Ấn Độ và Trung Quốc tìm ra « giải pháp » cho xung đột ở biên giới

Sau nhiều năm tranh chấp chủ quyền và các cuộc đụng độ đẫm máu ở vùng Himalaya, sáng nay, 22/10/2024, Trung Quốc thông báo đã tìm ra được « giải pháp » với Ấn Độ trong hồ sơ này. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh thượng đỉnh của khối BRICS mà Bắc Kinh và New Delhi là thành viên, được mở ra tại Nga.

Đăng ngày: 22/10/2024

Ảnh minh họa : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào các phóng viên trong một cuộc gặp ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 18/09/2014.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào các phóng viên trong một cuộc gặp ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 18/09/2014. REUTERS – Ahmad Masood

Chi Phương

Trong lúc thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Kazan, ở Nga, dự thượng đỉnh của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lin Jian, hôm nay, 22/10/2024, khẳng định rằng « Trung Quốc và Ấn Độ đã duy trì liên lạc chặt chẽ thông qua các kênh ngoại giao và quân sự,…, và hai bên đã đạt được giải pháp cho các vấn đề liên quan… Bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ cùng Ấn Độ thực thi giải pháp đó ».

Trước đó một ngày, hai bên cũng đã ký thỏa thuận phối hợp tuần tra ở vùng biên giới tranh chấp. Từ Bangalore, thông tín viên Sébastien Come tường trình :

Trung Quốc và Ấn Độ đã có tranh chấp đối với 4000 km đường biên giới ở trên nóc nhà thế giới từ năm 1962. Đáng nói nhất là cuộc đụng độ vào tháng 06/2020, khiến khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc bỏ mạng khi đội tuần tra của hai bên đi ngang qua nhau.

Quan hệ giữa hai nước kể từ đó đã xấu đi nhiều, xuống mức thấp nhất, được bộ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ mô tả vào tháng trước là « không được tốt » lắm, và khẳng định rằng Ấn Độ vẫn còn « vấn đề Trung Quốc ».

Thỏa thuận được công bố hôm thứ Hai, liên quan đến việc phân bổ các cuộc tuần tra tại « đường kiểm soát », tức một vùng đệm phi quân sự hóa. Thỏa thuận này không giải quyết tranh chấp giữa biên giới, nhưng nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng leo thang trong khu vực. Ấn Độ đặc biệt chỉ trích Trung Quốc vì cho xây dựng các ngôi làng, đưa dân đến định cư, sát với đường biên giới. New Delhi coi đây là hành động khiêu khích.

Thỏa thuận nhằm xoa dịu quan hệ giữa hai bên được đưa ra không phải là ngẫu nhiên, mà trong bối cảnh thượng đỉnh BRICS khai mạc tại Kazan. Ấn Độ và Trung Quốc có lập trường cạnh tranh với nhau về BRICS quy tụ các nước Nam bán cầu. Các cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Narendra Modi được theo dõi chặt chẽ. Qua thỏa thuận này, hai ông lớn của châu Á muốn chứng tỏ rằng sự đối đầu giữa hai bên, không phải là không thể giải quyết được. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment