Bầu cử Mỹ: Những cử tri gốc Việt này bầu cho ai?

Cựu Tổng thống Donald Trump và ứng viên thượng nghị sĩ Hùng Cao nói chuyện với cử tri gốc Việt tại nhà hàng Trường Tiền ở trung tâm Eden, thành phố Falls Church, bang Virginia vào tháng 8/2024
Chụp lại hình ảnh,Cựu Tổng thống Donald Trump và ứng viên thượng nghị sĩ Hùng Cao nói chuyện với cử tri gốc Việt tại nhà hàng Trường Tiền ở trung tâm Eden, thành phố Falls Church, bang Virginia vào tháng 8/2024

24 tháng 10 2024

Có 77% cử tri gốc Việt cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Kamala Harris trong khi chỉ có 20% bầu cho ông Donald Trump, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu người Mỹ gốc Á (AAPI) của Trường UC Berkeley (bang California).

Nước Mỹ có hơn 2 triệu công dân gốc Việt, trong đó có khoảng 1,4 triệu người đủ điều kiện bầu cử, theo Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Vào tháng 5/2023, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy về mặt chính trị, nhóm cử tri gốc Việt khá khác biệt so với các nhóm cử tri gốc châu Á khác.

Trong khi có khoảng 34% ủng hộ Đảng Cộng hòa tính trên toàn bộ người Mỹ gốc Á, con số đó trong cộng đồng người Việt gốc Mỹ lại là 51%.

Tuy nhiên, một báo cáo mới được xuất bản vào tháng 10/2024 của AAPI lại cho thấy một kết quả tương đối khác so với báo cáo trước đó của Pew.

AAPI đã so sánh hai khảo sát trong hai năm bầu cử 2020 và 2024 và nhận thấy sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ của các cử tri gốc Việt tăng vượt bậc.

Theo khảo sát vào tháng 9/2024 của AAPI, 42% cử tri gốc Việt là người theo Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ, 37% là người theo Cộng hòa hoặc nghiêng về Đảng Cộng hòa, 19% không thuộc đảng nào.

Những con số này trong năm 2020 lần lượt là 33%, 48% và 19%.

Đáng chú ý, hồi tháng 4-5/2024, chỉ có 36% cử tri gốc Việt nói rằng họ sẽ bầu cử cho ứng viên Dân chủ khi đó là Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, 77% cử tri cho biết họ sẽ bầu cho bà Harris.

Sự ủng hộ dành cho cựu Tổng thống Donald Trump chỉ nằm ở mức 20%, thấp hơn một nửa so với mức 48% năm 2020.

Khi ngày bầu cử 5/11 cận kề, BBC News Tiếng Việt đã phỏng vấn một số cử tri gốc Việt để xem họ bầu cho ai và những lý do nào đằng sau các lựa chọn đó.

Các cử tri Mỹ gốc Việt đăng ký bầu cử tại tiểu bang Georgia vào tháng 9/2024
Chụp lại hình ảnh,Các cử tri Mỹ gốc Việt đăng ký bầu cử tại tiểu bang Georgia vào tháng 9/2024

Hồ Việt Anh, 30 tuổi, bang California

Ông Hồ Việt Anh trong một chuyến về thăm quê ở Sài Gòn
Chụp lại hình ảnh,Ông Hồ Việt Anh trong một chuyến về thăm quê ở Sài Gòn

Việt Anh, một bác sĩ tâm lý, đã qua Mỹ từ năm 2004 và nhập tịch vào năm 2008. Lần đầu tiên ông đi bầu là vào năm 2020 và đã chọn phe Dân chủ trong lá phiếu của mình.

Chia sẻ lý do không đi bầu vào năm 2016, vị cử tri cho biết khi đó mình còn khá trẻ, chưa quan tâm nhiều đến chính trị.

Từ khi bắt đầu đi làm, ông mới chú ý nhiều hơn đến chính trường Mỹ.

Việt Anh nhận thấy Đảng Dân chủ bảo vệ cho nhiều giá trị mà ông tin tưởng, đặc biệt là những giá trị mà theo ông là thu hút với thế hệ trẻ, chẳng hạn như tập trung vào phúc lợi xã hội hay hỗ trợ người nhập cư.

“Tuy nhiên, trong đợt bầu cử năm nay, tôi không thực sự thấy ứng viên của phe nào thuyết phục cả. Tôi sẽ bầu cho bà Harris phần nhiều là do tôi không thích ông Trump,” Việt Anh nói về lựa chọn của bản thân trong cuộc bầu cử 2024.

