Venezuela hôm qua, 24/10/2024, ra thông cáo, lên án mạnh mẽ lá phiếu phủ quyết của Brazil tại thượng đỉnh Kazan, nước Nga, cản trở tham vọng gia nhập nhóm BRICS của Caracas.
Đăng ngày: 25/10/2024
AFP cho biết, thông cáo của bộ Ngoại Giao Venezuela ghi rõ, Caracas đã có được sự « ủng hộ và hậu thuẫn từ nhiều nước tham dự thượng đỉnh để hợp thức hóa việc Venezuela gia nhập nhóm ». Tuy nhiên, « đại diện bộ Ngoại Giao Brazil đã quyết định duy trì lá phiếu phủ quyết mà cựu tổng thống Jair Bolsonaro áp đặt đối với Venezuela trong nhiều năm qua, tạo dựng lại sự thù hận, loại trừ nhau và thiếu khoan dung, do các trung tâm quyền lực phương Tây xúc tiến để ngăn chặn Venezuela gia nhập » nhóm BRICS.
Cũng trong thông cáo, Caracas lên án Brasilia có một hành động « gây hấn chống Venezuela, một cử chỉ thù nghịch. Người dân Venezuela cảm thấy bất bình và xấu hổ cho hành động gây hấn khó có thể biện minh và vô đạo đức của bộ Ngoại Giao Brazil, khi vẫn tiếp tục chính sách tệ hại của Jair Bolsonaro chống lại cách mạng Boliva ».
Hãng tin Pháp nhắc lại, quan hệ giữa Brazil và Venezuela đã trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây, sau thắng lợi bầu cử gây tranh cãi của tổng thống Nicolas Maduro hồi tháng 7/2024. Phe đối lập phản đối một cuộc bầu cử gian lận và tuyên bố chiến thắng.
Hai nước Nam Mỹ này đã đoạn tuyệt bang giao vào năm 2019 trong suốt nhiệm kỳ Bolsonaro (2019-2022) nhưng với việc ông Lula trở lại cầm quyền, quan hệ ngoại giao đã được nối lại vào năm 2023.
Tổng thống Lula, tuy cố gắng làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela khi đề nghị một cuộc bầu cử mới, nhưng bất thành, cho đến hiện tại vẫn chưa nhìn nhận thắng lợi tái đắc cử của người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. Giống như phe đối lập, ông đề nghị cho công bố biên bản các phòng bỏ phiếu nhưng không thành.
Được hỏi về căng thẳng giữa Brazil và Venezuela tại Kazan, tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng minh thân cận của ông Maduro, cho biết ông « hy vọng rằng tình trạng này sẽ được giải quyết », nhưng cũng nhấn mạnh thêm rằng một sự đồng thuận là không thể thiếu để một nước mới được gia nhập BRICS.