Nga hy vọng “thoát” đô la Mỹ với ứng dụng BRICS Pay

Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin không bị cô lập khi đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia đến dự thượng đỉnh BRICS ở Kazan, bên bờ sông Volga từ ngày 22-24/10/2024. BRICS ngày càng hấp dẫn các nước phương Nam trong bối cảnh Matxcơva tìm thêm đối tác mới để làm đối trọng với phương Tây và vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt vì gây chiến ở Ukraina, trong đó có ứng dụng thanh toán BRICS Pay và dự án đồng tiền chung duy nhất của nhóm 9 nước giúp tránh sử dụng đô la Mỹ.

Đăng ngày: 23/10/2024

Ảnh minh họa : Mặt tiền một cửa hàng đổi tiền tại Central, khu thương mại ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 06/08/2019.
Ảnh minh họa : Mặt tiền một cửa hàng đổi tiền tại Central, khu thương mại ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 06/08/2019. AP – Kin Cheung

Thu Hằng

Theo trang Global Times của Trung Quốc ngày 17/10, “các nước thành viên BRICS đang thử nghiệm một hệ thống thanh toán mới để tăng cường hợp tác”. BRICS Pay là hệ thống nhắn tin thanh toán độc lập, phi tập trung được các quốc gia thành viên BRICS phát triển từ nhiều năm nay, theo trang web của BRICS Pay và có thể so sánh với hệ thống SWIFT của châu Âu. Ý tưởng được hình thành từ năm 2019 và đạt được nhiều tiến bộ theo ghi nhận trong Tuyên bố Thượng đỉnh lần thứ 12 của BRICS ở Matxcơva, công bố ngày 17/11/2020.

BRICS Pay cạnh tranh với SWIFT ?

Đối với giáo sư Song Wei, Trường Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, “việc triển khai một hệ thống thanh toán như vậy cho BRICS là việc hiển nhiên” giúp “bảo vệ chủ quyền kinh tế cho các nước đang phát triển và mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại”. Vương Bằng (Wang Peng), cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh được Global Times trích dẫn ngày 17/10, cho rằng hệ thống BRICS Pay sẽ thách thức sự thống trị của đô la Mỹ trong suốt thời gian dài : “Hệ thống thanh toán BRICS sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào đô la và cung cấp cho các quốc gia thành viên những lựa chọn thanh toán thay thế, độc lập và an toàn hơn”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước được hưởng lợi lớn khi triển khai BRICS Pay. Theo giáo sư Song Wei, hệ thống thanh toán mới này không chỉ thắt chặt hợp tác kinh tế giữa các nước BRICS mà còn có thể đóng vai trò thí điểm cho hợp tác đa phương, bao gồm cả Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), để đáp ứng nhu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho các quy định đầu tư liên quan đến thương mại.

Riêng với tổng thống Putin, ứng dụng BRICS Pay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết kể từ khi Nga bị loại khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán liên ngân hàng SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu) và bị cấm giao dịch bằng đô la Mỹ, euro. Dù Nga thuyết phục được hai đối tác chính Trung Quốc và Ấn Độ giao dịch bằng nội tệ của mỗi nước nhưng trong quá trình giao dịch đã nảy sinh không ít khó khăn, ví dụ đối với Trung Quốc là những quy định liên ngân hàng hoặc với Ấn Độ là quy đổi đồng rupi. Thêm vào đó là áp lực từ Hoa Kỳ đối với các ngân hàng Trung Quốc, Ấn Độ, các vương quốc Ả Rập vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ càng gây thêm phức tạp cho giao dịch giữa Nga với các nước đồng minh phương Nam.

Putin muốn tạo đồng tiền chung trong nội bộ BRICS

Chính vì vậy, ông muốn tung ứng dụng này tại thượng đỉnh Kazan và giao dịch bằng một loại tiền chung. Đó “có thể là một loại tiền tệ tổng hợp, không phải là tiền tệ chung thực sự mà sẽ là tiền tệ dự trữ”, theo nhận định của Bruno Cabrillac, tổng giám đốc Quỹ nghiên cứu về Phát triển quốc tế, khi trả lời RFI ngày 22/10. Còn theo kinh tế gia Alexandre Kateb, BRICS có lẽ sẽ dựa vào tiền ảo : “Ví dụ, hiện nay có thể đổi rúp lấy nhân dân tệ mà không cần thông qua đô la. Vì vậy, ý tưởng là tận dụng những tiến bộ công nghệ sử dụng blockchain và tiền kỹ thuật số nói riêng để xây dựng một hệ thống chặt chẽ hơn nhiều với các tổ chức, với một số tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định…, có thể tạo thành một giải pháp thay thế cho đô la”.

Tuy nhiên, chính tổng thống Nga cho rằng “còn quá sớm” để thảo luận về việc thành lập đồng tiền chung duy nhất của BRICS. Trả lời RFI ngày 21/10, cựu ngoại trưởng Mauritania, Ahmedou Ould Abdallah, hiện là chủ tịch công ty tư vấn Centre 4S (Stratégie, Sécurité, Sahel và Sahara), cũng cho rằng việc tạo ra một loại tiền mới cần nhiều thời gian :

“Hiện giờ, sức mạnh của đô la, đó chính là nền kinh tế Mỹ và hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới, như Ả Rập Xê Út, Trung Quốc đều có dự trữ đô la. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể thay đổi được nhưng khi nhìn vào lĩnh vực thương mại thì đô la chiếm đến 60% trao đổi và dự trữ. Nếu thêm vào đó là các loại ngoại tệ đồng minh của Mỹ như euro, bảng Anh và yên Nhật Bản, thì gần 80% thương mại toàn cầu được giao dịch bằng các loại tiền tệ này. Ý tưởng tạo thêm minh bạch, tự do cho các quốc gia và tạo ra các loại tiền tệ thay thế là chuyện có thể xảy ra, nhưng tôi nghĩ sẽ cần thời gian”.

Giấc mơ “thoát” đô la Mỹ

Giấc mơ “thoát” đô la Mỹ của tổng thống Nga hiện giờ lại khiến Trung Quốc được hưởng lợi nhất. Từ lâu, Bắc Kinh muốn biến nhân dân tệ thành phương tiện giao dịch quốc tế, cạnh tranh với đô la Mỹ. Nhật báo Pháp Le Monde ngày 21/10 trích lại phát biểu của nhà chính trị học Nga Alexandre Morozov giảng dạy tại Đại học Charles ở Praha (CH Séc), trên đài Radio Svoboda ngày 18/10, theo ông, “nếu vấn đề từ bỏ đô la được nêu lên thì sẽ nhanh chóng dẫn đến việc nhân dân tệ trở thành tiền dự trữ, nhưng việc này lại không thỏa mãn bất kỳ nước nào trong BRICS vì các nước thành viên vẫn gắn bó với nền kinh tế thế giới và dùng đô la làm ngoại hối dự trữ chính”.

Một lưu ý khác được giáo sư khoa học chính trị Yamina Tadjeddine-Fourneyron, Đại học Lorraine (Pháp), nhấn mạnh là giá trị của đồng tiền còn tùy vào niềm tin được cộng đồng trao cho. Trang Le Journal của CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp) trích nhận định của giáo sư Pháp trong bài phân tích “Một đồng tiền mới để lật đô la?” : “Trung Quốc ngày càng cố áp đặt thanh toán bằng nhân dân tệ trong các giao dịch liên quan. Nhưng khi Trung Quốc không liên quan đến một giao dịch nào đó, thì đô la Mỹ và euro vẫn được ưu tiên. Có thể thấy sự phản kháng trong việc chấp nhận nhân dân tệ, điều này có thể lý giải bằng lý do kinh tế nhưng chủ yếu là vì lý do chính trị. Vì thế ở Việt Nam, nơi luôn dè chừng với nước láng giềng lớn phương bắc, thì tiền ảo bitcoin hiện được nhân nhượng hơn là nhân dân tệ”.

Thêm vào đó, vì không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận, thậm chí là không có bất kỳ hiệp định tự do thương mại nào, các nước thành viên BRICS không có trách nhiệm với nhau. Đúng là ngày càng có nhiều nước đề nghị gia nhập Ngân hàng Phát triển mới (NDB), được BRICS thành lập năm 2014 có trụ sở ở Thượng Hải (do cựu tổng thống Brazil Dilma Rousseff điều hành từ năm 2023) nhưng NDB chỉ có khả năng cho vay 4 tỉ đô la mỗi năm, chỉ “như muối bỏ bể”, theo nhận định của nhật báo Pháp Le Monde, so với 100 tỉ đô la được Ngân hàng Thế giới giải ngân hàng năm.

Ngoài ra, NDB cũng phải đối phó với nạn tham nhũng cố hữu ở nhiều nước phương Nam, theo nhận định với RFI của cựu ngoại trưởng Mauritania, Ahmedou Ould Abdallah : “Việc có ngân hàng BRICS là một điều tốt, nhưng luôn phải đấu tranh vì sự minh bạch và chống tham nhũng. Một trong những vấn đề lớn ở Nam bán cầu là tình trạng tham nhũng. Tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của các nước đang trỗi dậy, còn nhiều hơn cả so với những khó khăn từ các khoản vay của Ngân hàng Thế giới. Tham nhũng là trở ngại lớn cho sự phát triển của nhiều nước châu Phi mà tôi biết, ở vùng Sahel và Trung Phi”.

Ngoài ra, theo nhận định của phó giáo sư Sarang Shidore, Đại học George Washington, trong nguyệt san The Nation đăng ngày 15/10, “các nước Nam bán cầu không hẳn là một đồng minh của phương Tây nhưng cũng không phải là đối thủ. Họ không tìm cách cản trở mà đi theo thực tiễn đa liên kết trong một thế giới, nơi quyền bá chủ của Mỹ đang dần bị xói mòn và tương lai của trật tự toàn cầu không chắc chắn”. Cuối cùng, Nga cũng không hẳn được hưởng lợi từ ngân hàng NDB. Được Standard & Poor’s trao điểm tín nhiệm tốt AA+, NDB “cũng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Matxcơva và đã phải đình chỉ nhiều dự án đầu tư vào Nga”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment