- Tác giả,Zoe Kleinman
- Vai trò,Biên tập viên công nghệ
- 21 tháng 10 2024
Trong vòng 24 giờ qua, tôi đã gửi hơn 100 tin nhắn WhatsApp.
Không có tin nhắn nào quá hay ho. Tôi lên kế hoạch với gia đình, thảo luận vài dự án công việc với đồng nghiệp và tán gẫu với vài người bạn.
Có lẽ tôi phải làm gì đó thú vị hơn. Ấy vậy, ngay cả những tin nhắn nhàm chán nhất vẫn mặc định được mã hóa và sử dụng những máy chủ mạnh mẽ của WhatsApp ở nhiều trung tâm dữ liệu khắp thế giới.
Vận hành hệ thống này không hề rẻ, nhưng cả tôi lẫn những người tôi nói chuyện cùng vào hôm qua đều không phải trả một đồng nào để sử dụng WhatsApp.
Hiện WhatsApp có gần 3 tỷ người dùng.
Vậy WhatsApp, hay còn được gọi là “zapzap” ở Brazil, kiếm tiền như thế nào?
Việc WhatsApp có công ty mẹ khổng lồ là Meta đứng sau cũng giúp ích phần nào.
Meta là công ty sở hữu Facebook và Instagram.
Các tài khoản cá nhân như của tôi có thể sử dụng miễn phí vì WhatsApp kiếm được tiền từ khách hàng là các doanh nghiệp muốn liên lạc với người dùng như tôi.
Từ năm ngoái, các doanh nghiệp có thể tạo kênh miễn phí trên WhatsApp để gửi tin nhắn cho tất cả những ai đăng ký theo dõi.
Tuy nhiên, họ sẽ phải trả phí để có thể tương tác riêng với từng khách hàng qua WhatsApp, bao gồm cả việc trò chuyện và thực hiện giao dịch.
Việc này còn khá mới mẻ ở Anh. Tuy nhiên, ví dụ như ở thành phố Bangalore (Ấn Độ), bạn có thể mua vé xe buýt và lựa chọn vị trí ghế ngồi qua WhatsApp.
“Tầm nhìn của chúng tôi, nếu chúng tôi thành công, là mỗi doanh nghiệp và mỗi khách hàng có thể hoàn thành mọi thứ trong ô trò chuyện,” bà Nikila Srinivasan, Phó Chủ tịch bộ phận nhắn tin doanh nghiệp của Meta, nói.
“Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn mua vé, muốn trả hàng, hoặc muốn thanh toán, bạn có thể làm tất cả những điều đó mà không cần rời khỏi ô trò chuyện. Và rồi ngay lập tức quay lại với những cuộc trò chuyện khác mà bạn có.”
Các doanh nghiệp cũng có thể trả tiền để tạo một đường liên kết giữa một quảng cáo trên Facebook hoặc Instagram với một mục trò chuyện trên WhatsApp
Bà Srinivasan nói với tôi rằng chỉ riêng tính năng này hiện đã có giá trị “hàng tỷ đô la” đối với gã khổng lồ công nghệ.
Các ứng dụng nhắn tin khác có cách tiếp cận khác.
Signal, một nền tảng nổi tiếng với giao thức bảo mật tin nhắn vốn đã trở thành tiêu chuẩn cho ngành này, thuộc một tổ chức phi lợi nhuận (Signal Technology Foundation).
Theo tổ chức này, họ chưa bao giờ nhận tiền từ các nhà đầu tư (khác với ứng dụng Telegram, vốn phụ thuộc vào các nhà đầu tư).
Thay vào đó, Signal hoạt động nhờ các khoản quyên góp – bao gồm khoản tiền 50 triệu USD mà Signal nhận vào năm 2018 từ ông Brian Acton, một trong những nhà đồng sáng lập WhatsApp.
“Mục tiêu của chúng tôi là tiến gần nhất có thể đến việc hoạt động hoàn toàn bằng các khoản đóng góp nhỏ từ số lượng lớn người quan tâm đến Signal,” Chủ tịch Signal Meredith Whittaker viết trong một blog vào năm ngoái.
Discord, ứng dụng nhắn tin chủ yếu được giới trẻ chơi game sử dụng, áp dụng mô hình “freemium” – đăng ký miễn phí, nhưng có bao gồm những chức năng trả phí, ví dụ như quyền truy cập vào trò chơi.
Ứng dụng này cũng có gói thành viên trả phí gọi là Nitro. Với mức phí 9,99 USD/tháng, người sử dụng nhận thêm một số lợi ích đi kèm như xem video với độ phân giải cao và các biểu tượng cảm xúc tùy chỉnh.
Snap, công ty đứng sau Snapchat, kết hợp nhiều mô hình khác nhau.
Công ty này chạy quảng cáo, có 11 triệu người dùng trả phí (tính vào thời điểm tháng 8/2024) và cũng bán kính thực tế tăng cường có tên Snapchat Spectacles.
Snap vẫn còn một mánh kiếm tiền nữa – theo Forbes, từ năm 2016 đến 2023, Snap đã kiếm được gần 300 triệu USD chỉ từ tiền lãi ngân hàng.
Nhưng nguồn doanh thu chính của Snap vẫn là quảng cáo – hơn 4 tỷ USD mỗi năm.
Công ty Element có trụ sở tại Anh thu phí các chính phủ và doanh nghiệp lớn muốn sử dụng hệ thống nhắn tin bảo mật của họ.
Khách hàng sử dụng công nghệ của Element nhưng sẽ tự vận hành trên các máy chủ của chính họ.
Công ty 10 năm tuổi có “doanh thu hàng chục triệu đô la Mỹ” và “gần đến điểm có lãi”, ông Matthew Hodgson, đồng sáng lập Element, nói với tôi.
Ông tin rằng mô hình kinh doanh phổ biến nhất cho các ứng dụng nhắn tin vẫn là quảng cáo kỹ thuật số.
“Về cơ bản, [nhiều nền tảng nhắn tin] bán quảng cáo bằng cách theo dõi xem người dùng làm gì, nói chuyện với ai, và sau đó đưa ra những quảng cáo phù hợp nhất nhằm vào họ,” ông nói.
Ý tưởng ở đây là ngay cả khi tin nhắn có mã hóa và ẩn danh, các ứng dụng nhắn tin không cần biết nội dung tin nhắn để hiểu về người dùng. Thông tin này sau đó sẽ được sử dụng để bán quảng cáo.
“Câu chuyện muôn thuở rồi – nếu bạn không phải trả tiền để sử dụng sản phẩm, rất có thể bạn chính là sản phẩm,” ông Hodgson nói thêm.