- Tác giả,Tessa Wong
- Vai trò,Phóng viên kỹ thuật số châu Á
- Từ Singapore
- 5 giờ trước
Ông Lý Hiển Dương, con trai của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và là em trai cựu Thủ tướng Lý Hiển Long, đã tị nạn tại Anh sau khi cáo buộc bị đàn áp liên quan đến các xung đột trong gia đình.
Ông Lý Hiển Dương từ lâu đã lên tiếng cáo buộc rằng ông bị đàn áp bởi chính phủ Singapore, vốn nằm dưới sự lãnh đạo của người anh trai Lý Hiển Long trong suốt 20 năm.
Chính phủ Singapore đã bác bỏ những cáo buộc này và nói ông Lý Hiển Dương có thể tự do trở về.
Ông Lý Hiển Long và ông Lý Hiển Dương là con trai của cố lãnh tụ Lý Quang Diệu, người đã qua đời vào năm 2015.
Kể từ đó, anh em trai nhà họ Lý đã mắc kẹt trong một cuộc tranh chấp kéo dài hàng năm trời liên quan đến một căn nhà của ông Lý Quang Diệu, rồi leo thang thành một cuộc chiến gia tộc gay gắt và công khai.
Ông Lý Hiển Dương đã cho BBC xem một số tài liệu cho thấy đơn xin tị nạn của ông đã thành công. Lá thư cho thấy chính phủ Anh đã cấp cho ông “quy chế tị nạn” trong 5 năm khi xác nhận ông mang “một nỗi lo sợ có cơ sở chắc chắn về việc bị đàn áp và do đó không thể trở về đất nước Singapore”.
Ông Lý Hiển Dương, sống tại London, cho biết vợ ông cũng đã được cấp quy chế tị nạn.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh nói rằng “theo chính sách đã có từ lâu của chính phủ, chúng tôi không bình luận về những trường hợp cụ thể”.
BBC đã độc lập xác minh được tình trạng xin tị nạn của ông Lý Hiển Dương. Các yêu cầu khác của ông cũng tuân theo chính sách tị nạn của Bộ Nội vụ Anh.
“Mọi điều mà chính phủ Singapore từng nói đều hoàn toàn được công khai và chắc chắn phải được xem xét khi quy chế tị nạn được cấp,” ông Lý Hiển Dương cho biết.
“Tôi đã tìm đến quy chế bảo vệ người tị nạn khi không còn cách nào khác. Tôi vẫn là một công dân Singapore và hy vọng một ngày nào đó tình hình sẽ an toàn để trở về nước.”
Là thành viên trong “gia tộc số một” Singapore và cựu lãnh đạo một công ty viễn thông lớn nhất của đảo quốc này, ông Lý Hiển Dương là một phần rất quan trọng trong guồng máy của đất nước cho đến lúc xảy ra mâu thuẫn với người anh trai.
Kể từ lúc đó, ông Lý Hiển Dương đã gia nhập đảng chính trị đối lập và trở thành tiếng nói chỉ trích chính phủ Singapore, một vai trò mà ông “chắc chăn” sẽ tiếp tục thực hiện khi ở Anh, ông cho biết.
Ông Lý Hiển Dương và vợ, cùng một người con trai của họ, đã sống lưu vong ở nước ngoài trong vài năm. Họ là đối tượng bị chính phủ điều tra và áp dụng các biện pháp pháp lý, điều mà họ gọi là một phần của hoạt động đàn áp.
Cùng với người chị gái vừa qua đời Lý Vỹ Linh, ông Lý Hiển Dương từ lâu đã cáo buộc người anh trai Lý Hiển Long đã hưởng lợi từ di sản từ cha của mình để lập nên một đế chế chính trị.
Họ cũng cáo buộc ông Lý Hiển Long đã lạm dụng quyền lực trong thời gian làm thủ tướng và nói họ lo sợ ông ta đang dùng “các cơ quan nhà nước” để nhắm vào mình.
Ông Lý Hiển Long đã từ chức thủ tướng Singapore vào tháng 5 và vẫn thuộc nội các chính phủ với vai trò bộ trưởng cấp cao. Ông và chính phủ Singapore đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên.
Vào hôm thứ Ba 22/10, chính phủ Singapore đã đưa ra tuyên bố nói những cáo buộc về việc ông Lý Hiển Dương và gia đình là nạn nhân bị đàn áp là “vô căn cứ” và họ không đối mặt với “hạn chế pháp lý nào”.
“Họ đã và đang tự do trở về Singapore,” tuyên bố cho biết thêm.
Thư ký báo chí của ông Lý Hiển Long nói không có bình luận.
Tranh cãi liên quan đến căn nhà của gia đình họ Lý kéo dài trong nhiều năm qua, bắt đầu từ sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời. Ông Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore, được xem là kiến trúc sư của đất nước Singapore hiện đại.
Ngôi nhà này nằm ở số 38 đường Oxley, là một căn nhà nhỏ và không có gì nổi bật trên một con đường yên tĩnh tại trung tâm Singapore, ước tính có giá trị hàng chục triệu đô la Singapore (tương đương hàng trăm tỷ đồng).
Cố lãnh đạo Lý Quang Diệu, người nổi tiếng với lập trường chống lại việc tôn sùng cá nhân ông, từng phát biểu rằng ông muốn căn nhà sẽ bị phá sập sau khi ông qua đời hoặc sau khi con gái của ông ra khỏi căn nhà này.
Ông Lý Hiển Long, người nắm giữ chức thủ tướng vào thời điểm đó, nói trước mắt căn nhà sẽ được bảo tồn, trong khi những người anh em của ông muốn căn nhà phải được phá dỡ ngay lập tức theo di nguyện của người cha quá cố.
Sau khi bà Lý Vỹ Linh qua đời trong tháng 10 này do bệnh não, ông Lý Hiển Dương hiện tại đã nộp đơn yêu cầu phá bỏ căn nhà và tại nơi đó, xây dựng một “nơi ở nhỏ và riêng tư” do gia đình họ Lý sở hữu.