Ông Lương Cường làm chủ tịch nước: bình luận của báo chí quốc tế

Reuters đưa tin rằng việc ông Lương Cường nhậm chức chủ tịch nước là “một động thái đã được nhiều người đoán trước"
Chụp lại hình ảnh,Reuters đưa tin rằng việc ông Lương Cường nhậm chức chủ tịch nước là “một diễn biến đã được nhiều người đoán trước”

Ngay sau khi ông Lương Cường nhậm chức chủ tịch nước, nhiều trang báo quốc tế đã đưa tin, với những đánh giá khác nhau.

Khi đưa tin về sự kiện này, Nikkei Asia sử dụng cụm từ “rubber stamp parliament” (tức một cơ quan nghị viện, quốc hội không có thực quyền) khi nói tới việc Quốc hội Việt Nam thống nhất bầu ông Lương Cường làm chủ tịch nước.

Trong buổi họp báo hôm 20/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết tại hội nghị lần thứ 10 (diễn ra từ ngày 18-20/9), Trung ương Đảng đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu chủ tịch nước, quy trình bầu chủ tịch nước ở Quốc hội là để “cụ thể hóa chủ trương của Đảng”.

Reuters đưa tin ngày 21/10 rằng việc ông Lương Cường làm chủ tịch nước là “một diễn biến đã được nhiều người đoán trước”.

Trong bài viết ngày 3/8 trên tài khoản mạng xã hội X, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye đã dự báo:

“Tin đồn: Hai tướng sẽ lãnh đạo Việt Nam. Tướng Công an Tô Lâm (hiện là chủ tịch nước) sẽ trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản. Tướng Quân đội Lương Cường (hiện là thường trực Ban Bí thư) sẽ là chủ tịch nước (xếp thứ hai). Quyền lực được cân bằng.”

Trả lời AP News, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), đánh giá động thái mới này thể hiện “nỗ lực khôi phục cân bằng giữa lực lương công an và quân đội”.

“Bằng việc rời bỏ chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm cho thấy sự cam kết đối với quy tắc tập thể lãnh đạo, trong khi vẫn nắm giữ quyền lực mang tính quyết định của hệ thống,” ông Giang nói trong bài viết ngày 21/10.

Reuters cũng nói thêm rằng việc bổ nhiệm ông Lương Cường nhằm mang lại sự ổn định cho chính trường Việt Nam sau hàng loạt biến động ở dàn nhân sự lãnh đạo.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Lương Cường nói:

“Tôi sẽ nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch nước theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó; tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng…”

Việc hứa đoàn kết trong Đảng có phần tương đồng với bài phát biểu nhậm chức chủ tịch nước của ông Tô Lâm vào tháng Năm. Khi đó, ông Tô Lâm phát biểu: “Tôi xin hứa, đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt…”

Chụp lại video,Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt

Đánh giá về ông Lương Cường, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc), nói với Bloomberg:

“Ông ấy đã phục vụ một cách trung thành dưới trướng ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy không đảm nhiệm chức vụ cấp cao nào cho tới khi nhậm chức thường trực Ban bí thư.”

Trong khi đó, Tiến sĩ Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88, nhận xét với AP News rằng ông Lương Cường sẽ là “cấp phó đáng tin cậy” của ông Tô Lâm.

Sau khi ông Lương Cường nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng, theo thông tin từ trang web chính thức của Điện Kremlin.

Lời chúc mừng có đoạn:

“Quan hệ giữa hai nước đang phát triển theo tinh thần của Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tôi tin rằng những nỗ lực của ngài trong cương vị chủ tịch nước sẽ tiếp tục củng cố hợp tác song phương hiệu quả của chúng ta trên mọi lĩnh vực. Điều này chắc chắn phục vụ lợi ích thiết yếu của nhân dân Nga và Việt Nam, đồng thời phù hợp với các mục tiêu đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng đã gửi thư chức mừng tới Chủ tịch nước Lương Cường, bày tỏ mong muốn “tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch nước Lương Cường”.

Trên AP News, ông Ben Swanton cho rằng “việc bổ nhiệm ông Lương Cường làm chủ tịch nước là một ví dụ nữa cho thấy sự bành trướng của thể chế công an trị ở Việt Nam”.

Liên quan tới vấn đề này, Nikkei Asia nhắc tới việc Mỹ cũng sắp có tổng thống mới.

“Sự mất cân bằng thương mại, an ninh quốc gia và nhân quyền là ba vấn đề lớn nhất trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ,” Nikkei Asia dẫn lời bà Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (Nhật Bản).

“Nếu bà Kamala Harris đắc cử tổng thống, những vấn đề về nhân quyền có thể sẽ trở nên quan trọng hơn.”

‘Cơ hội để ổn định chính trị’

Trong những tháng vừa qua, chính trường Việt Nam đã có nhiều biến động khi có nhiều lãnh đạo mất chức, ông Nguyễn Phú Trọng qua đời và việc ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ.

Việc này khiến một số nhà đầu tư và chuyên gia đánh giá rằng Việt Nam đã mất đi sự ổn định chính trị.

Việc ông Tô Lâm thôi kiêm nhiệm hai chức vụ, theo Nikkei Asia, phần nào cho thấy sự ổn định đang dần quay lại.

Tờ báo này nói thêm rằng việc ông Lương Cường trở thành chủ tịch nước là cơ hội để ổn định tình hình từ nay tới Đại hội 14, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026.

Về tình hình nhân sự sắp tới của Đại hội 14, Giáo sư Thayer nói trên Bloomberg:

“Ông Tô Lâm, ông Lương Cường, ông Phạm Minh Chính – hay bất kỳ ai khác – không được đảm bảo một sự nghiệp chính trị sau Đại hội 14, trừ khi họ nhận được sự ủng hộ.

“Ông Tô Lâm rất quyền lực. Ông ấy là người dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng. Ông ấy sẽ phải bắt đầu xây dựng sự đồng thuận và tập trung vào những vấn đề nội bộ.”

Trong khi đó, trong bài viết trên The Diplomat, nhà báo Sebastian Strangio cho rằng mọi chuyện có thể không yên bình như vậy.

“Mọi thứ sẽ khó có thể ổn định khi những cuộc thao túng cá nhân và phe phái nổ ra trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần tới.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment