Bầu cử tổng thống Mỹ : Giới doanh nhân thiên về Donald Trump

Đăng ngày: 22/10/2024

Hai tuần trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2024, ứng cử viên của đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ được các doanh nhân Mỹ tín nhiệm hơn ? Bàn thắng có phần nghiêng về phía Donald Trump. Quỹ vận động tranh cử mà giới tài chính ở Wall Street huy động cho ứng viên Cộng Hòa cao gấp đôi so với của bên đảng Dân Chủ.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk phát biểu tại meeting của ứng viên Donald Trump ở bang Pennsylvania. Ảnh ngày 05/10/2024.
Tỷ phú Mỹ Elon Musk phát biểu tại meeting của ứng viên Donald Trump ở bang Pennsylvania. Ảnh ngày 05/10/2024. AP – Alex Brandon

Trên dưới hơn 50 nhà tỷ phú Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Donald Trump, mà ồn ào hơn cả là người giàu nhất thế giới Elon Musk cho dù trong quá khứ Musk và Trump từng mạnh mẽ đả kích nhau trước công chúng.

Trong danh sách những nhà tài phiệt ủng hộ Donald Trump có từ những tên tuổi lớn trong giới ngân hàng, những ông trùm tại thung lũng công nghệ Silicon và giới trong ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ.

Trong danh sách đó có cả những nhà tỷ phú từng rất hào phóng tài trợ cho chương trình tranh cử của nhiều đời tổng thống bên đảng Dân Chủ, từ Bill Clinton, Barack Obama đến Joe Biden và cho phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ chạy đua vào Nhà Trắng là cựu ngoại trưởng kiêm đệ nhất phu nhân, Hillary Clinton hồi 2016, khi bà phải đương đầu với tỷ phú địa ốc New York Donald Trump.

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos (ngày 06/10/2024) ghi nhận đến nay Wall Street huy động 220 triệu đô la cho ông Trump và con số này cao hơn gấp đôi so với quỹ dành cho ứng viên bên đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris. 

Trong lần thứ ba ra tranh cử Donald Trump, 78 tuổi, không bị các doanh nhân ủng hộ ông chỉ trích là « già nua » hay là « một mối đe dọa đối với nền dân chủ Hoa Kỳ » (như tài phiệt Bill Ackman về trách nhiệm của Trump khi những người ủng hộ ứng viên đảng Cộng Hòa tràn vào tòa nhà Quốc Hội ở điện Capitol hôm 06/01/2021.

Không thấy nhà tỷ phú mang hai quốc tịch Canada và Mỹ, gốc Sri Lanka, Chamath Palihapitiya đánh đồng Donald Trump với Bernie Sanders, đại diện cho hai cánh cực hữu và cực tả « điên rồ ». Chamath giờ đây khẳng định Trump là một vị « tổng thống có tài, hoàn thành nhiệm vụ rất tốt » trong nhiệm kỳ 4 năm (2016-2020). Một số khác cũng dễ dàng « đổi ý » về ông Trump, mời cựu tổng thống Hoa Kỳ về nhà riêng và tổ chức những bữa tiệc để gây quỹ giúp ông chóng trở lại Nhà Trắng.    

John Catsimatidis, 76 tuổi, một người Mỹ gốc Hy Lạp giàu có nhờ hệ thống siêu thị Gristedes đang có tham vọng ra tranh cử tranh chức thị trưởng New York tỏ ra hết sức thực tiễn : « Cộng tác với Donald Trump có nghĩa là có thể mở ra tất cả mọi cánh cửa trong giới doanh nhân ở New York ».

Nhìn chung, có ít nhất ba yếu tố khiến nhiều nhà tỷ phú Mỹ thiên về Donald Trump.

Hứa hẹn giảm thuế doanh nghiệp

Lý do đầu tiên, ứng viên của đảng Cộng Hòa hứa giảm thuế doanh nghiệp có lợi cho giới chủ. Donald Trump đề nghị hạ thuế doanh nghiệp đang từ 20 % xuống còn 15 % vào lúc đối thủ bên đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris đòi đẩy mức thuế này lên 28 % và « đánh thuế nhà giàu ».

Trong nhiệm kỳ Trump, tháng 9/2019, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ « rơi xuống còn 3,5 % và đấy là mức thấp nhất chưa từng thấy từ 50 năm qua ». Sau đó dưới tác động của đại dịch Covid, thất nghiệp ở Hoa Kỳ tăng cao lên trở lại và dao động ở ngưỡng trên dưới 8 %.

