và em gái đã đưa ra hàng loạt lời đe dọa vũ khí hạt nhân nhằm vào [Hàn Quốc] và Mỹ, đồng thời làm leo thang căng thẳng bằng nhiều hành động khác. Do đó, rủi ro đã gia tăng.”

Nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện các sửa đổi hiến pháp về việc thống nhất với Hàn Quốc và về những chính sách biên giới trong cuộc họp của Đại hội Nhân dân Tối cao (SPA) tuần trước – nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin là có những thay đổi này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện là không cao.

“Tôi không cho rằng tình hình sẽ leo thang đến mức xảy ra chiến tranh,” Giáo sư Kang Dong-wan dạy khoa học chính trị và ngoại giao tại Đại học Dong-a ở Busan đánh giá.

“Triều Tiên đang lợi dụng việc quân đội hai nước đối đầu để gia tăng đoàn kết nội bộ.”

Giáo sư Kim Dong-yup từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul đặt nghi vấn về khả năng Bình Nhưỡng phát động chiến tranh toàn diện.

“Chính quyền Triều Tiên ý thức rất rõ những hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xung đột như vậy,” ông nói.

  • Joel Guinto tường thuật bổ sung.

Bài Liên Quan

Leave a Comment