Từ Kiev đến Matxcơva và cả các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và phương Tây đồng loạt xác nhận sự hiện diện của « lính Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Nga ». Câu hỏi còn lại là liệu số quân nhân này có là « lính đánh thuê » cho Nga trên mặt trận Ukraina hay không và trong trường hợp đó thì các nước phương Tây sẽ có phản ứng ra sao để yểm trợ Ukraina đối mặt với quân Nga xâm lược ?
Đăng ngày: 25/10/2024
Trong vòng công du nhiều nước châu Âu với chặng dừng quan trọng nhất là tại Bruxelles, trụ sở NATO – Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, hôm 17/10/2024 tổng thống Volodymyr Zelensky báo động « 10.000 lính Bắc Triều Tiên đã được lệnh » sang Nga chuẩn bị tiếp tay với Matxcơva trong cuộc xâm lược Ukraina. Chưa đầy một chục ngày sau, đến lượt tổng thống Vladimir Putin gián tiếp xác nhận một số quân nhân Bắc Triều Tiên đang hiện diện trên lãnh thổ Nga. Chủ nhân điện Kremlin không đi sâu vào chi tiết về số lượng cũng như về vai trò của những người lính này, nhưng các nguồn tin từ Washington, Seoul hay nhiều nước phương Tây khẳng định « có bằng chứng » về sự hiện diện của 3.000 lính Bắc Triều Tiên tại Nga, họ đã nhập cảnh vào Nga qua đường thủy, được trả hàng tháng 2.000 đô la mỗi người, bằng lương cả năm của một người lính ở Bình Nhưỡng.
Sáng nay 25/10, tình báo quân đội Ukraina khẳng định « những đơn vị Bắc Triều Tiên đầu tiên, sau quá trình huấn luyện tại các căn cứ quân sự miền đông nước Nga, đã được điều đến Koursk ». Tỉnh Koursk thuộc lãnh thổ của Nga sát biên giới với Ukraina và trong đợt tấn công bất ngờ hồi tháng 8/2024 quân đội Ukraina đã « kiểm soát được hàng trăm cây số vuông » ở vùng này. Phương Tây lo ngại « lính Bắc Triều Tiên tham chiến sẽ đẩy xung đột giữa Nga với Ukraina lên một nấc cao hơn », nhất là « từ nay đến cuối năm 2024, Bình Nhưỡng sẽ cung cấp đến 12.000 quân cho Nga », trong đó có « nhiều đơn vị đặc nhiệm », hàng trăm sĩ quan và « cố vấn » Bắc Triều Tiên.
Tại Seoul, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết là đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina, điều mà đến nay Hàn Quốc vẫn do dự, tuy là một nguồn sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự lớn trên thế giới. Nhật Bản, một đồng minh thân thiết khác của Hoa Kỳ tại châu Á, cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc » trước viễn cảnh Bắc Triều Tiên « nhập cuộc ».
Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi được đặt ra. Thứ nhất là ngay cả trong trường hợp 10.000 hay 12.000 lính Bắc Triều Tiên được điều sang Ukraina thì việc chi viện này có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến hay không ? Có nhiều khả năng là KHÔNG. Cho đến nay, cả Kiev và Matxcơva đã huy động « khoảng 1 triệu quân ». Số lính Bắc Triều Tiên này chỉ là một « giọt nước », như một nhà bình luận quân sự Pháp đã ghi nhận với báo Le Figaro.
Điểm thứ nhì là với « hiệp định đối tác chiến lược toàn diện » mà Nga và Bắc Triều Tiên đã ký kết vào tháng 6 vừa qua, mà trong đó đôi bên cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp đối tác của mình bị tấn công. Trong trường hợp hiện tại, lính Bắc Triều Tiên được điều đến Koursk, trên lãnh thổ Nga nơi đang bị quân Ukraina chiếm đóng thì làm thế nào để cộng đồng quốc tế có thể trừng phạt Bình Nhưỡng « can thiệp vào một cuộc chiến bất hợp pháp » mà Matxcơva tiến hành trên lãnh thổ Ukraina ?
Một câu hỏi thứ ba là phương Tây thường xuyên tố cáo tính lợi hại của các toán tin tặc Bắc Triều Tiên và Nga phá hoại và can thiệp vào các cơ sở quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp…. Điều đó có nghĩa là với « hiệp định đối tác chiến lược toàn diện » giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva, nếu cần giúp Vladimir Putin để giải quyết vấn đề Ukraina thì chế độ của ông Kim Jong Un có thể còn có nhiều hoạt động khác nữa mà « tai mắt » của các cơ quan tình báo quốc tế chưa phát hiện, hay đã phát hiện mà tránh phơi bày ra ánh sắng ?
Dẫu sao, những thông tin về hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên đều làm dấy lên lo ngại lớn : trước hết Hàn Quốc e rằng đối thủ Bắc Triều Tiên trực tiếp được Nga giúp đỡ sẽ càng thêm nguy hiểm. Viễn cảnh bất ổn trên bán đảo Triều Tiên càng lớn. Theo một số chuyên gia, Kim Jong Un không thu mình trong thế thủ mà đang « chuẩn bị một hành động nào đó đánh phủ đầu », cảnh cáo chính quyền Seoul sau khi tuyên bố Hàn Quốc là một « quốc gia thù nghịch ».
Đối với Liên Hiệp Quốc và phương Tây, việc Bắc Triều Tiên và Nga công khai hợp tác quân sự là một thách thức lớn, bởi vì ngoài việc « lên án », « cảnh báo các bên không nên vượt qua lằn ranh đỏ » hay thậm chí việc ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng và Matxcơva thì khối phương Tây cũng không thể làm gì được hơn nữa, khi mà nước Nga từ 2014 và Bắc Triều Tiên từ 2006 đã liên tục bị trừng phạt kinh tế, và bị cấm vận.
Kết luận duy nhất có thể đưa ra chung quanh những thông tin quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên, đây là một dấu hiệu mới cho thấy cuộc chiến ở Ukraina do tổng thống Vladimir Putin tiến hành đang trên đà « quốc tế hóa » mở rộng sang đến tận châu Á, cách rất xa các mặt trận miền đông hay miền nam Ukraina.