- Tác giả,Steve Rosenberg
- Vai trò,Biên tập viên Các Vấn đề về Nga, Moscow
Một lời khuyên cho bạn – đừng bao giờ mua một khối lượng lớn rượu sâm banh trừ phi bạn chắc chắn tuyện đối là sự kiện đó đáng để ăn mừng.
Tháng 11/2016, chính trị gia dân tộc chủ nghĩa cực đoan người Nga Vladimir Zhirinovsky, phấn khích bởi chiến thắng của Donald Trump, và chắc chắn rằng sự kiện này sẽ làm biến đổi mối quan hệ Mỹ-Nga, đã vung tay mua 132 chai sâm banh đưa tới Duma quốc gia, tức quốc hội Nga, và tiệc tùng (trong văn phòng đảng của ông ta) trước máy quay truyền hình.
Ông ta không phải là người duy nhất ăn mừng.
Ngày hôm sau chiến thắng bất ngờ của Trump, Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền hình nhà nước Nga RT, đã viết trên X rằng bà có ý định lái xe vòng quanh Moscow với một lá cờ Mỹ ở cửa sổ xe.
Còn tôi thì sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc một quan chức Nga nói với tôi rằng bà đã hút một điếu xì gà và uống một chai sâm banh (vâng, lại sâm banh) để mừng chiến thắng của Trump.
Tại Nga, người ta có kỳ vọng lớn rằng ông Trump sẽ bãi bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga; có lẽ, thậm chí, còn kỳ vọng rằng Trump sẽ thừa nhận bán đảo Crimea của Ukraine, bị Nga xâm chiếm và sáp nhập năm 2014, là một phần của Nga.
“Giá trị của Trump nằm ở chỗ ông ta không bao giờ rao giảng về nhân quyền ở Nga,” Konstantin Remchukov, người sở hữu và là tổng biên tập báo Nezavisimaya Gazeta, giải thích.
Chẳng mất nhiều thời gian để tất cả những bọt sâm banh ấy tan biến.
“Trump đã áp các lệnh trừng phạt nặng nề nhất lên Nga vào thời điểm đó,” Remchukov nhớ lại.
“Vào cuối nhiệm kỳ của ông ta, rất nhiều người đã thất vọng.”
Đó là lý do tại sao, tám năm trôi qua – ít nhất là về mặt công khai – các quan chức Nga đã thận trọng hơn về viễn cảnh nhiệm kỳ thứ hai ông Trump làm tổng thống.
Tổng thống Vladimir Putin thậm chí từng công khai ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ, dù “sự ủng hộ” này được nhiều người diễn dịch thành một trò đùa của Điện Kremlin.
Putin đã khẳng định rằng ông thích điệu cười “truyền cảm hứng” của bà Kamala Harris.
Nhưng bạn không cần phải là một nhà bình luận chính trị kỳ cựu để hiểu rằng trên đường vận động tranh cử, chính những gì ông Trump đã nói, chứ không phải bà Harris, mới là điều đảm bảo mang lại nụ cười trên gương mặt ông Putin.
Ví dụ, những lời chỉ trích của ông Trump về mức độ hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Ukraine, thái độ có vẻ lưỡng lự của ông Trump khi chỉ trích cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, trong cuộc tranh luận tổng thống, việc ông ta từ chối không nói liệu ông ta có muốn Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến tranh này hay không.
Ngược lại, bà Kamala Harris khẳng định rằng hỗ trợ Ukraine là vì “lợi ích chiến lược” của Mỹ và bà gọi Putin là “một tên độc tài giết người”.
Truyền hình nhà nước Nga cũng không mấy thiện cảm với bà.
Vài tuần trước, một trong những người dẫn chương trình tin tức sắc sảo nhất của Nga đã hoàn toàn bài xích khả năng chính trị của bà Harris. Ông này nói rằng tốt hơn là bà nên dẫn một chương trình nấu ăn trên truyền hình.
Có một kết quả nữa có thể phù hợp với mong muốn của Điện Kremlin – một cuộc bỏ phiếu cực kỳ căng thẳng, với một kết quả gây tranh cãi.
Một nước Mỹ bị nhấn chìm bởi sự hỗn loạn sau bầu cử, sự bối rối và hiềm khích – sẽ có ít thời gian hơn để tập trung vào các vấn đề đối ngoại, trong đó có cuộc chiến Ukraine.
Mối quan hệ Mỹ-Nga đã trở nên xấu đi dưới thời Barack Obama, trở nên tồi tệ hơn dưới thời Donald Trump. Và, “sụp đổ” dưới thời Joe Biden – theo lời đại sứ Nga ở Washington vừa thôi chức, ông Anatoly Antonov.
Washington đổ lỗi hoàn toàn cho Moscow.
Chỉ tám tháng sau khi ông Putin và ông Biden gặp mặt trong một hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, lãnh đạo Điện Kremlin đã ra lệnh cho Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Không chỉ có chính quyền Biden áp một đợt sóng thần các lệnh trừng phạt lên Nga, mà sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ là tối quan trọng để giúp Kyiv trụ vững trong hơn hai năm rưỡi chiến tranh với Nga. Trong số những vũ khí tối tân mà Mỹ viện trợ Nga, có xe tăng Abrams và hệ thống pháo phản lực HIMARS.
Giờ thật khó để tin rằng đã có lúc, cách đây không lâu, Nga và Mỹ từng thề nguyện sẽ hợp tác để tăng cường an ninh toàn cầu.
Cuối những năm 1980, Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev đã thành lập một liên minh địa chính trị kép để cắt giảm khu vũ khí hạt nhân của nước mình.
Nếu có một điều mà Reagan có vẻ thích thú như việc giải trừ vũ khí hạt nhân thì đó là việc ông đọc các châm ngôn tiếng Nga cho Gorbachev bằng thứ tiếng Nga bồi của mình (“Đừng bao giờ mua 132 chai sâm banh trừ phi bạn chắc chắn là đáng để ăn mừng” sẽ là một câu châm ngôn hay).
Năm 1991, các đệ nhất phu nhân của Liên Xô và Mỹ, Raisa Gorbacheva và Barbara Bush, đã khánh thành một tượng đài độc đáo ở Moscow – một con vịt mẹ với tám vịt con.
Đây là bản sao của một tác phẩm điêu khắc ở Công viên công cộng Boston và được tặng cho Moscow như một biểu tượng của tình hữu nghị giữa trẻ em Liên Xô và Mỹ.
Ngày nay, tác phẩm này vẫn được người dân Nga ưa thích.
Người Nga đổ xô đến Công viên Novodevichy để tạo dáng chụp ảnh với những chú vịt bằng đồng, mặc dù ít du khách biết đến câu chuyện đằng sau công tác “ngoại giao vịt” của hai siêu cường.
Giống như mối quan hệ Mỹ-Nga, những chú vịt đã phải chịu một vài tổn thất.
Có lần một số con đã bị đánh cắp và phải thay bằng những con vịt mới.
Tôi đã đến chỗ vịt trời mẹ và đàn vịt con ở Moscow để tìm hiểu xem người Nga nghĩ gì về nước Mỹ và về cuộc bầu cử ở Mỹ.
“Tôi muốn nước Mỹ biến mất,” một người đi câu tên Igor đang câu ở một cái ao gần đó tức giận nói. “Mỹ đã gây ra rất nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới. Mỹ là kẻ thù của chúng tôi vào thời Liên Xô và giờ vẫn vậy. Bất kể ai là tổng thống.”
Nước Mỹ là một kẻ thù truyền kiếp của Nga – đó là một quan điểm đại chúng mà truyền thông nhà nước Nga luôn phản ánh. Có phải Igor tức giận đến thế bởi vì ông ta chỉ xem tin tức từ truyền hình Nga? Hay có lẽ ông không câu được nhiều cá?
Hầu hết những người mà tôi nói chuyện ở đây không nhìn nhận Mỹ như một kẻ thù xấu xa.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ hòa bình và tình hữu nghị,” bà Svetlana nói. “Nhưng bạn tôi ở Mỹ giờ sợ khi gọi điện cho tôi. Có thể ở đó không có tự do ngôn luận nữa. Hoặc, có lẽ, chính ở Nga này không có tự do ngôn luận chăng. Tôi không rõ nữa.”
“Hai nước chúng ta và hai dân tộc chúng ta nên trở thành bạn bè,” Nikia nói, “không có chiến tranh, và không có cạnh tranh để xem ai có nhiều tên lửa hơn. Tôi thích Trump hơn. Khi ông ấy là tổng thống, không cuộc chiến lớn nào cả.”
Bất chấp sự khác biệt giữa Nga và Mỹ, có một điểm chung giữa hai quốc gia – họ luôn chỉ có tổng thống là nam giới.
Người Nga có bao giờ có thể thấy sự thay đổi?
“Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu có một tổng thống là nữ,” bà Marina nói.
“Tôi sẽ rất vui khi bỏ phiếu cho một nữ tổng thống ở đây [tại Nga]. Tôi không nói là điều đó sẽ tốt hơn hay tệ đi. Nhưng nó sẽ khác biệt.”