Trên sàn chứng khoán Wall Street, trong 4 năm nhiệm kỳ Donald Trump, các chỉ số Dow Jones và S&P500 tăng 50 % riêng chỉ số Nasdaq trong lĩnh vực công nghệ đã tăng lên hơn gấp đôi.

Hứa hẹn về một môi trường tự do « không giới hạn »  

Theo tiết lộ của hãng tin Bloomberg ứng cử viên Donald Trump đã gặp gỡ không dưới 80 lãnh đạo các chủ doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn với một thông điệp duy nhất : trong trường hợp trở lại cầm quyền, ông « cởi trói » cho các doanh nghiệp. Xóa bỏ những biện pháp quản lý tài chính, chứng khoán mà chính quyền Joe Biden áp đặt với tập đoàn tham gia sàn chứng khoán Wall Street. Trump sẽ mở đường cho giới ngân hàng, cho các quỹ đầu tư « tự do hoạt động trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng tài chính 2008 », theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters.

Với các tập đoàn dầu khí, ứng cử viên Donald Trump hứa sẽ « dẹp bỏ » các chuẩn mực về môi trường cũng do « chính quyền Biden đặt ra ».

Điều ngạc nhiên hơn cả là « các ông chủ » ở thung lũng công nghệ Silicon có khuynh hướng ủng hộ ông Trump. Từ trước đến nay, thế giới công nghệ và hành tinh « digital » ở Mỹ có truyền thống ủng hộ đảng Dân Chủ nhưng nay đang chuyển hướng.

Đối với David Sacks một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ internet sáng lập viên quỹ đầu tư có mức độ rủi ro cao Craft Ventures ông ủng hộ Trump do thất vọng về chính sách kinh tế của chính quyền Biden mà ứng viên tổng thống Kamala Harris là một sự tiếp nối.

« Hiện tại mọi việc đang tiến triển rất tốt, rất thuận lợi cho Donald Trump và chúng tôi sẽ còn tích cực vận động cho ông hơn nữa (…) Công nghệ mới muốn có khả năng sáng tạo để đem lại những kỹ thuật mới, nhưng chính quyền Biden lại rất chống đối xu hướng này. Họ phản đối kịch liệt những tiến bộ trong lĩnh vực tiền crypto. Chính phủ này đã tìm cách giám sát quá mức nghiêm ngặt các hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Về cơ bản họ chủ trương loại bỏ các thương vụ cho phép một doanh nghiệp mua lại hay sáp nhập với một công ty khác ».

Trừng phạt chính sách kinh tế tệ hại của Biden

Một nhà quan sát Mỹ ghi nhận : Bốn năm qua chính quyền Biden đã phạm phải nhiều sai lầm trong mắt các nhà tài phiệt ở quốc gia tự do nhất trên thế giới. Đảng Dân Chủ muốn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và giới làm công ăn lương, nên đã mở rộng vai trò cho các cơ quan giám sát tài chính, chứng khoán  của ủy ban bảo vệ người tiêu dùng … và thậm chí là cả bộ Tư Pháp. Tổng thống Biden chủ trương thu hẹp tầm hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, thanh tra các doanh nghiệp lạm dụng quyền lực sa thải nhân viên, đòi giới chủ tăng lương cho người lao động và muốn chấm dứt thế độc quyền của một vài tập đoàn digital.

Omeed Malik sáng lập viên kiêm chủ tịch tổng giám đốc quỹ tài chính Farvahar Partner giải thích thêm :

« Một trong những lý do khác nữa, rất rõ ràng là môi trường với những biện pháp quản lý chặt chẽ nào là SEC – Ủy Ban Chứng Khoán và Hối Đoái, hay FTC tức là Ủy Ban Thương Mại Liên Bang Hoa Kỳ chống cạnh tranh… Tất cả các cơ quan giám sát đó chẳng những càng lúc càng khắt khe mà hoàn toàn không chủ dừng lại ở chỗ điều tiết các thương vụ M&A –   mua bán hay sắp nhập các doanh nghiệp hay các hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử crypto ».   

Tập đoàn Live Nation độc quyền thao túng thị trường mua bán vé xem hát và các chương trình giải trí tại Mỹ chẳng hạn đã trong tầm ngắm của bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland : 

« Chúng tôi cáo buộc tập đoàn Live Nation độc quyền thống lĩnh thị trường phân phối vé hát trên toàn nước Mỹ. Hiện tượng này đã kéo dài quá lâu và đã đến lúc cần chấm dứt ».  

Băng đảng Mafia PayPal

Nhưng trong số các nhà tài phiệt Mỹ ủng hộ ứng viên đảng Cộng Hòa, Elon Musk chủ nhân của Space X, của hãng xe điện Tesla và của mạng xã hội X, năng động nhất.

Hai tháng trước bầu cử tổng thống Mỹ, Donald Trump tuyên bố đếu đắc cử ông sẽ mời Elon Musk làm cố vấn để vực dậy kinh tế Mỹ, một nền kinh tế đang « đắm chìm trong khủng hoảng, suy đồi »

Cũng Donald Trump xem rằng, Elon Musk sau khi thâu tóm mạng xã hội Twitter cuối 2022 đã sa thải 75 % nhân sự chỉ giữ lại những người chấp nhận « luật chơi mới » và đấy là một tấm gương để đem lại hào quang cho Make America Great Again.

« Dân chủ và tư bản », hai khái niệm « đối chọi » với nhau  

Thêm một lý do sau cũng được nhà xã hội học Pháp Olivier Alexandre thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia CNRS ghi nhận : « một số tỷ phú Mỹ đang có khuynh hướng muốn thiết lập một trận tự kinh tế mới ».

Peter Thiel cha đẻ của tập đoàn Palantir trong lĩnh vực thông tin và tin học viết sách chung với David Sacks quảng bá ý tưởng rằng « tư bản và dân chủ » là những khái niệm không thể song hành.

Elon Musk, Peter Thiel và David Sacks là ba cột trụ đã cho ra đời hệ thống thanh toán trên mạng PayPal và từ đó họ đã đặt nền móng cho khối tài sản bạc tỷ khổng lồ trước khi mỗi người tìm cho mình một hướng đi riêng. Nhưng Thiel, Musk và Sacks vẫn rất gắn bó với nhau. Họ mở rộng câu lạc bộ đến nhiều thành viên mới, một cộng đồng mà giới phân tích gọi là « băng đảng Mafia PayPal » bởi trong vỏn vẹn 2 thập niên nhóm này đã bành trướng và làm bá chủ trong thung lũng công nghệ California. Chính băng đảng Mafia PayPal đã áp đặt J.D Vance đứng liên danh với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Mark Chapkin, người viết tiểu sử về Peter Thiel thậm chí mệnh danh J.D Vance là « cánh tay nối dài » của Thiel.

Thiel đã « đầu tư 35 triệu đô la để xây bệ phóng chính trị cho hai nhân vật thân tín là J.D Vance và Blake Master » nhưng đến nay chỉ có ông Vance là đã thành công, đắc cử thượng nghị sĩ bang Ohio năm 2022.

Năm 2022 Steve Banon, chiến lược gia và cũng là người đã có công đưa Donald Trump và Nhà Trắng từng quả quyết Peter Thiel là người thực sự muốn « thay đổi hẳn hướng đi » của Hoa Kỳ.   

Jimmy Soni, tác giả cuốn sách mang tựa đề The Founders, nói về ba ông trùm của băng đảng Mafia PayPal viết : Elon Musk, Peter Thiel và David Sacks, « ba gã khổng lồ ở thung lũng công nghệ Sillicon » đã « lập ra một mạng lưới quyền lực nhất, và thịnh vượng chưa từng có », họ không chỉ thống lĩnh vùng Silicon Valley mà còn muốn áp đặt cả luật chơi với Hoa Kỳ.

Đối với mạng lưới này, Donald Trump đắc cử hay không sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 05/11/2024 tuy quan trọng nhưng không là tất cả. Điều quan trọng hơn nữa là « một sự sắp xếp về nhân sự sau Donald Trump » mà phần nào họ đang đánh cược vào thượng nghị sĩ bang Ohio, J.D Vance.

Crystal McKellar, một nhà đầu tư nặng ký ở Silicon Valley trông thấy ở ứng cử viên phó tổng thống này « một nhà tư bản chân chính và trung thành với thị trường tự do, ông tin tưởng vào tăng trưởng, vào sức mạnh của mọi khám phá về kỹ thuật, vào việc xóa bỏ mọi trở ngại đè nén tăng trưởng và thịnh vượng ».

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment