Mỗi lần nguy cơ xung đột giữa Israel và Iran bùng lên, truyền thông quốc tế lại chú ý nhiều hơn đến « chương trình hạt nhân » của Teheran với những câu hỏi như là Cộng Hòa Cách Mạng Hồi Giáo đã làm chủ công nghệ chế tạo bom nguyên tử hay chưa ? Nếu chưa, thì viễn cảnh đó còn bao xa ? Ngoài những giới hạn mang tính kỹ thuật, về mặt chính trị Teheran có vội trang bị phương tiện răn đe này hay không ?
Đăng ngày: 18/10/2024
RFI xin giới thiệu quan điểm của nhiều chuyên gia Pháp và quốc tế về vũ khí hạt nhân, về Iran, góp phần trả lời những câu hỏi này.
Iran vẫn « ngấp nghé » tham gia câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân
Trong chưa đầy một năm, Iran đã hai lần (tháng 4 và tháng 10/2024), bắn ồ ạt tên lửa sang Israel, một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Trong cả hai đợt thách thức Nhà nước Do Thái, khoảng 92% lần một và gần 80 % trong lần hai, tên lửa đạn đạo của Teheran đã bị « vòm sắt » của Israel chận được theo nghiên cứu của viện James Martin Center For Nonproliferation Studies, trụ sở tại California, Hoa Kỳ.
Cũng trong năm 2024, chiến lược của Iran trông cậy vào « Trục kháng chiến » cũng đã bị đặt trước nhiều thách thức, khi mà thủ lĩnh của các phong trào Hồi Giáo ở Liban và Palestine lần lượt bị Israel « tiêu diệt ». Cùng lúc, Nhà nước Do Thái đòi « tấn công luôn cả vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran ».
Tất cả những yếu tố nói trên càng làm dấy lên những đồn đoán về « mối đe dọa hạt nhân Iran » nhất là vào lúc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA xác nhận Teheran đã có hẳn một chương trình làm giầu chất uranium từ nhiều năm nay. Ít nhất hai nhà máy Natanz và Fordo đã nắm giữ « các kỹ thuật làm giàu chất uranium ». Báo cáo gần đây nhất của AIEA thẩm định Teheran hiện nắm giữ hơn 160 kg uranium được làm giàu với độ tinh khiết 60 % . Nhưng để chế tạo bom nguyên tử cần sử dụng uranium có chất đồng vị U235 vốn chỉ chiếm 0,7 % trong chất uranium tự nhiên, tức là uranium được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử cần được làm giàu đến 90 %.
Từ chất uranium được làm giàu đến công nghệ chế tạo bom nguyên tử
Về câu hỏi Iran đã có công nghệ làm giàu uranium hay chưa, theo thẩm định của kỹ sư về công nghệ nguyên tử, Sébastien Philippe, giảng dậy tại đại học Princeton- Hoa Kỳ thì câu trả lời là CÓ, bởi trên nguyên tắc quốc gia Hồi Giáo này « đã có nhiều máy ly tâm và có hẳn một khối lượng uranium đã được làm giàu. Iran có khả năng sản xuất trong 24 giờ đồng hồ đến 28 kg uranium được làm giàu 90% và trung bình, đó là khối lượng cần thiết để chế tạo bom theo như quy định của AIEA ».
Vẫn theo chuyên gia này, « về mặt lý thuyết », trong một tháng Iran có đủ nguyên liệu cho phép chế tạo từ 4 đến 16 quả bom nguyên tử tùy theo mức độ « tinh vi » của loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Nhưng chế tạo bom không chỉ đòi hỏi uranium được làm giàu, mà còn cần có cả những bí quyết để biến uranium được làm giàu thành những thanh nguyên liệu. Chỉ riêng công đoạn này đòi hỏi « nhiều tuần lễ ». Ở bước kế tiếp, những thanh nguyên liệu đó lại phải đi qua một khâu chế biến để trở thành những khối hình quả cầu và như ông Philippe giải thích với nhật báo Le Figaro (ngày 12/10/2024) « quả cầu uranium đó phải tạo ra được chuỗi phản ứng phân hạch dây chuyền », mà phản ứng càng mạnh thì sức công phá của quả bom càng lớn. Ẩn số ở đây là liệu Iran có được những « công cụ » cần thiết ở các khâu này hay chưa.
Thêm một điểm nữa được giới trong ngành ghi nhận : chế tạo được đầu đạn hạt nhân là một chuyện, chế tạo tên lửa có mang theo đầu đạn hạt nhân lại là một chuyện khác. Đó là hai công nghệ khác nhau mà theo chuyên gia về vũ khí hạt nhân của trường Princeton Sébastien Philippe thì « với những hiểu biết hiện tại », Iran làm chủ được tất cả các công nghệ vừa nêu. Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng, khi Israel bắt đầu phát triển vũ khí nguyên tử, Nhà nước Do Thái có ít phương tiện hơn hẳn so với hoàn cảnh của Iran hiện nay ». Do vậy theo thẩm định của đại sứ Israel tại Paris, Joshua Zarka (phát biểu trên đài truyền hình Pháp LCI hôm 08/10/2024) Iran cần từ 1 năm đến 1 năm rưỡi nữa sẽ có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhìn từ Matxcơva, các chuyên gia của Nga đánh giá 5 năm nữa Teheran mới có được vũ khí hạt nhân.
Những lời đồn đoán « nguy hiểm chết người »
Nhưng những phỏng đoán, đồn thổi về hiểm họa hạt nhân Iran cũng có phần nguy hiểm khi mà một số quốc gia có thể coi đó là cái cớ để « diệt trừ hậu họa ». Chuyên gia về Iran Clément Therme giảng dậy tại đại học Paul Valéry –Montpellier nhắc lại các « chuyên gia » đã nhiều lần đánh giá sai tình hình. Cách nay đúng nửa thế kỷ, năm 1974 tình báo Mỹ CIA đã báo động « Iran sắp có vũ khí hạt nhân » và chính những đánh giá sai lầm này đã đem lại nhiều hậu quả tai hại. Giáo sư Benoit Pelopidas, trường Khoa Học Chính Trị Paris nhắc lại các vụ 5 nhà khoa học Iran về nguyên tử đã bị « ám sát » (4 trường hợp trong giai đoạn 2010-2012 và trường hợp cuối cùng là vào năm 2020). Cũng vì những « hoài nghi » về mối đe dọa hạt nhân mà năm 2003 Hoa Kỳ đã viện cớ xâm chiếm Irak, lật đổ chế độ Saddam Hussein hay là vào năm 2007 quân đội Israel đã oanh kích lò phản ứng Al Kibar của Syria.
Chế độ Iran « giữ khoảng cách » với bom nguyên tử
Các chuyên gia được báo Pháp Le Figaro trích dẫn nhắc lại một điều cơ bản : từ sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo 1979 chế độ trong tay giáo chủ Khomenei khi đó đã tạm gác sang một bên các chương trình hạt nhân do muốn « cắt đứt các thỏa thuận với phương Tây, vốn từng hỗ trợ các chương trình hạt nhân dân sự » tại Iran … Song đến đầu thập niên 1980 và trong bối cảnh chiến tranh Iran–Irak (1980-1988) Teheran đã « quay trở lại » tham vọng hạt nhân. Năm 2003 khi Hoa Kỳ viện cớ Bagdad « phát triển vũ khí hủy diện đưa quân xâm chiếm Irak » thì chính giáo chủ Ali Khamenei, nhân vật quyền lực nhất tại Iran hiện nay đã « cấm » các chương trình « thiết kế và sử dụng » vũ khí nguyên tử. Lập trường này đã được nhắc lại vào năm 2010. Điều đó không cấm cản, trong bóng tối, chế độ Iran vẫn bí mật phát triển chương trình hạt nhân quân sự và đã bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Đến 2015 Iran ký kết với khối Lục Cường (5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức) hiệp định Vienna –Áo ngừng phổ biến vũ khí nguyên tử. Hiệp định này đã bị chính quyền Mỹ của Donald Trump « xé bỏ » và lại mở đường cho Iran khởi động lại các chương trình hạt nhân quân sự. Nhưng dưới thời chính quyền Biden, Teheran để ngỏ khả năng « chính sách về hạt nhân của Iran có thể thay đổi ».
Bom nguyên tử đối với Teheran : Lợi bất cập hại ?
Clément Therme, đại học Paul Valéry nhận định : Sự tồn tại của chế độ mới là mối lo ngại chính ám ảnh các giới chức tại Teheran hiện nay và không ít người trong số đó e rằng « nếu Iran trang bị vũ khí hạt nhân, thì nguy cơ chế độ bị sụp đỏ lại càng lớn ». Tân tổng thống Iran Massoud Pezechkian đã nhiều lần để ngỏ khả năng « quay lại hiệp định Vienna » năm 2015 và « trong tương lai tránh hủy hoại các nỗ lực ngoại giao với phương Tây ». Ai cũng biết, quyền lực thật sự tại Cộng Hòa Cách Mạng Hồi Giáo Iran được đặt trong tay giáo chủ Ali Khamenei, nay đã 85 tuổi và sức khỏe bị suy yếu, nhưng cũng chính nhân vật đầy quyền lực này đã chọn một chính khách được cho là « có đường lối cởi mở với phương Tây » đứng đầu bộ Ngoại Giao. Cựu đại sứ Pháp Bertrand Besancenot và hiện là cố vấn ngoại giao của tổng thống Macron đã ghi nhận như trên trong một tài liệu được lưu hành nội bộ.
Clément Therme chuyên nghiên cứu về Iran được báo Le Figaro trích dẫn nhận định : hiện tại có nhiều nghi vấn bao quanh hiểm họa hạt nhân Iran mà câu hỏi chính vẫn là Teheran đã có vũ khí nguyên tử hay chưa. Ai cũng biết là công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân trong tầm với của Iran, nhưng tình huống « tranh tối tranh sáng này » góp phần gây thêm ảnh hưởng cho chế độ trên trường quốc tế và cũng là một đòn để Teheran đàm phán với phương Tây.
Trái lại một quốc gia như Bắc Triều Tiên, khi đã có vũ khí hủy diệt hàng loạt thì không còn phương tiện để mặc cả. Benoit Pelopidas, trường Khoa Học Chính Trị Paris quan niệm có vũ khí hạt nhân « chưa chắc đã là hay » bằng chứng là nhiều quốc gia như Brazil, Nam Phi hay Nhật Bản thừa sức tham gia câu lạc bộ các cường quốc nguyên tử nhưng vẫn đứng ngoài, bởi vì « thực sự ôm những quả bom này không hẳn là điều công luận mong muốn hơn cả ».