Vị bác sĩ tâm lý đánh giá phó Tổng thống Kamala Harris chưa thật sự rõ ràng về mặt chính sách và dấu ấn của bà trong bốn năm qua còn mờ nhạt.

Tuy vậy, ông nghĩ rằng phó tổng thống có thể giành chiến thắng nhờ vào cộng đồng LGBT, những người ủng hộ quyền phá thai hay sự mâu thuẫn giữa các sắc tộc trong nước Mỹ.

“Nhiều người thích Trump vì ông ta là doanh nhân nên họ nghĩ ông ta sẽ giải quyết được các vấn đề kinh tế. Nhưng theo tôi, các chính sách của Trump chỉ mang tính tạm thời và thường ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp lớn.”

Ông Việt Anh mong vị tổng thống mới sẽ là một người có thể mang tính đại diện cho hình ảnh của toàn nước Mỹ trước toàn thế giới.

Vấn đề mà vị cử tri này muốn tổng thống thứ 47 ưu tiên giải quyết trước hết là sự chia rẽ, phân cực bên trong nước Mỹ, không chỉ giữa hai đảng mà còn là về giữa các cộng đồng, sắc tộc.

Đinh Quỳnh Dao, 35 tuổi, bang Pennsylvania

Bà Đinh Quỳnh Dao
Chụp lại hình ảnh,Bà Đinh Quỳnh Dao

Bà Đinh Quỳnh Dao, một nhân viên công tác xã hội, đã sống ở Mỹ được khoảng 30 năm. Là một người sinh sống và làm việc ở bang dao động quan trọng bậc nhấttrong năm bầu cử – bà Dao cho biết mình cũng không theo một đảng nào cụ thể mà quan tâm nhiều hơn đến việc ứng viên tổng thống là người như thế nào.

Năm nay, bà và chồng dự kiến sẽ bầu cho cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong hai lần bầu cử gần nhất, bà bỏ phiếu cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vào năm 2016 và cho bên thứ ba vào năm 2020.

“Năm 2020, tôi có đi xem phát biểu của cả Biden lẫn Trump nhưng không ấn tượng với ai cả, nên tôi chọn cho người mà mình thích ở bên thứ ba,” bà Dao nói.

Trả lời cho câu hỏi vì sao lần này mình có thể bầu cho ông Trump, bà Dao cho biết lý do lớn nhất là về vấn đề nhập cưbất hợp pháp.

“Những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ đang được hưởng quá nhiều quyền lợi, trong khi đó những người nhập cư hợp pháp, chẳng hạn như từ Việt Nam, lại không có nhiều quyền lợi đến vậy.

“Nhiều tiền thuế của người dân bị đem đi phục vụ cho nhóm người nhập cư bất hợp pháp này. Họ quá đông, đôi khi nhà nước phải mướn khách sạn cho họ ở, mà Mỹ lại đang mất việc làm nữa, không có việc làm cho những người này.”

Năm 2016, tuy không bầu cho ông Trump nhưng bà ủng hộ ý tưởng về hàng rào biên giới Mỹ-Mexico.

Cử tri này quan sát thấy nhiều lao động nhập cư trái phép không những không đóng thuế mà còn lợi dụng các quyền lợi mà chính phủ cung cấp, điển hình là chương trình trợ cấp thực phẩm, thuốc men.

Một lý do khác mà gia đình bà Dao muốn bầu cho cựu Tổng thống Donald Trump trong năm nay là về vấn đề lạm phát, đặc biệt khi “giá trứng gà, giá xăng tăng quá cao”. Theo bà, kinh tế nước Mỹ dưới thời ông Trump tốt hơn dưới thời ông Biden.

“Đúng là đôi khi ông Trump hành xử như trẻ con, nhưng ông ấy là một người nói được làm được, một người thẳng tính, khó bị bắt nạt trên trường quốc tế,” bà Dao nhận xét.

Joseph Nguyễn, 35 tuổi, bang California

California là tiểu bang có nhiều công dân Mỹ gốc Việt nhất với khoảng 800.000 người, theo số liệu mới nhất của AAPI
Chụp lại hình ảnh,California là bang có nhiều công dân Mỹ gốc Việt nhất với khoảng 800.000 người, theo số liệu mới nhất của AAPI

Joseph Nguyễn (tên nhân vật đã được thay đổi vì ông không được phép xuất hiện trên truyền thông), nhân viên chính phủ liên bang, đã sống ở Mỹ 25 năm và luôn bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ kể từ khi đủ điều kiện bầu cử. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ.

Cử tri này đã gửi phiếu bầu qua đường bưu chính chứ không đợi đến ngày 5/11 mới đi bầu.

Ông Joseph cho biết lựa chọn của ông đi ngược lại với toàn bộ gia đình.

Theo ông quan sát, những cử tri Việt thế hệ trước thường bỏ phiếu “vì Việt Nam, chẳng hạn như mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mà họ thì tin các tổng thống Cộng hòa sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn”.

Vì đã sang Mỹ từ nhỏ, ông Joseph quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thiết thực đối với cuộc sống người Mỹ như giáo dục, bảo hiểm sức khỏe, thuế, bình đẳng hôn nhân, bình đẳng giới hay quyền phá thai.

“Là người theo Công giáo nên tôi không ủng hộ việc phá thai lắm. Nhưng tôi vẫn nghĩ phụ nữ nên có quyền phá thai, họ nên là người quyết định làm gì với cơ thể mình.”

Dù thừa nhận Mỹ đang có khủng hoảng về nhập cư trái phép, ông Joseph vẫn đánh giá cao những nỗ lực của bà Harris lẫn Tổng thống Biden để giữ biên giới an toàn nhất có thể.

Đối với ông Trump, ông Joseph cho rằng những chính sách vị cựu tổng thống hứa hẹn là không thực tế và “chỉ giúp những người siêu giàu như ông ta”.

“Tôi làm việc trong chính phủ nên tôi biết làm tổng thống vô cùng vất vả. Bà Harris trẻ hơn nên sẽ có lợi thế hơn về sức khỏe,” ông Joseph nói thêm.

Cử tri này nhận định rằng Mỹ đang đổ tiền để “lo bao đồng” chuyện quốc tế quá nhiều trong khi lại ít chú trọng đến các vấn đề nội địa. Ông mong tổng thống thứ 47 sẽ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề trong nước, đặc biệt là y tế cho người dân.

“Một hộ gia đình dù có thu nhập 300.000-400.000 USD/năm đi chăng nữa, thì chỉ cần một lần bệnh nặng thôi thì cũng dễ tán gia bại sản,” ông Joseph nói.

Andy Nguyễn, 44 tuổi, bang Texas

Texas là tiểu bang có nhiều người Mỹ gốc Việt thứ hai toàn quốc với khoảng 325.000 người, theo số liệu mới nhất của AAPI
Chụp lại hình ảnh,Texas là tiểu bang có nhiều người Mỹ gốc Việt thứ hai toàn quốc với khoảng 325.000 người, theo số liệu mới nhất của AAPI

Andy Nguyễn, kỹ thuật viên hóa chất, đã sống ở Mỹ gần 20 năm, là một người ủng hộ lâu năm của Đảng Dân chủ. Trong những lần trước đó, ông Andy đều bầu cho ứng viên của đảng này.

“Tôi có ấn tượng tốt với những ứng viên Dân chủ trước đây, đặc biệt là ông Barack Obama – người có nhiều bài phát biểu truyền cảm hứng.”

Thế nhưng, trong kỳ bầu cử năm nay, ông nói rằng gần như chắc chắn mình sẽ không bầu cho bên nào cả:

“Ông Trump là một người dính nhiều ‘phốt’, dù người ta đang tìm cách xóa chúng đi, nhưng không có lửa thì làm sao có khói. Một người tốt thì không thể nào dính nhiều tai tiếng như vậy được.

“Còn bà Harris, trong suốt bốn năm qua, rõ ràng là bà biết sức khỏe ông Biden đi xuống nhưng vẫn để yên cho ông ấy tranh cử mà không có động thái gì. Tôi nghĩ bà chỉ là một phó tổng thống ‘ngoan’ chứ không có cái ‘hồn’ nên tôi không bầu.”

Vị kỹ thuật viên ngành hóa chất khẳng định ông chỉ đi bầu khi tin rằng ứng viên đó xứng đáng với chiếc ghế tổng thống.

Về kỳ vọng cho vị tổng thống mới, ông Andy Nguyễn mong đó sẽ là người ưu tiên giải quyết lạm phát, thực trạng sinh hoạt phí tăng phi mã.

“Đối với người trẻ, mua được một ngôi nhà hiện nay như một giấc mơ xa vời.”

Dù nhiều cử tri cho rằng ông Trump chính là sự lựa chọn phù hợp để giải các bài toán về lạm phát, ông Andy lại không nghĩ vậy.

“Tôi thấy Trump là một người tự mãn. Dù khi đọc cuốn sách mà Trump viết lúc còn là doanh nhân, tôi thấy ông ta có những tư duy hay, xét trên khía cạnh kinh doanh, nhưng từng đó là chưa đủ để làm tổng thống.”

Cử tri này cũng bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ xử lý tốt các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới.

“Có thể chưa giải quyết dứt điểm được ngay nhưng tôi mong tổng thống mới có thể giúp giảm nhiệt các xung đột đi phần nào, chẳng hạn như tổ chức các cuộc đối thoại hòa bình,” ông Andy nói.

Hà Thúc Thi Minh, 58 tuổi, bang California

Bà Hà Thúc Thi Minh
Chụp lại hình ảnh,Bà Hà Thúc Thi Minh

Hà Thúc Thi Minh, quản lý dây chuyền sản xuất ngành công nghệ, là một người ủng hộ lâu năm của Đảng Cộng hòa.

Hôm 19/10, bà Minh đã gửi lá phiếu để bầu của mình – với sự lựa chọn giống như bà đã làm vào hai năm bầu cử 2016 và 2020.

Tuy là người theo phe Cộng hòa, nhưng bà Minh vẫn có ngoại lệ, nếu thấy người đó xứng đáng và có thể đem lại những điều tốt nhất cho nước Mỹ.

“Tôi từng bầu cho ông Bill Clinton (tổng thống thứ 42 của Mỹ),” bà Minh nói.

Về lý do chọn ông Trump trong cả ba năm bầu cử, bà Minh nghĩ rằng vị cựu tổng thống là một doanh nhân nên ông có thể giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là vấn đề công ăn việc làm.

Bà cũng tán thành việc ông Trump đánh thuế mạnh lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thêm vào đó, thái độ cứng rắn của vị cựu tổng thống đối với làn sóng nhập cư ở biên giới phía nam là một lý do đủ sức thuyết phục khác để lấy lá phiếu của bà Minh.

Cử tri này cảm thấy bất an vì tình trạng trộm cướp quanh khu vực mình sinh sống xuất hiện nhiều hơn so với trước kia, mà theo bà là có một phần nguyên nhân từ quản lý yếu kém trong vấn đề nhập cư.

Theo khảo sát vào tháng 9/2024 của AAPI, 76% cử tri gốc Việt xem các vấn đề liên quan tới nhập cư là “cực kỳ quan trọng” đối với quyết định bỏ phiếu của họ.

“Nếu ứng viên Đảng Dân chủ là một người tốt hơn ông Trump thì tôi sẽ bầu cho người đó. Nhưng tôi thấy bà Harris vẫn còn thiếu kinh nghiệm,” bà Minh nói thêm.

‘Cử tri gốc Việt chia rẽ’

Trong bài viết gửi BBC News Tiếng Việt từ bang Washington, Mỹ, tác giả Võ Ngọc Ánh nhận định ứng viên Cộng hòa đang “mang đến không khí căng thẳng trong các gia đình, hội đoàn người Việt” trong cuộc bầu cử năm nay.

Tác giả chỉ ra nhiều thành viên trong các gia đình gốc Việt đã xích mích với nhau khi không ủng hộ ứng viên giống nhau. Có cử tri còn bị cả hội đoàn xa lánh, cô lập chỉ vì không bầu cho ông Trump giống những người còn lại.

Bản thân tác giả cũng bị một số đồng hương “ngưng cộng tác trong công việc chung khi tôi trở thành người điều phối cho cả nhóm vì việc không ủng hộ ứng viên giống họ trong bầu cử tổng thống ở Mỹ”.

Các cử tri gốc Việt mà BBC phỏng vấn ở trên cũng cho biết họ cũng hạn chế bàn luận về chính trị với các thành viên gia đình vì lo ngại xảy ra mâu thuẫn.

Như ông Hồ Việt Anh và ông Joseph Nguyễn, những cử tri trẻ tuổi ủng hộ Đảng Dân chủ ở bang California, cũng nhận thấy quan điểm chính trị của bản thân “ngược dòng với gia đình”.

Họ cho rằng việc trưởng thành, lớn lên tại Mỹ khiến họ suy nghĩ khác so với thế hệ trước.

Bài Liên Quan

Leave a Comment